Từ đầu năm 2014, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào EU (Liên minh châu Âu) đã được hưởng chính sách ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Song thị trường này còn hứa hẹn nhiều cơ hội hơn khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU kết thúc vòng đàm phán cuối vào tháng 9-2014.
Từ đầu năm 2014, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào EU (Liên minh châu Âu) đã được hưởng chính sách ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Song thị trường này còn hứa hẹn nhiều cơ hội hơn khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU kết thúc vòng đàm phán cuối vào tháng 9-2014.
Sản xuất tại Công ty cổ phần giày dép cao su màu (xã Hóa An, TP. Biên Hòa). |
Trong 5 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu của các doanh nghiệp Đồng Nai vào thị trường EU là hơn 571 triệu USD, chiếm hơn 12% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Vào cuối năm nay, khi Việt Nam và EU kết thúc thỏa thuận, FTA sẽ có thêm nhiều ưu đãi về thuế quan với các dòng thuế giảm dần về 0%. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Đồng Nai cũng như cả nước mở rộng thị trường xuất khẩu sang EU và nhập khẩu máy móc hiện đại về để sản xuất.
* Sẽ thuận lợi hơn
Trong tình hình kinh tế khó khăn, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU đã được hưởng GSP (được hiểu là những ưu đãi về thuế mà các quốc gia phát triển dành cho những quốc gia đang phát triển, không đòi hỏi nghĩa vụ ngược lại), giúp doanh nghiệp có thêm năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, hàng hóa được hưởng ưu đãi GSP phải xét duyệt 3 lần và các hạng mục ưu đãi thường xuyên thay đổi cũng là một hạn chế cho các doanh nghiệp đang xuất khẩu vào thị trường trên. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp trông đợi FTA Việt Nam - EU sớm được ký kết, vì có ưu đãi cao hơn GSP hiện tại.
Theo Bộ Công thương, Việt Nam có 5 FTA mới đang đàm phán gồm: Việt Nam - EU; Việt Nam - Liên minh thuế quan Nga, Belarus, Karzakstan; ASEAN+6; Việt Nam - Khối EFTA (gồm: Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein); Việt Nam - Hàn Quốc. Hiện đàm phán FTA Việt Nam - EU đang ở vòng thứ 7, dự kiến trong tháng 9-2014 sẽ đi đến vòng đàm phán cuối tại Việt Nam, và nhiều hy vọng 2 bên sẽ kết thúc thỏa thuận hiệp định vào giữa tháng 10-2014. |
Ông Trần Dục Dân, Giám đốc Công ty cổ phần giày dép cao su màu (xã Hóa An, TP.Biên Hòa), cho biết: “Từ đầu năm đến nay, mặt hàng giày dép của công ty xuất khẩu vào EU khá nhiều và đã được hưởng GSP. Tuy nhiên, công ty đang trông đợi FTA ký kết xong để thuế xuất khẩu mặt hàng giày dép về 0%, sẽ có thêm cơ hội cạnh tranh và mở rộng thị trường”.
Đồng quan điểm với ông Dân, bà Quan Ngọc Liên, Giám đốc DNTN Hoàn Mỹ (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) nói: “Hoàn Mỹ chuyên sản xuất nút áo từ vỏ ốc, sò, hàng hóa phần lớn là xuất sang thị trường Pháp và Ý. Hiện thuế xuất khẩu sang 2 thị trường này là 5%. Nếu cuối năm nay, Chính phủ ký xong FTA, thuế giảm dần về 0% sẽ là cơ hội cho tôi tăng lượng hàng xuất khẩu sang 2 thị trường trên và mở rộng ra các nước khác thuộc EU”.
* Nên chủ động đón đầu
Theo Bộ Công thương, EU là thị trường lớn đầy tiềm năng với 28 nước và gần 500 triệu dân. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần chủ động tìm hiểu những thông tin về chính sách, nhu cầu của thị trường EU nhằm có những kế hoạch, chiến lược phát triển sản xuất - kinh doanh cho phù hợp để đón bắt lấy cơ hội. Thế nhưng, tại Đồng Nai chỉ những doanh nghiệp lớn có tiềm năng quan tâm đến cơ hội từ thị trường EU, còn nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn thụ động chỉ duy trì thị trường truyền thống đang có, ngại vươn ra các thị trường mới.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, chia sẻ: “ Các doanh nghiệp lớn chờ đợi FTA giữa Việt Nam - EU ký kết và coi đây là một cơ hội tốt để mở rộng thị trường tại EU và tăng sức cạnh tranh. Còn doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ của Đồng Nai do thiếu năng lực hội nhập nên chưa quan tâm đến những ưu đãi và cơ hội từ thị trường EU”. Cũng theo ông Tuấn, hiệp hội thường xuyên thông báo về các thị trường tiềm năng và tạo cơ hội cho những doanh nghiệp có nhu cầu nghiên cứu tìm hiểu những thị trường mới. |
Ông Đinh Hùng Cường, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Đồng Nai, cho biết: “Các doanh nghiệp Đồng Nai đang hướng tới thị trường Mỹ, Dubai và EU. Trung tâm cũng đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách tổ chức các buổi tập huấn và thông báo các chương trình, chính sách mới về các thị trường. Qua đó, doanh nghiệp biết được có hướng phát triển phù hợp để mở rộng thị trường”.
Theo ông Nguyễn Viết Bình, Chủ tịch Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai - Tổng giám đốc Công ty cổ phần gốm Việt Thành (xã Hóa An, TP.Biên Hòa), EU là thị trường lớn nhiều tiềm năng mà các doanh nghiệp gốm đang hướng đến. Tuy nhiên, đến thời điểm này phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa nắm rõ được những cơ hội, thách thức của thị trường EU khi FTA được ký kết.
Hương Giang