Thời gian qua, cước vận tải tăng cao do ảnh hưởng giá xăng dầu, thêm vào đó là quy định xe không được chở quá tải trọng được làm nghiêm trên toàn quốc. Tuy nhiên, "trăm dâu đều đổ đầu tằm", người nông dân vừa đối mặt với chi phí đầu vào tăng, trong khi giá nông sản lại giảm vì gánh thêm cước vận tải.
Thời gian qua, cước vận tải tăng cao do ảnh hưởng giá xăng dầu, thêm vào đó là quy định xe không được chở quá tải trọng được làm nghiêm trên toàn quốc. Tuy nhiên, “trăm dâu đều đổ đầu tằm”, người nông dân vừa đối mặt với chi phí đầu vào tăng, trong khi giá nông sản lại giảm vì gánh thêm cước vận tải.
Vụ trái cây hè năm nay có nguy cơ thất bát do ảnh hưởng thời tiết, nhưng nhiều nhà vườn vẫn không bán được giá cao vì thương lái lấy lý do phí vận tải tăng để ép giá.
* Nông sản vùng sâu khó bán
Khảo sát và so sánh giữa khu vực thuận tiện giao thông với các địa bàn vùng sâu, vùng xa cho thấy, giá thu mua nông sản hiện có mức chênh lệch rất lớn. Cụ thể, đầu mùa giá sầu riêng tại nhà vườn Long Khánh có mức 35 ngàn đồng/kg, trong khi ở huyện Cẩm Mỹ giá bán chỉ còn 25 ngàn đồng/kg. Ngay trong một xã, giá thu mua trái cây có thể chênh nhau đến vài ngàn đồng/kg giữa nhà vườn ngoài đường lớn với vườn cây “trong hẻm”. Theo nhiều nông dân, trước đây ở vùng sâu, vùng xa, giá bán nông sản thường thấp hơn ở khu vực trung tâm vì mất thêm chi phí vận chuyển, nhưng chưa bao giờ mức chênh lệch này lại lớn như hiện nay.
Nông dân là người phải gánh giá cước vận chuyển. (Ảnh chụp tại chợ đầu mối trái cây Long Khánh). |
Ông Trịnh Đình Quang, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) trái cây an toàn Định Quán (xã Ngọc Định, huyện Định Quán) xót xa cho biết, cuối mùa giá xoài trên thị trường liên tục nhích giá, nhưng nông dân bán tại vườn vẫn ở mức 1.500-2.000 đồng/kg xoài ba mùa mưa, vậy mà nhiều khi gọi thương lái cũng không đến. Nông dân chở ra tận đại lý thì bán được 3 ngàn đồng/kg. Nguyên nhân chủ yếu do cước vận tải tăng. Ông Quang so sánh: “Trước đây, chi phí vận chuyển 1 kg xoài chỉ khoảng 2 ngàn đồng thì nay tăng lên 5-6 ngàn đồng/kg. Chính vì vậy, giá xoài bán lẻ đến tay người tiêu dùng tăng cao, nhưng nông dân vẫn không thể bán được giá tốt vì mức chênh lệch này đều rơi vào khâu trung gian”.
* Dồn gánh nặng cho nông dân
Chị Nguyễn Thị Thanh, đại lý thu mua mít tại xã Phú Hòa (huyện Định Quán), nhận xét: “Cước vận tải tăng, nông dân là người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hiện nhiều loại nông sản tiêu thụ chậm, giá vận tải lại tăng nên chúng tôi vừa giảm giá thu mua, vừa thu mua ít hơn để chờ xem tình hình. Mít bán chậm, tôi thuê nông dân bóc mít gia công cho các cơ sở chế biến. Hiện 1 kg mít đã bóc múi, tách hạt chỉ có 8 ngàn đồng/kg, bao gồm cả giá nguyên liệu và công bóc. Giá này chỉ bằng một nửa so với ngoài trung tâm huyện, thị xã nhưng đành chấp nhận vì mình ở vùng sâu”.
Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ sầu riêng ấp Tân Hạnh (xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ), nhận định: “Năm nay, sầu riêng mất mùa nhưng nông dân lại không bán được giá cao như cùng kỳ năm ngoái, vì phí vận tải tăng đều do nông dân gánh. Hiện ở Cẩm Mỹ sầu riêng vẫn chưa rộ mùa, sản lượng ít nên dù bán giá thấp nhưng thương lái vẫn ngại về tận vườn thu mua”. |
Chị Lê Thị Kim Oanh, nông dân tại xã Trà Cổ (huyện Tân Phú), chia sẻ: “Tôi đầu tư cả năm cho vườn chôm chôm chỉ trông chờ vào một vụ thu hoạch. Năm nay thời tiết thất thường, ảnh hưởng đến năng suất, chi phí đầu tư cũng đội hơn nhưng đầu ra quá bấp bênh”. Theo chị Oanh, vụ thu hoạch năm nay trái cây rớt giá rất nhanh, chỉ hôm trước, hôm sau đã hạ vài ngàn đồng/kg vì thương lái dựa vào phí vận chuyển tăng để ép nhà vườn. Những vườn nằm giáp đường nhựa còn bán được giá, nhưng chỉ cần vào sâu vài chục mét, thương lái đã mua rẻ hơn 1-2 ngàn đồng/kg vì chê xa.
Ông Lý Phát Sinh, Chủ nhiệm Liên hiệp Câu lạc bộ năng suất cao Lang Minh (huyện Xuân Lộc), bức xúc: “Dù bị thương lái thu mua với giá thấp, chúng tôi vẫn buộc phải bán nông sản để có tiền trang trải chi phí đầu tư. Nông dân làm ra sản phẩm nhưng luôn ở thế yếu vì giá thu mua hoàn toàn do thương lái thao túng”.
Bình Nguyên