Chuyến thăm và làm việc chính thức tại Nhật Bản vừa qua của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nâng cấp quan hệ Việt - Nhật lên tầm cao mới: quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.
Chuyến thăm và làm việc chính thức tại Nhật Bản vừa qua của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nâng cấp quan hệ Việt - Nhật lên tầm cao mới: quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á. Gần đây, rất nhiều doanh nghiệp Nhật đã quyết định chọn Việt Nam là điểm đến.
Ông Atsushi Uehara - Tổng giám đốc Công ty TNHH đầu tư Long Đức đã có mặt tại Đồng Nai từ khi Khu công nghiệp (KCN) Long Đức có những bước đi đầu tiên cách đây gần 3 năm. Chỉ trong thời gian ngắn, Long Đức đã cho thuê được 45% diện tích với 100% nhà đầu tư đến từ Nhật - quốc gia mà Đồng Nai đang có nhiều hoạt động xúc tiến mạnh mẽ nhất để thu hút đầu tư. Với ông Uehara, Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng đang nổi lên như những điểm đến được ưu tiên. Song, sẽ còn nhiều thứ phải làm vì vấn đề tương đồng văn hóa chưa đủ để gây chú ý cho một nhà đầu tư Nhật Bản.
* Theo ông, điều gì là quan trọng nhất để một nhà đầu tư Nhật Bản chọn vào Việt Nam?
- Điều đầu tiên khi một nhà đầu tư quyết định chọn lựa địa điểm là sẽ đầu tư vào quốc gia nào. Khi đó, sẽ xem xét 3 khía cạnh quan trọng nhất. Thứ nhất là cơ sở hạ tầng, mà quan trọng nhất là điện năng đủ hay không, phù hợp với yêu cầu sản xuất hay không? Thứ hai là nguồn nhân lực. Các vấn đề được quan tâm ở đây là độ tuổi, mức lương cơ bản và kỹ năng người lao động. Thứ ba là thị trường. Tôi cho rằng đây là 3 yếu tố quan trọng nhất trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư của một nhà đầu tư Nhật Bản.
* Việt Nam đang phải thay đổi nhiều để thu hút đầu tư từ Nhật Bản. Theo ông, so với các quốc gia láng giềng như Myanmar hay Thái Lan, Việt Nam đang ở vị trí nào?
- So sánh giữa Thái Lan, Việt Nam và Myanmar, có thể nói Thái Lan đang dẫn đầu về phát triển cơ sở hạ tầng, tiếp đến là Việt Nam dù vẫn còn nhiều bất cập. Riêng với Myanmar, tôi nghĩ rằng phải 5-10 năm nữa mới có thể trở thành một đối thủ cạnh tranh lớn về thu hút đầu tư từ Nhật Bản trong khu vực ASEAN. Về nguồn lao động, Việt Nam nhìn chung đang được đánh giá cao nhất với các ưu điểm như lực lượng lao động dồi dào và dân số trẻ. Riêng về thị trường, do có dân số đông nên sức hút của Việt Nam cũng lớn hơn.
* Các nhà đầu tư Nhật Bản có tiếng là khó tính và lựa chọn rất kỹ địa điểm đầu tư. Theo ông, yếu tố văn hóa chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm trong quyết định đầu tư của một doanh nghiệp (DN) Nhật Bản?
- Thật ra, với các quốc gia có tôn giáo chính là đạo Phật thì có lẽ sẽ không có quá nhiều điểm khác biệt. Tuy nhiên, trong sự tính toán làm ăn hay chọn địa điểm đầu tư, tôi cho rằng chỉ yếu tố tương đồng văn hóa thì chưa đủ để thu hút. DN Nhật Bản cũng chấp nhận sự khác biệt văn hóa, do đó yếu tố này không phải mang tính quyết định.
* Công nghiệp hỗ trợ kém phát triển từ lâu đã là điểm yếu của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng hãy tận dụng thị trường này từ Thái Lan hay các nước lân cận thay vì bỏ quá nhiều tiền bạc và công sức vào đó. Ông nghĩ gì về điều này?
- Đây là một trong những điểm yếu của Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung trong cạnh tranh thu hút đầu tư từ Nhật Bản. Hầu hết DN Nhật Bản đang phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài do công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa thể đáp ứng nhu cầu. Để giảm chi phí sản xuất và cạnh tranh về lâu dài, tôi cho rằng Việt Nam không nên từ bỏ việc theo đuổi các chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ, vì DN vẫn rất cần một thị trường có khả năng đáp ứng các nguyên vật liệu căn bản cho họ sản xuất tại chỗ về lâu dài. Một trong các hướng khắc phục là thu hút thêm các DN nhỏ và vừa chỉ sản xuất các sản phẩm trung gian và Đồng Nai cũng đang làm tốt hướng đi này.
