Đầu tư vào Việt Nam đã 20 năm, CP gia nhập thị trường Việt Nam ngay từ khi đất nước bắt đầu mở cửa. Đến năm 1993, Công ty TNHH chăn nuôi CP Việt Nam được thành lập. Từ đó cho đến nay, CP Việt Nam không ngừng mở rộng sản xuất và hoạt động trong 3 lĩnh vực chính: thức ăn chăn nuôi, trang trại và thực phẩm.
Đầu tư vào Việt Nam đã 20 năm, CP gia nhập thị trường Việt Nam ngay từ khi đất nước bắt đầu mở cửa. Đến năm 1993, Công ty TNHH chăn nuôi CP Việt Nam được thành lập. Từ đó cho đến nay, CP Việt Nam không ngừng mở rộng sản xuất và hoạt động trong 3 lĩnh vực chính: thức ăn chăn nuôi, trang trại và thực phẩm. Hiện doanh thu hàng năm của CP Việt Nam đã vượt mức 1 tỷ USD. Ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg, Tổng giám đốc CP Việt Nam, chia sẻ hơn 20 năm gắn bó tại đây CP Việt Nam đã coi mình là một doanh nghiệp Việt Nam thực sự, bằng việc gắn lợi ích của mình với lợi ích của người nông dân Việt.
* Ông có hài lòng với những gì mà CP Việt Nam đạt được sau hơn 20 năm đầu tư tại Việt Nam?
- Tôi hài lòng ở một mức độ nhất định. Nếu nói xuất sắc thì chưa, nhưng tôi nghĩ mức độ hài lòng nằm khoảng 60%. Nguyên nhân vì trong suốt thời gian qua, mặc dù CP cũng cố gắng nhiều trong phát triển chăn nuôi tại Việt Nam, song tính đến nay, người chăn nuôi nói chung vẫn gặp nhiều khó khăn, thậm chí một số phải tạm ngưng chuồng trại vì dịch bệnh và giá cả. Điều này rơi vào những người chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng đây là điều khiến tôi phiền muộn nhiều.
* Với sự phát triển lớn mạnh của CP tại Việt Nam, thông qua việc phát triển hàng chục ngàn trang trại chăn nuôi, cung cấp giống và thức ăn chăn nuôi, có ý kiến cho rằng CP Việt Nam đang chèn ép chăn nuôi nhỏ lẻ. Ông nghĩ thế nào về điều này ?
- Mục đích của chúng tôi khi đầu tư vào Việt Nam, bên cạnh vấn đề mở rộng đầu tư hay tìm kiếm lợi nhuận, cũng cần được nhìn nhận ở một khía cạnh khác khách quan hơn. Trong 20 năm qua, chúng tôi cố gắng không ngừng để đưa những công nghệ hiện đại hơn vào chăn nuôi tại Việt Nam, kết hợp với các bộ, ngành để hiện đại hóa ngành chăn nuôi, hòng thúc đẩy sự phát triển của ngành.
Những suy nghĩ và nhận xét cho rằng, sự lớn mạnh của chúng tôi là nhằm chèn ép và dồn vào đường cùng những người chăn nuôi nhỏ lẻ khiến tôi rất buồn. Vì điều đó không đúng. Chúng tôi chỉ muốn nhắn nhủ: những người chăn nuôi nhỏ lẻ đã có những động thái thay đổi, thích nghi với những điều kiện mới của thị trường hay chưa? Còn về phía CP, chúng tôi đồng hành với hàng trăm ngàn nông dân khắp Việt Nam trên nhiều khía cạnh, và sự phát triển lớn mạnh của họ đồng hành cùng sự phát triển của chúng tôi.
* Ông nghĩ gì về sự thay đổi, thích nghi của người chăn nuôi nhỏ lẻ Việt Nam trong một bối cảnh hội nhập sâu rộng đang diễn ra trong ngành nông nghiệp. Làm sao để họ có thể cạnh tranh?
- Với vấn đề này, Nhà nước đóng vai trò quan trọng. Nên có những quy định và tiêu chuẩn rõ ràng với các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Vì không thể ngăn chặn nhập khẩu, chỉ có thể đề ra tiêu chuẩn. Nếu quản lý chặt chẽ, người chăn nuôi trong nước mới có cơ hội cạnh tranh. Thực tế, đa số sản phẩm giá rẻ nhập vào Việt Nam là những sản phẩm mà các quốc gia xuất khẩu không dùng, giá cực rẻ.
Một điều cực kỳ quan trọng khác là phải vận động người dân hiểu và sử dụng các sản phẩm an toàn trong nước, bằng mọi cách, mọi phương tiện. Không chỉ các sản phẩm chăn nuôi mà cả các mặt hàng khác, sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước chính là lá bài lớn nhất.
* CP đang phát triển mảng sản phẩm chế biến, bên cạnh chăn nuôi. CP có gặp khó khăn khi cạnh tranh với hàng nhập giá rẻ như các doanh nghiệp khác không?
- Bước đầu chắc chắn sẽ khó khăn, bởi hàng nhập thường rất rẻ. Nhưng về lâu dài, chúng tôi không ngại, bởi chúng tôi có kinh nghiệm từ CP Thái Lan, chỉ sản xuất những sản phẩm an toàn ra thị trường, đó là thế mạnh lớn nhất. Nếu có cơ hội, chúng tôi sẵn sàng bắt tay hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm trong nước, ví dụ Vissan, để sản phẩm trong nước có thêm sức mạnh cạnh tranh với hàng nhập.
