Là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh của cả nước, Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động.
Là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh của cả nước, Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, sức thu hút đầu tư chỉ thực sự phát huy hiệu quả đối với những KCN ở TP.Biên Hòa hoặc các khu vực gần TP.Hồ Chí Minh...
Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) đã được lấp đầy diện tích |
Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, thu hút đầu tư đến cuối năm 2013 của 31 KCN trong tỉnh là 1.269 dự án với tổng vốn đầu tư trên 17 tỷ USD, trong đó có 925 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 344 dự án trong nước. Tình hình thuê diện tích để kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp tại 31 KCN đang có mức chênh lệch cao theo kiểu “lốm đốm da beo”.
* Đổ xô vào khu công nghiệp gần
Một số KCN tại đô thị, như: Biên Hòa 1, Biên Hòa 2, Tam Phước, Amata (TP.Biên Hòa) là điểm hướng đến của các nhà đầu tư. Hiện nay, diện tích quy hoạch của những KCN này đã được lấp đầy với tỷ lệ từ 80 - 103%. Mặc dù không còn diện tích trống nhưng nhiều chủ đầu tư khác vẫn mong muốn được vào thuê đất để kinh doanh. Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, nhu cầu của nhà đầu tư vào các KCN ở TP.Biên Hòa ngày càng tăng cao, trong khi diện tích đã lấp đầy nên khó đáp ứng. Tuy nhiên, những nhà đầu tư mới đã tìm cách thuê lại một phần diện tích của nhà đầu tư cũ để cùng sản xuất, kinh doanh nên đã xảy ra tình trạng “chen chúc”.
Để phát huy tiềm lực công nghiệp của Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận quy hoạch, phát triển KCN trên toàn tỉnh đến năm 2015 là 35 KCN. Hiện nay, 31 KCN đi vào hoạt động, 4 KCN khác sẽ thành lập trong thời gian từ nay đến 2015. |
Trong khi các nhà đầu tư đang “khát đất cắm dùi” tại các KCN ở TP.Biên Hòa, nhiều KCN ở các huyện: Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất, Xuân Lộc, Long Thành..., lại rơi vào tình trạng ế ẩm. Đơn cử như KCN Dầu Giây (huyện Thống Nhất) được thành lập từ năm 2008 với diện tích quy hoạch trên 330 hécta nhưng đến nay nhà đầu tư mới thuê trên 10 hécta để mở dự án (đạt 5,54% tổng diện tích cho thuê). Các KCN khác, như: Lộc An - Bình Sơn (huyện Long Thành) cũng chung cảnh ngộ khi diện tích được nhà đầu tư lấp đầy chỉ chiếm dưới 10% so với diện tích quy hoạch. Những KCN miền núi như: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc…còn ế hơn!
Nhiều KCN ở các huyện miền núi chỉ mới cho thuê trên dưới 10% so với diện tích quy hoạch |
* Mời gọi đầu tư
Lý giải về tình trạng chênh lệch thu hút đầu tư, ông Châu Anh Huy, Chánh văn phòng Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, cho biết: “TP.Biên Hòa có điều kiện thuận lợi về lao động, giao thông, bến cảng, đặc biệt gần TP.Hồ Chí Minh, nên đây là “đất hứa” đối với các nhà đầu tư. Những KCN ở các huyện khác, như: Tân Phú, Thống Nhất..., không có được những thuận lợi như Biên Hòa nên sức thu hút đầu tư kém. Hơn nữa, các KCN này ra đời chủ yếu phục vụ vùng nguyên liệu nên phạm vi, lĩnh vực thu hút đầu tư cũng hạn chế”.
Cũng theo ông Huy, mặc dù nhà đầu tư có nhu cầu vào các KCN tại TP.Biên Hòa rất cao, nhưng trong thời gian tới, những KCN này sẽ hạn chế mở rộng để phân bổ nhà đầu tư về KCN trống. Bên cạnh đó, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai sẽ phối hợp cùng các sở, ban, ngành thực hiện công tác xúc tiến đầu tư tại một số quốc gia, như: Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan để tìm kiếm nguồn đầu tư cho những KCN vùng miền núi, xa trung tâm này.
Ngày 17-4, trong buổi làm việc cùng các ngành liên quan để rà soát quy hoạch KCN Đồng Nai đến năm 2015 và định hướng 2020, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Thị Mỹ Thanh đề nghị: “Cần xem xét lại tính khả thi của các dự án KCN ở miền núi, xa trung tâm. Để giải quyết thực trạng vắng nhà đầu tư, các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN không chỉ chú tâm vào quy hoạch mà cần phải nghiên cứu thị trường, xu hướng đầu tư các nước trong khu vực và trên thế giới, đồng thời liên kết xúc tiến, mời gọi nhà đầu tư về”.
Minh Anh