Hôm nay 29-3, Giờ Trái đất năm 2014 được tổ chức từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 nhằm kêu gọi người dân trong tỉnh hưởng ứng bằng cách tắt điện trong 1 giờ, nâng cao ý thức trong việc sử dụng điện tiết kiệm ...
Cô và trò ở Nhà thiếu nhi Đồng Nai hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2014 vào sáng 28-3. |
Hôm nay 29-3, Giờ Trái đất năm 2014 được tổ chức từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 nhằm kêu gọi người dân trong tỉnh hưởng ứng bằng cách tắt điện trong 1 giờ. Về lâu dài, việc tổ chức Giờ Trái đất nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng điện tiết kiệm.
Giờ trái đất được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2007 tại TP.Sydney (Australia) do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) phát động và khởi xướng nhằm kêu gọi cộng đồng sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường. Sau gần 7 năm triển khai, đến nay Giờ Trái đất đã thu hút được 150 quốc gia tham gia. Năm 2009, Việt Nam bắt đầu tổ chức chương trình Giờ Trái đất và đã tiết kiệm được 140 ngàn kWh điện. Con số này tăng dần vào những năm sau đó.
* Thay đổi thói quen
Tại Đồng Nai, việc hưởng ứng Giờ Trái đất ngày càng lan tỏa sâu rộng. Cách đây một tuần, các ban ngành, đoàn thể đã phối hợp tập huấn cho các trường học; treo băng rôn, đi xe đạp diễu hành, cấp tờ rơi vận động gia đình, doanh nghiệp cùng tham gia tắt điện 1 giờ trong đêm diễn ra Giờ Trái đất. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân lựa chọn các thiết bị tiêu hao ít điện năng, tắt các thiết bị điện không cần thiết trong sinh hoạt, sản xuất.
Ông Bùi Đức Lợi, ấp Đức Long 1, xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất), nói: “Trước đây, chất thải từ chăn nuôi tôi chỉ bán hoặc bỏ, nhưng mấy năm gần đây tôi tận dụng làm hầm biogas, sử dụng khí thải để chạy máy phát điện. Nguồn điện này tôi dùng thắp sáng trong sinh hoạt, chạy máy trộn thức ăn… Tính ra, mỗi tháng gia đình tôi giảm gần 1 ngàn kWh điện”. Đây là nguồn điện năng tái tạo từ phế phẩm nông nghiệp được Chính phủ khuyến khích sử dụng.
Nhiều hộ gia đình ngày nay đã có thói quen hạn chế dùng điện giờ cao điểm, hoặc khi không sử dụng thiết bị điện nữa thì rút phích cắm ra khỏi ổ. “Trước đây, gia đình tôi có thói quen sử dụng xong quạt, ti vi, đầu đĩa chỉ dùng phương tiện điều khiển từ xa tạm tắt, nhưng bây giờ mọi người dần dần tập thành thói quen là khi không dùng thiết bị điện nữa thì rút phích cắm ra khỏi ổ và tắt những bóng điện không dùng” - bà Nguyễn Thị Xoan, ấp 6, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) cho hay. Cũng theo bà Xoan, với thói quen trên mỗi tháng gia đình bà tiết kiệm được 40-50 kWh điện, đồng thời bớt lo chập điện gây cháy nổ.
* Mưa dầm thấm đất
Theo ông Phạm Viết Ái, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai, việc tuyên truyền người dân tiết kiệm điện phải thực hiện thường xuyên và lâu dài kiểu “mưa dầm thấm đất” mới đem lại hiệu quả. Vì thế, mấy năm gần đây công ty thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức các buổi tập huấn về tiết kiệm điện cho học sinh, đoàn viên thanh niên, hội phụ nữ...
Sáng 28-3, Điện lực Xuân Lộc đã tổ chức lễ phát động “Tháng hành động tiết kiệm điện và hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2014”. Sau lễ phát động, hàng trăm người đã tham gia lễ diễu hành, chạy xe vòng quanh các trục đường nội ô thị trấn Gia Ray. Ngọc Hoàng |
“Hai tháng đầu năm 2014, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện cao, số hộ sử dụng điện cũng tăng, nhưng điện dùng cho kinh doanh, tiêu dùng tại các hộ dân giảm 1-4% so với cùng kỳ năm 2013, tương đương 1,1 triệu kWh. Điều này đồng nghĩa với việc người dân đang dần nâng cao ý thức tiết kiệm điện” - ông Ái nhận xét.
Theo ông Ái, bắt đầu từ sáng 29-3, Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai sẽ gửi hơn 124 ngàn tin nhắn đến các khách hàng có đăng ký số điện thoại di động để kêu gọi hưởng ứng Giờ Trái đất bằng cách tắt điện trong vòng 1 giờ. Công ty cũng đã in hơn 22 ngàn tờ rơi cấp cho các hộ sử dụng điện đề nghị tham gia Giờ Trái đất.
Hương Giang