Trong tháng 4 và tháng 5, các địa phương thậm chí cả Bộ Giao thông - vận tải (GTVT) liên tục tổ chức các cuộc họp để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Nhiều phương án và quyết tâm được đưa ra.
Trong tháng 4 và tháng 5, các địa phương thậm chí cả Bộ Giao thông - vận tải (GTVT) liên tục tổ chức các cuộc họp để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Nhiều phương án và quyết tâm được đưa ra.
Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Ngọc Đông (bên trái) nghe nhà thầu giải trình tiến độ dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. |
Hạn chót giải phóng mặt bằng cho các dự án trọng điểm dù đã dần đến phút cuối, song vẫn có dự án lo vỡ kế hoạch vì không có tiền chi trả bồi thường cho dân theo đúng thời hạn.
* Hoàn tất các bước cuối
Ở dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, tuy vẫn còn 6 hộ chưa chịu di dời để trả mặt bằng nhưng không ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Ông Ngô Thế Ân, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành, cho biết huyện đang tiến hành xử lý hành chính những trường hợp dây dưa trong tháng 5-2014. Riêng những trường hợp đủ điều kiện đền bù cũng sẽ hoàn tất trong tháng 6-2014.
Dự án quy mô lớn song có tốc độ thực hiện thủ tục giải phóng mặt bằng nhanh nhất là đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đến nay, huyện Long Thành đã lập và trình phê duyệt phương án bồi thường đạt 99%, Nhơn Trạch đạt 93%. Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành, chỉ còn 16 hộ nữa và huyện đang hoàn tất hồ sơ. Ở Nhơn Trạch, việc lập và trình phê duyệt phương án bồi thường đến nay cũng gần xong, chỉ còn 18 hộ. Các hộ này cũng đang được Trung tâm Phát triển quỹ đất của huyện tích cực hoàn tất thủ tục, chỉ còn chờ vốn. |
Riêng dự án cầu Đồng Nai, dù trễ tiến độ nhiều lần, vẫn còn 6 khu vực đang vướng mặt bằng, thuộc 17 tổ chức và gần 140 hộ dân. Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Biên Hòa, hiện đang hoàn tất hồ sơ và cam kết đến ngày 30-6 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư. Theo ông Lê Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng cầu Đồng Nai, vì đến cuối tháng 6 mặt bằng mới có nên việc hoàn thành dự án tiếp tục trễ 2 tháng so với kế hoạch trước đây, dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 8-2014.
Dự án cải tạo quốc lộ 20 đến nay cũng cơ bản hoàn tất việc giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân và đang tập trung di dời các công trình công cộng, như: điện, đèn chiếu sáng, cáp điện thoại. Trong tháng 5, chủ đầu tư sẽ chuyển tiền để các huyện chi trả đền bù cho dân.
* Sợ thiếu vốn
Với các dự án: cầu Đồng Nai, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và cải tạo quốc lộ 20, các chủ đầu tư đều cho biết đã sẵn sàng tiền để chi trả cho dân.
Thi công quốc lộ 20. |
Riêng dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành hiện vẫn khá hồi hộp. Tổng số tiền chủ đầu tư phải chuyển cho 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch khoảng 700 tỷ đồng, trong đó tiền đền bù hơn 400 tỷ đồng, song hiện tại mới chỉ bố trí được 44 tỷ đồng. Mới đây, chủ đầu tư đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT bố trí vốn. Tại buổi làm việc với Đồng Nai mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, nguồn vốn cho dự án này đang được Bộ Tài chính cân đối sắp xếp. Tuy nhiên, tiền sẽ rất khó chuyển kịp cho địa phương từ nay đến cuối tháng 6-2014. Ông Đông yêu cầu chủ đầu tư chủ động tìm các nguồn khác ứng trước để có thể giải quyết tiền đền bù cho dân. Tuy vậy, Tổng công ty phát triển đường cao tốc lại cho rằng việc này khá khó khăn.
Theo ông Lê Thành Mỹ, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, nếu trong tháng 6-2014, huyện không chi trả được đền bù cho dân, sang tháng 7-2014 Luật Đất đai mới có hiệu lực, sẽ phải làm lại gần như toàn bộ hồ sơ đền bù từ đầu, mất rất nhiều thời gian. “Huyện Nhơn Trạch có hơn 900 hộ dân bị thu hồi đất và tài sản trên đất, do đó quá trình thống kê và thực hiện hồ sơ đền bù rất vất vả” - ông Mỹ nói.
Vân Nam