Một trong những nhà khoa học lên tiếng mạnh mẽ nhất trong những luồng phản biện đề nghị ngưng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là GS.TSKH Lê Huy Bá. Là một trong những người đầu tiên được đào tạo bài bản ở Bulgaria về môi trường, hàng chục năm nay GS.TSKH Lê Huy Bá đã phản biện rất nhiều dự án có ảnh hưởng đến môi trường.
Một trong những nhà khoa học lên tiếng mạnh mẽ nhất trong những luồng phản biện đề nghị ngưng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là GS.TSKH Lê Huy Bá. Là một trong những người đầu tiên được đào tạo bài bản ở Bulgaria về môi trường, hàng chục năm nay GS.TSKH Lê Huy Bá đã phản biện rất nhiều dự án có ảnh hưởng đến môi trường. Được mời có, phản biện độc lập có, ông cùng nhiều đồng sự đã góp những tiếng nói của mình để góp phần ngưng các dự án gây hại cho môi trường, hoặc góp ý để chúng được thực hiện theo hướng có lợi hơn. Với ông, phản biện không phải là một “nghề” được trả công bằng tiền, mà là trách nhiệm của những người làm khoa học và phải xuất phát từ lợi ích chung, dù không phải lúc nào cũng dễ dàng giữ được cái tâm của người phản biện.
* Ông nghĩ gì về vai trò của những người phản biện độc lập đối với các dự án lớn ảnh hưởng đến môi trường?
- Dĩ nhiên tôi thấy đó là điều cần có và nên có. Một dự án gây ảnh hưởng đến cộng đồng, cần có những phản biện khoa học độc lập và chính xác, bên cạnh những phản biện của chính quyền và nhà đầu tư. Những phản biện đúng đắn phải xuất phát từ lợi ích của cộng đồng. Còn việc lắng nghe thế nào, xử lý các thông tin phản biện ra sao tùy thuộc vào ý chí và bản lĩnh của chính quyền. Một chính quyền mở là một chính quyền sẵn sàng tiếp nhận những ý kiến góp ý, dù có đụng chạm, gây phiền hà hay thậm chí bất lợi cho dự án mà nhà đầu tư muốn làm. “Khen đúng là bạn, phê đúng là thầy, khen sai là kẻ thù” là ứng xử cần có trong khoa học.
Di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1 là việc cần làm và nên làm, dù chưa có tiền lệ. Nhiều thứ đã thay đổi, công nghiệp phát triển, con người càng cần hơn một môi trường trong lành, ít khói bụi. Khu công nghiệp di dời để lấy chỗ bố trí những vấn đề khác của đô thị, tái tạo lại môi trường là đúng, dưới góc độ chuyên môn, tôi ủng hộ dự án này. |
* Từng lên tiếng phản đối nhiều dự án có sức ảnh hưởng đến môi trường, như: dự án chống ngập của TP.Hồ Chí Minh, dự án thủy điện 6 và 6A trên sông Đồng Nai, đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai… với ông, khó hay dễ khi đối mặt với ý chí của chủ đầu tư, thậm chí là chính quyền?
- Khó khăn hay không tùy thuộc từng dự án. Với những dự án mà thông tin, số liệu được công khai, minh bạch thì dễ dàng hơn một chút trong việc phân tích, xử lý, nghiên cứu thêm. Song, với những dự án “bí mật” về số liệu và lắt léo trong việc tiếp cận thông tin thì tương đối khó. Đôi khi chúng tôi phải vận dụng sự quen biết hay vị trí công tác để tiếp cận chúng.
* Dự án nào là dự án gây khó khăn nhiều nhất đối với ông?
- Mỗi dự án, khi phản biện chúng tôi đều vấp phải những khó khăn riêng. Gần đây nhất, thủy điện Đồng Nai 6 và 6A cũng là những dự án khó. Ngoài sự úp mở của chủ đầu tư, ở 2 dự án này, người làm báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cũng là người trong nghề, quen biết. ĐTM cho 2 dự án này rất sơ sài, và sau khi bị phản biện, làm lại vẫn sai, chúng tôi tiếp tục phản biện. Về mặt con người, phản bác lại những quan điểm và lợi ích của đồng nghiệp một cách gay gắt không dễ, nhưng buộc phải lựa chọn vì dự án quá hại cho môi trường, cho cuộc sống con người.
* Các báo cáo đánh giá tác động môi trường của nhiều dự án hiện vẫn do chủ đầu tư chi trả kinh phí. Điều này có phải là mấu chốt khiến nhiều báo cáo thiếu minh bạch, rõ ràng như trường hợp thủy điện 6 và 6A không? Theo ông cần làm gì?
