Những năm trước khi giá mủ cao su lên cao, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã ồ ạt trồng khiến diện tích cao su tiểu điền tăng mạnh. Song 2 năm gần đây, giá cao su liên tục giảm khiến các chủ vườn lo lắng, nhiều vườn hiện đã được khai thác cũng phải ngưng lại để dưỡng cây chờ cao su tăng giá trở lại.
Những năm trước khi giá mủ cao su lên cao, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã ồ ạt trồng khiến diện tích cao su tiểu điền tăng mạnh. Song 2 năm gần đây, giá cao su liên tục giảm khiến các chủ vườn lo lắng, nhiều vườn hiện đã được khai thác cũng phải ngưng lại để dưỡng cây chờ cao su tăng giá trở lại.
Ông Trần Quang Tuyến (huyện Xuân Lộc) chuẩn bị dụng cụ cho đợt khai thác mủ sắp tới. |
Trái với cao su, cây hồ tiêu vẫn đứng vững trên thị trường và mang lại lợi nhuận cao cho người dân, nên nhiều hộ dân tiến hành mở rộng diện tích trồng tiêu để tăng thêm thu nhập.
* Mủ cao su rớt giá liên tục
Diện tích cao su toàn tỉnh trong 2 năm gần đây đang có xu hướng giảm dần. Năm 2012 toàn tỉnh có 45,5 ngàn hécta, năm 2013 chỉ còn khoảng 44,5 ngàn hécta cao su với tổng sản lượng khai thác khoảng 42 ngàn tấn mủ/năm. Trong đó, toàn huyện Xuân Lộc hiện có hơn 5 ngàn hécta cao su đang thu hoạch, sản lượng khoảng 2,5 ngàn tấn/năm. Anh Bùi Văn Diên (xã Xuân Thành, huyện Xuân Lộc) cho biết: “Hiện nay giá mủ nước bán tại vườn chỉ khoảng 10 ngàn đồng/kg, giảm 8 ngàn đồng so với thời điểm cuối năm 2013. Gia đình tôi có 20 hécta cao su và đã khai thác ở năm thứ 3, bây giờ đã vào mùa cạo mủ nhưng giá thấp quá, không đủ trả tiền công nên còn ngưng lại chờ tăng giá”.
Ông Trần Quang Tuyến, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cao su xã Suối Cao (huyện Xuân Lộc), chia sẻ: “Giá mủ cao su ngày càng giảm, chúng tôi như đang bỏ tiền của mình vào một “canh bạc” mà chẳng biết khi nào mới thắng. Thời gian từ khi trồng cho đến lúc thu mủ cây cao su năm đầu tiên cũng mất khoảng 6-7 năm, thời điểm đợi thu hoạch thì dài mà giá mủ ngày càng giảm, người dân muốn đốn bỏ để trồng cây khác cũng không được, vì chưa thu hồi được vốn cũ làm sao có vốn mới mà đầu tư cây khác. Giờ đành phải chấp nhận chờ cho giá mủ cao lên, hy vọng vớt vát sao cho huề vốn hoặc lãi được chút ít thì càng tốt”. |
Theo các chủ vườn, giá mủ cao su hiện tại thấp nhất từ trước đến nay. Với mức giá này, các vườn cây dưới 10 năm tuổi, năng suất chưa cao nếu khai thác cũng chỉ đủ trả tiền công. Anh Nguyễn Xuân Hiệp (xã Xuân Thành, huyện Xuân Lộc) chia sẻ: “Với những hộ có từ 3-5 hécta có thể tự khai thác, không mất tiền thuê nhân công thì còn có lời, có những hộ trồng trên 10 hécta thì phải thuê người cạo, song giá mủ năm nay quá thấp, thu hoạch chỉ đủ trả tiền công. Đa phần mọi người đều tạm ngưng khai thác để dưỡng cây tăng năng suất hoặc chỉ khai thác cầm chừng, chủ yếu duy trì thu nhập cho gia đình”.
Trong khi giá cao su liên tục giảm thì giá tiêu lại đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 9 ngàn hécta tiêu với tổng sản lượng hơn 16 ngàn tấn/năm. Anh Lê Nam (xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc) cho biết: “Trong khoảng 2-3 năm gần đây tiêu liên tục tăng giá, hiện ở mức từ 145 - 150 ngàn đồng/kg. Mặc dù cây tiêu khó chăm sóc do dịch bệnh nhiều, nhưng với năng suất và giá như hiện tại thì cây tiêu mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với cây cao su. Với 2,5 hécta tiêu, mỗi năm gia đình tôi thu được khoảng 5 tấn/hécta, sau khi trừ chi phí có thể dư được 400-500 triệu đồng/hécta”.
* “Canh bạc”của nhà nông
Giá mủ cao su giảm mạnh trong khi giá tiêu vẫn duy trì ở mức cao khiến nhiều hộ dân băn khoăn có nên chặt bỏ những cây trồng khác, trong đó có cây cao su để trồng tiêu - loại cây đang đem lại giá trị kinh tế cao - hay không.
Ông Phan Văn On (huyện Cẩm Mỹ) bón phân cho cây tiêu. |
Tại xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ), nhiều hộ dân có diện tích cao su khoảng từ 1-2 hécta cũng đang đốn cao su bán gỗ, làm lại đất để trồng tiêu hoặc chặt nhánh nhỏ, tận dụng thân cây làm trụ trồng tiêu. Hộ ông Phan Văn On (xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ) hiện có 4,5 hécta tiêu, mỗi năm thu hoạch được 4 tấn/hécta, sau khi trừ chi phí ông lời khoảng 450 triệu đồng/hécta, ông On cũng đang chuyển 1,5 hécta cao su cũ sang trồng tiêu.
Ông Nguyễn Đại Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Cẩm Mỹ, cho biết hiện nay cây tiêu được coi là cây trồng chủ lực của huyện. Diện tích trồng tiêu của toàn huyện gần 2 ngàn hécta. Trong năm 2014, diện tích trồng mới là 21 hécta, tập trung chủ yếu ở các xã: Sông Ray, Lâm San, Bảo Bình... “Tuy năng suất và giá tiêu đang mang lại lợi nhuận lớn cho người dân, nhưng huyện vẫn chỉ khuyến khích người dân trồng ở những vùng có điều kiện đất đai, nước tưới phù hợp, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, không định hướng gây thua lỗ” - ông Thắng nói.
Phúc Lộc