Trong lúc kinh tế còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đã tìm cách liên kết lại, tận dụng thế mạnh của nhau để cùng phát triển. Nhờ liên kết, giúp DN duy trì ổn định sản xuất.
Trong lúc kinh tế còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đã tìm cách liên kết lại, tận dụng thế mạnh của nhau để cùng phát triển. Nhờ liên kết, giúp DN duy trì ổn định sản xuất.
Công ty TNHH Hoàng Nhật Long (ở phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) đã vượt qua khó khăn về đơn hàng. Trái lại, dãy nhà kho đầy ắp bàn, ghế gỗ đang chờ đóng container để xuất khẩu.
* Đảm bảo đơn hàng
Ông Lê Thành Nghị, Giám đốc Công ty Hoàng Nhật Long, cho biết nhờ kết hợp với 2 DN bạn nên hơn 2 năm nay công ty sản xuất ổn định. Ông Nghị kể: “Thời gian trước, tôi chỉ gia công cho các công ty lớn của Bình Dương, nhiều khi khó khăn vì đơn hàng rất ít, không đủ làm. Đầu năm 2012, công ty của một người bạn ở huyện Trảng Bom ký một hợp đồng lớn, chia sẻ để cùng sản xuất. Ban đầu chỉ dừng lại ở hình thức gia công, nhưng sau đó thấy nếu cùng liên kết để “săn” các đơn hàng lớn thì hiệu quả hơn, chúng tôi mời thêm một DN bạn nữa cùng tham gia sản xuất”.
Đan sản phẩm nhựa giả mây ở Công ty TNHH ĐiBi (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa). |
Mô hình chia sẻ này cũng thành công với Công ty TNHH Bùi Chấn Hưng (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa), chuyên sản xuất hàng mỹ nghệ xuất khẩu. Anh Bùi Quang Hội, Giám đốc công ty, cho hay trước đây DN có những đơn hàng lớn nhưng không dám nhận, đã phải chuyển cho một DN quen có quy mô lớn hơn sản xuất, nhưng rồi DN này cũng không kham nổi. Sau lần đó, anh Hội nghĩ đến việc liên kết với các cơ sở nhỏ để có thể ký những hợp đồng hàng lớn. “Khi liên kết với các cơ sở nhỏ, mình cực hơn trong khâu kiểm soát chất lượng hàng, nếu không nguy cơ bị trả hàng rất cao bởi các cơ sở thường hay chủ quan” - anh Hội nói.
Trong lĩnh vực đan lát xuất khẩu, Công ty TNHH ĐiBi (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) cũng đã triển khai phương án này khá hiệu quả. Anh Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty, cho rằng khi liên kết sản xuất, các DN sẽ khai thác hết được thế mạnh của nhau và giảm được chi phí đầu tư, như: nhà xưởng, kho chứa, phương tiện vận chuyển, nhân công, vốn... Năm 2013, doanh thu xuất khẩu của ĐiBi đã đạt 3 triệu USD, tăng gần 50% so với năm 2012, riêng 4 tháng đầu năm nay, DN cũng xuất khẩu được hơn 1 triệu USD.
* Hài hòa lợi ích
Theo phân tích của ông Lê Thành Nghị, mối liên kết làm ăn giữa các DN cùng ngành nghề có được bền vững hay không là do cách dàn xếp hài hòa lợi ích giữa các DN. Nếu chỉ đơn thuần là gia công cho nhau thì hiệu quả sẽ không cao, bởi sẽ khó cạnh tranh được với các DN lớn khi đàm phán hợp đồng. Mô hình gia công cũng dễ bị phá vỡ vì lúc hợp đồng đến nhiều, đơn vị gia công sẽ chọn những hợp đồng có lãi cao để nhận. Đối với liên kết thực sự cùng chia đơn hàng để sản xuất thì các DN đều có trách nhiệm cả lúc hàng ít lẫn khi hàng nhiều.
Những phương án liên kết như trên được Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai đánh giá cao, vì tăng được khả năng cạnh tranh và gia tăng giá trị sản phẩm. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, nhận xét hình thức liên kết giữa DN và các cơ sở vệ tinh được xem là “cánh tay” nối dài của DN, thời gian qua hình thành khá phổ biến, riêng hình thức liên kết DN và DN vẫn còn khá ít. Ông Tuấn cũng cho rằng, các DN trong nước rất khó kết hợp với nhau do vẫn mang nặng tư duy “mạnh ai nấy làm” và sợ chung đụng sẽ thêm phần phiền phức. Tâm lý sợ thiệt là điểm mấu chốt của DN dẫn đến việc khó hợp tác với nhau. Đây cũng là điểm yếu của nhiều DN nhỏ và vừa trong nước.
Quốc Khánh