Đúng là không nên giữ quy định ĐTM do chủ đầu tư chi kinh phí như hiện tại. Cơ quan làm ĐTM phải là cơ quan độc lập, kinh phí được cấp từ một nguồn khác, không lấy từ túi tiền của chủ đầu tư thì thông tin mới minh bạch và khách quan hơn. Nếu anh được cấp tiền từ chủ đầu tư để làm ĐTM, thì liệu anh có hoàn toàn khách quan khi công bố các thông tin? Kinh nghiệm cho thấy, nhiều dự án sai sót, như: thủy điện Sông Tranh, Đắk Mi 4, Hào Dương, bauxite Tân Rai, Nhiêu Lộc - Thị Nghè… cũng xuất phát từ nguyên nhân này. Theo tôi, nhà nước cấp vốn, cơ quan độc lập làm ĐTM và không nên có bất kỳ liên quan nào đến chủ đầu tư thì mới minh bạch.
GS.TSKH Lê Huy Bá sinh năm 1947 tại Nghệ An, bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành sinh thái ở Viện Bảo vệ môi trường - tài nguyên, Sofia, Bulgaria, sau đó tiếp tục làm luận án và bảo vệ thành công tiến sĩ khoa học ngành độc học sinh thái ở Viện Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên Sofia, Bulgaria. Từ năm 1976, GS.TSKH Lê Huy Bá đã gắn với Đồng Nai thông qua các đề tài nghiên cứu lập bản đồ đất toàn tỉnh,, phản biện về sử dụng đất đai, môi trường trong nhiều lĩnh vực như du lịch, ô nhiễm môi trường chăn nuôi, bảo vệ môi trường khu du lịch, đa dạng sinh học, quản lý rác... Gần đây nhất, ông tham gia nghiên cứu và phản biện cho dự án bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai. |
* Điều gì thôi thúc ông và những đồng sự của mình phản biện một dự án đến cùng?
- Một vài lần, chúng tôi nhận được lời mời tham gia hội đồng phản biện cho một dự án nào đó. Nhưng đa số tôi cảm thấy mình có trách nhiệm phải lên tiếng khi thấy dự án có hại đến môi trường, tài nguyên. Nhiều người khuyên tôi yên ổn làm chuyên môn đi, phản biện làm gì, có lợi ích gì đâu? Ngay cả bạn bè đôi khi cũng “rơi rụng” vì những lời nói thẳng thắn. Nhưng mong muốn giữ một môi trường trong lành, sử dụng tài nguyên bền vững thôi thúc tôi lên tiếng.
* Có khi nào ông bị ảnh hưởng vì đã lên tiếng phản biện? Ông đã từng hối hận vì những phát biểu của mình chưa?
- Ảnh hưởng thì đôi lúc có, ở mặt này mặt nọ, nhưng tôi chưa từng hối hận vì những gì mình đã nói, kể cả khi lên tiếng phản đối những dự án lớn như bauxite Tân Rai.
Tôi cho rằng, các phản biện được ủng hộ hay bị phản đối là chuyện bình thường, đôi khi do quan điểm khác nhau. Ở một số trường hợp, nên áp dụng phương pháp phản biện kín để có tiếng nói khách quan hơn. Một xã hội đang trong quá trình dịch chuyển lớn, phản biện càng cần thiết. Với tôi, đã lên tiếng thì phải lên tiếng đến cùng, nghiên cứu và theo đuổi đến cùng.
* Từng lên tiếng trước nhiều dự án lớn một cách độc lập và phi lợi nhuận, ông đã cảm thấy tiếng nói của mình và các đồng sự được lắng nghe một cách trân trọng hay chưa?
- Nói tất cả đều lắng nghe nghiêm túc thì chưa. Nhưng xã hội đa dạng và nhiều ý kiến là chuyện bình thường. Tôi cũng không tán thành cách phản biện “tát nước theo mưa”. Các ý kiến phải dựa trên những thông tin chính xác, kiến thức và sự nghiên cứu kỹ lưỡng.
Nên có một Thứ trưởng hoặc một người chức vụ tương đương làm Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai. Dự án này được thực hiện 16 năm nay và vẫn chưa có chuyển biến gì đáng kể. Chúng ta có ủy ban do các tỉnh luân phiên cầm trịch, nhưng chính vì sự biến động đó mà những vấn đề đặt ra không được giải quyết đến nơi đến chốn. Cần một tiếng nói mạnh mẽ hơn và ủy ban đó cần được quyền quyết định những vấn đề lớn hơn, dĩ nhiên đi kèm trách nhiệm. |
Độ mở của một chính quyền khi lắng nghe những phản biện rất quan trọng, và là chỗ dựa cho những nhà khoa học có trách nhiệm. Mấy năm gần đây, chính quyền Đồng Nai làm rất tốt việc này, có thể thấy qua thái độ quyết liệt của họ trong việc kiến nghị dừng thủy điện 6 và 6A. Một chính quyền mở sẽ có những phản biện nghiêm túc và chất lượng. Đó thực sự dân chủ trong khoa học.
* Thách thức lớn nhất đối với bảo vệ môi trường tại Việt Nam hiện tại là gì?
- Chúng ta thiếu nhiều thứ: tiền, kiến thức, quy định thì chồng chéo và phân chia trách nhiệm chưa rõ ràng. Nhưng thách thức lớn nhất lại nằm ở con người, nằm ở nhận thức và cả những quyền hạn mà họ được trao cho.
* Xin cảm ơn ông!
Kim Ngân (thực hiện)