Theo Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp (DN) thành lập từ năm 2014 phải có tài sản cố định từ 1 tỷ đồng trở lên mới được kê khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo phương pháp khấu trừ (sử dụng hóa đơn GTGT). Nếu không đáp ứng quy định này, DN phải khai thuế theo phương pháp trực tiếp (sử dụng hóa đơn bán hàng).
Theo Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp (DN) thành lập từ năm 2014 phải có tài sản cố định từ 1 tỷ đồng trở lên mới được kê khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo phương pháp khấu trừ (sử dụng hóa đơn GTGT). Nếu không đáp ứng quy định này, DN phải khai thuế theo phương pháp trực tiếp (sử dụng hóa đơn bán hàng). Điều này khiến nhiều DN rơi vào tình cảnh khó khăn.
Sản xuất chất đốt ở Công ty Liềng A. |
Thông tư bắt đầu được áp dụng từ tháng 3-2014. Chỉ sau 2 tháng có hiệu lực, các DN nhỏ mới thành lập đã thi nhau giải thể. Đây cũng đang là nỗi bức xúc của không ít DN.
* Thành lập xong là giải thể
Ông Nguyễn Quốc An, chủ một cơ sở sản xuất khăn giấy ở huyện Long Thành, cho biết để đáp ứng việc cung cấp hóa đơn cho khách hàng, ông đã phải “nâng cấp” cơ sở sản xuất của mình lên Công ty TNHH một thành viên An Trường Thịnh. Thế nhưng, DN của ông cũng chỉ tồn tại được hơn một tháng thì giải thể vì lý do nâng lên thành DN rồi nhưng cũng không giải quyết được vấn đề cung cấp hóa đơn GTGT cho khách. “Tôi làm DN nhỏ, quy mô sản xuất không lớn, ở lĩnh vực làm khăn này, máy móc phải đầu tư có trị giá không lớn, chỉ vài trăm triệu đồng. Theo quy định, tôi phải đầu tư trên 1 tỷ đồng mới được sử dụng hóa đơn GTGT. Như vậy, việc lên DN không có ý nghĩa gì, vì thế vừa thành lập xong DN tôi lại giải thể ngay” - ông An nói.
Cũng như anh An, cơ sở may của bà Nguyễn Thị Nhã ở phường Trảng Dài cũng mới thành lập rồi lại giải thể ngay. Bà Nhã cho hay, cơ sở chuyên may đồng phục công nhân cho DN, vì vậy cần đến hóa đơn GTGT để xuất cho đối tác. Thế nhưng với quy định mới này, DN của bà không đủ điều kiện để sử dụng hóa đơn GTGT mà vẫn phải dùng hóa đơn trực tiếp. Xét thấy không có lợi gì, bà Nhã đã giải thể DN ngay.
Bà Phạm Thị Thanh Mai, Giám đốc Công ty luật Việt Á (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa), DN chuyên làm dịch vụ thuế, kế toán cho các DN nhỏ, cho biết chỉ trong tháng 5 vừa qua công ty đã hỗ trợ thủ tục giải thể hơn 10 DN mới thành lập do không được sử dụng hóa đơn GTGT. Ông Ngô Văn Phú, Giám đốc Công ty tư vấn thành lập DN Be Boss (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Nhiều người đến tư vấn để thành lập DN, sau khi nghe tư vấn xong họ bỏ ngay ý định lập DN vì họ thấy không mang lại lợi ích”.
* Siết doanh nghiệp
Theo bà Mai, Thông tư 219 của Bộ Tài chính đã siết quá chặt đối với DN mới, trong khi đây là đối tượng đúng ra phải được hỗ trợ cơ chế chính sách thoáng hơn để phát triển.
Bên cạnh việc quy định về đầu tư tài sản cố định trên 1 tỷ đồng, các DN mới còn phải có doanh thu trong năm 2014 đạt từ 1 tỷ đồng trở lên thì bắt đầu từ năm 2015 mới được áp dụng tính thuế theo phương pháp khấu trừ thuế GTGT. Quy định này đã làm cho không ít DN rơi vào tình trạng lỗ vốn. Cụ thể như Công ty TNHH một thành viên Liềng A (TP.Biên Hòa), chuyên cung cấp mặt hàng chất đốt cho các khu công nghiệp. DN được thành lập từ tháng 2-2014, do không được sử dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT nên hiện nay mỗi tháng công ty phải chịu lỗ hơn 30 triệu đồng.
Một cán bộ ngành thuế cũng thừa nhận quy định mới này của Bộ Tài chính là quá chặt, thực sự gây khó cho các DN nhỏ mới thành lập. Mục đích của Thông tư 219 nhằm mục tiêu quản lý thuế GTGT đối với các trường hợp DN “đánh võng” thuế trong thời gian qua. Tuy nhiên thực tế lại gây khó cho những DN làm ăn chân chính, đặc biệt đối với các DN dịch vụ.
Vân Nam