* Về nguồn nhân lực, theo ông ở khía cạnh này, Việt Nam đang ở đâu so với các quốc gia trong khu vực - những nước cũng đang mong muốn thu hút đầu tư nhiều từ Nhật Bản?
- Ở khía cạnh chất lượng nguồn nhân lực, phải công nhận các bạn trẻ Việt Nam rất nhạy bén và học hỏi rất nhanh. Về phía người lao động, tôi cho rằng không có điểm yếu nào quá lớn vì khi quyết định đầu tư, chúng tôi chấp nhận một thị trường mới, chưa có nhiều nhân lực cho các vị trí cao cấp hoặc đòi hỏi tay nghề quá cao. Tuy nhiên, xét từ góc độ nhà đầu tư, việc thay đổi nhanh chóng chế độ tiền lương từ phía các nhà làm chính sách cũng là một trong những điều khiến họ cân nhắc.
* Ông có quan tâm đến các chuyến công du qua lại giữa hai Chính phủ Việt Nam - Nhật Bản không?
- Chúng tôi rất quan tâm và tôi tin rằng, những chuyến đi tương tự sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn nữa trong nhiều ngành nghề khác bên cạnh công nghiệp, ví dụ nông nghiệp hay dịch vụ.
“Theo điều tra của JETRO (Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản) về các vấn đề khó khăn của DN Nhật Bản khi đầu tư vào Việt Nam, có thể kể đến là: hệ thống pháp luật và cách vận hành chưa được rõ ràng lắm ở một số khía cạnh; thủ tục hành chính còn phức tạp; hệ thống pháp luật về thuế khá rắc rối và tốc độ tăng lương cơ bản quá nhanh. Chúng tôi hiểu rằng, mức lương căn bản của người lao động Việt Nam đang ở mức quá thấp, do đó tốc độ tăng được đẩy nhanh, song xét trên lợi thế cạnh tranh thì sự thay đổi liên tục cũng không phải là điều tốt. Việt Nam cần một chính sách phù hợp và có tính ổn định hơn”. |
* Thu hút đầu tư là một chuyện, song để giữ chân cả DN và người lao động lâu dài, theo ông cần phải làm gì?
- Về cơ sở hạ tầng phục vụ cho đời sống hàng ngày của các DN đầu tư tại đây, thì với các chuyên gia hay chủ DN người Nhật hoặc người nước ngoài, việc đi lại mỗi ngày giữa TP.Hồ Chí Minh - Đồng Nai không phải là một vấn đề lớn, vì hiện tại giao thông ngày càng thuận lợi. Bản thân tôi cũng đi về hàng ngày giữa TP.Hồ Chí Minh - Long Thành. Tôi hài lòng với các dịch vụ ăn, ở, sinh hoạt tại TP.Hồ Chí Minh và trong ngắn hạn, tôi thấy không cần quá nhiều dịch vụ chỉ dành riêng cho giới chủ hay chuyên gia người nước ngoài.
Tuy nhiên, với công nhân lao động, hạ tầng để phục vụ họ hầu như chưa có gì. Hầu hết công nhân đang phải thuê nhà trọ sống với những điều kiện tối thiểu, và đặc biệt khó khăn với những gia đình công nhân đến từ miền Trung, miền Bắc, bởi không có sự hỗ trợ từ phía gia đình, chỗ gửi con hay các dịch vụ học hành rất thiếu thốn. Khác với Thái Lan, công nhân của họ hầu hết là người tại chỗ hoặc lân cận, công nhân tại các KCN ở Việt Nam hầu hết đều là dân nhập cư. Họ cần chỗ ăn, ở, học hành cho con cái họ. Tôi mong muốn những nhà làm chính sách quan tâm hơn nữa đến khía cạnh này nếu muốn thu hút đầu tư lâu dài.
* Ấn tượng của ông sau 3 năm sống và làm việc tại Việt Nam ra sao?
- Tôi đã ở Việt Nam gần 3 năm, và thực lòng tôi nghĩ mình có thể làm việc ở đây lâu dài. Dưới góc độ cá nhân, tôi thích cuộc sống ở đây bởi sự chia sẻ, gần gũi trong môi trường làm việc và cuộc sống. Chúng tôi thường tụ tập và uống với nhau vài ly, hát hò cùng nhau. Đó là những thời khắc giải tỏa căng thẳng tốt nhất, điều mà ở Nhật Bản chúng tôi không dễ gì có được.
* Xin cảm ơn ông!
Kim Ngân (thực hiện)