Chăn nuôi là một chuỗi. Người chăn nuôi có thể quản lý và kiểm soát rất tốt từ đầu cho đến khi ra sản phẩm. Nhưng khi đã có sản phẩm, để đưa ra thị trường, họ phụ thuộc vào thương lái. Giá cao hay thấp hiện tại vẫn chủ yếu phụ thuộc vào lực lượng này. Có những khi giá cả biến động, giá lên cao, nông dân chưa chắc có lời; giá xuống thấp, nông dân cầm chắc lỗ. Nên làm thế nào đó trong quản lý để đội ngũ thương lái thể hiện được trách nhiệm, nghĩa là họ phải chia sẻ với nông dân, không thể dồn mọi rủi ro cho nông dân. |
Thú thực, chúng tôi sẵn sàng cho điều này đã rất nhiều năm, không chỉ là Vissan, mà doanh nghiệp thực phẩm nào cũng được. Tôi chỉ yêu cầu một điều: cả 2 bên phải thực lòng hợp tác, không “bắt chẹt” nhau, dựa trên lợi ích của nhau.
* Tập đoàn CP đã đầu tư tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ông có nhận xét gì về điểm mạnh và điểm yếu của nông dân Việt?
- Điểm mạnh là họ siêng năng, chịu khó và rất “chiến đấu”! Họ giỏi, khéo và sáng dạ hơn so với nông dân các nước châu Á. Đặc biệt, họ học hỏi rất nhanh trong ngành chăn nuôi.
Điểm yếu là nguồn vốn hỗ trợ còn yếu. Việc tiếp cận nguồn vốn với đa số nông dân còn khó khăn nhiều. Thêm nữa, khi thị trường khó khăn, Nhà nước cần can thiệp ngay khâu trung gian - các thương lái - để họ không bị ép giá.
* Nhưng thương lái là một đội ngũ hoạt động riêng lẻ và độc lập. Theo ông, có cách nào để cải thiện khâu này không?
- Người có trách nhiệm và có khả năng cải thiện khâu này, chỉ có thể là Nhà nước. Phải chấp nhận sự tồn tại của đội ngũ thương lái và có cách gửi những thông điệp đến họ, thậm chí có thể can thiệp họ, nếu cần.
* So với Thái Lan, thì sự hỗ trợ cho nông nghiệp tại Việt Nam như thế nào?
- Tầm quan trọng của ngành nông nghiệp ở 2 quốc gia là tương đồng, cũng như Việt Nam, Thái Lan xác định người nông dân là những trái tim của nền kinh tế, của đất nước, do đó sự hỗ trợ là tương đương.
Sự khác biệt nằm ở chỗ, nông dân Thái Lan đã phát triển chăn nuôi từ lâu, mang tính công nghiệp từ lâu, do đó họ chắc chắn hơn, khi gặp bất trắc, họ phục hồi nhanh hơn, không dễ tổn thương như nông dân Việt. Thêm nữa, các mô hình chăn nuôi hiện đại tại Thái Lan tốt hơn, sức khỏe của họ cũng tốt hơn.
Thêm một điều tôi muốn khẳng định và chia sẻ, thời gian qua, chúng tôi bị hiểu lầm rằng CP đã thuộc về các cổ đông Trung Quốc, điều này hoàn toàn sai. Chúng tôi chỉ chịu sự quản lý từ tập đoàn mẹ ở Thái Lan, và sau hơn 20 năm gắn bó tại Việt Nam, chúng tôi đã coi mình là một doanh nghiệp Việt Nam thực sự, với những khó khăn, thử thách và gắn bó về quyền lợi lẫn trách nhiệm ở chính đất nước này. |
* CP Việt Nam đầu tư lớn cho công tác thiện nguyện, nhưng không quảng bá rộng rãi điều này. Vì sao?
- Chúng tôi đã có mặt ở đây 20 năm, và 5 hay 10 năm tới, chúng tôi vẫn phát triển bình thường trên cả 2 mặt chăn nuôi và chế biến thực phẩm. Chúng tôi phát triển là vì hàng trăm ngàn nông dân liên quan đến CP và 13 ngàn nhân viên của chúng tôi tại đây. Tôi đến, làm việc và sinh sống tại Việt Nam đã 9 năm. Tôi thích cuộc sống này. Thứ nhất, khẩu vị ăn uống phù hợp; thứ hai, sự chia sẻ và gắn kết tình cảm cũng tương đồng. Còn về các hoạt động thiện nguyện, tuy không quảng bá rầm rộ, nhưng công tác xã hội - từ thiện nằm trong triết lý của chúng tôi. Không phải chỉ tại Việt Nam, chúng tôi mới có sự chia sẻ này, mà ở tất cả các quốc gia chúng tôi đến đầu tư. Khi thành công, chúng tôi phải đền đáp, để được thương yêu và chia sẻ, chứ không chỉ tìm kiếm lợi nhuận. Ngay tại thời điểm này, chúng tôi cũng mong muốn chung sức với nhân dân Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền và hòa bình.
Kim Ngân (thực hiện)