Cách đây gần 2 năm Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng ra đời, yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, sản xuất trang sức, mỹ nghệ phải đăng ký kinh doanh lại và hoàn thành thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Cách đây gần 2 năm Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng ra đời, yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, sản xuất trang sức, mỹ nghệ phải đăng ký kinh doanh lại và hoàn thành thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Hầu hết các tiệm vàng đều chưa đăng ký cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. (Ảnh chụp tại một cửa hàng vàng trang sức tại phường Hố Nai, TP.Biên Hòa). |
Mặc dù thời hạn đăng ký đã hết kể từ tháng 5-2013, nhưng hiện trên địa bàn Đồng Nai mới chỉ có 1/107 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
* Doanh nghiệp thờ ơ
Hầu hết các tiệm vàng đều có hoạt động gia công, sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ dù với quy mô nhỏ và số lượng ít. Tuy nhiên, đã gần 2 năm kể từ khi nghị định 24 của Chính phủ và Thông tư 16 (hướng dẫn thực hiện Nghị định 24) của NHNN có hiệu lực, song đến nay việc thực hiện đăng ký đủ điều kiện sản xuất vẫn là vấn đề mới mẻ đối với nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Anh Lâm, chủ tiệm vàng Ngọc Lâm Ánh (KP.11, phường Hố Nai, TP.Biên Hòa), cho biết: “Tôi không nhận được thông báo tập huấn hay tuyên truyền về việc đăng ký xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ nên tiệm vẫn kinh doanh bình thường”.
Đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn còn mơ hồ về nội dung quy định trong Nghị định 24 và Thông tư 16 về việc đăng ký kinh doanh lại cũng như xin cấp giấy phép sản xuất. Một số tiệm vàng cho rằng, do chỉ gia công với lượng sản phẩm nhỏ nên việc đăng ký đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là không cần thiết. Anh Chu Hữu Tần, chủ tiệm vàng Ý Ngọc (KP.7, phường Tân Biên, TP.Biên Hòa), nói: “Mặc dù đã biết quy định về việc phải đăng ký đủ điều kiện sản xuất vàng, nhưng do việc kinh doanh ngày càng ế ẩm, bên cạnh đó cũng chỉ gia công một lượng nhỏ các loại nhẫn, mặt dây chuyền… nên ngại đi đăng ký cấp giấy phép”.
Lý giải điều này, ông Nguyễn Hùng Mạnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh Đồng Nai, cho biết: “Việc ít doanh nghiệp đăng ký đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ một phần do người kinh doanh chưa được nắm rõ thông tin về chủ trương này để đăng ký theo đúng quy định, bên cạnh đó công tác thanh tra, kiểm tra chưa chặt chẽ, khắt khe nên các doanh nghiệp cho rằng sẽ không ảnh hưởng tới việc kinh doanh và vẫn hoạt động bình thường”.
* Phải đăng ký lại
Từ tháng 6-2014, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nữ trang sẽ phải tuân thủ thêm Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN quy định về quản lý, đo lường trong kinh doanh vàng và chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường. Bà Nguyễn Thị Xuân Dung, chuyên viên phòng tổng hợp và kiểm soát nội bộ NHNN chi nhánh Đồng Nai, cho biết: “Thông tư 22 buộc các doanh nghiệp phải ghi rõ các tiêu chuẩn chất lượng vàng, nhãn hiệu, hàm lượng, thành phần... Quy định này rất cần thiết trong việc chấn chỉnh tình trạng bát nháo về chất lượng tuổi vàng trang sức, mỹ nghệ. Đây có thể là một trong những lý do khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại trong việc đăng ký sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ”.
“Thông tư 22 quy định các cơ sở, cá nhân sản xuất, mua bán, kinh doanh vàng buộc phải ghi nhãn và công bố tiêu chuẩn bắt buộc: Thông tin về sản phẩm, nhà sản xuất, phân phối, nhãn hiệu hàng hóa, mã ký hiệu sản phẩm; thông tin về yêu cầu kỹ thuật, như: khối lượng vàng hoặc thành phần hợp kim có chứa vàng, hàm lượng vàng, kiểu dáng, kích cỡ, vật liệu gắn lên vàng; ký hiệu, mô tả đặc điểm riêng của vàng trang sức mỹ nghệ… Đặc biệt, quy định đối với vàng trang sức, mỹ nghệ không được chứa các thành phần độc hại hoặc gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng vượt quá ngưỡng cho phép theo quy định hiện hành”. |
Theo quy định tại Nghị định 24 của Chính phủ, chỉ các doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh lại mới được thực hiện mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ của các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng vẫn sản xuất và bày bán trang sức, mỹ nghệ khi chưa đăng ký kinh doanh lại và không được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất theo quy định.
Ông Mạnh cũng cho biết, hiện NHNN chi nhánh Đồng Nai vẫn tiếp tục nhận đăng ký cấp giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp sản xuất nữ trang. Đồng thời, trong thời gian tới NHNN sẽ gửi công văn cho tất cả các doanh nghiệp đang thực hiện gia công vàng trên địa bàn tỉnh về việc đăng ký đủ điều kiện sản xuất trang sức, mỹ nghệ. Sau một thời gian nếu không có doanh nghiệp nào tới đăng ký, NHNN sẽ thành lập đoàn thanh tra liên ngành tiến hành kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm sẽ bị xử lý.
Phúc Lộc