Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhân rộng mô hình nông nghiệp: Tưởng dễ, hóa khó

09:01, 12/01/2014

Đồng Nai không thiếu những mô hình nông nghiệp cho lợi nhuận cao. Song việc nhân rộng những mô hình hiệu quả nhiều năm qua vẫn gặp khó.

Đồng Nai không thiếu những mô hình nông nghiệp cho lợi nhuận cao. Song việc nhân rộng những mô hình hiệu quả nhiều năm qua vẫn gặp khó.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có những mô hình cho lợi nhuận từ 150-500 triệu đồng/hécta/năm, như: trồng tiêu, thanh long ruột đỏ, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng... Các mô hình này được một số hộ áp dụng khoa học - kỹ thuật mới vào trong sản xuất, đẩy năng suất tăng cao nên lợi nhuận cũng tăng theo.

* Khó ở đâu?

Đến cuối năm 2013, thu nhập bình quân trên 1 hécta đất nông nghiệp của tỉnh là 83 triệu đồng/hécta/năm. Thực tế, có những vùng nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp và áp dụng kỹ thuật tốt nên cho lợi nhuận 200-300 triệu đồng/hécta/năm, song cũng có nơi thu nhập chỉ 30-40 triệu đồng/hécta/năm. Ở mỗi nơi, tỉnh đều hỗ trợ những mô hình điểm cho thu nhập cao, song có những mô hình rất khó nhân rộng.

Ông Trần Bá Đạt, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú, cho hay: “Muốn nhân rộng các mô hình cho thu nhập cao, đòi hỏi phải làm tốt hạ tầng. Trong đó, quan trọng nhất có công trình thủy lợi cung cấp đủ nước tưới và điện, người dân mới mạnh dạn đầu tư”. Theo ông Đạt, từ trước đến nay, tỉnh chỉ ưu tiên đầu tư làm các công trình thủy lợi phục vụ cho trồng lúa, còn các công trình thủy lợi phục vụ cho các cây trồng lâu năm chưa được chú ý. Trong khi cây trồng lâu năm nếu có điện, nước tưới đầy đủ, áp dụng kỹ thuật mới có thể cho lợi nhuận gấp nhiều lần trồng lúa.

* Vẫn lo đầu ra

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai Trần Hải Sơn nhận định: “Vì lo đầu ra không ổn định nên nhiều nông dân chưa mạnh dạn đầu tư chuyển đổi sang các mô hình hiệu quả. Nhiều vườn cây lâu năm nông dân còn trồng xen nhiều loại cây trồng, rất khó áp dụng kỹ thuật mới vào để tăng năng suất”.

Bà Thòng Thị Sao, ấp Tân Lập 1, xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom) nói: “Giá cả nông sản bấp bênh, ví dụ cà phê vụ trước 42-44 ngàn đồng/kg, nhưng vụ này chỉ còn 30-31 ngàn đồng/kg. Giá tiêu trong 2 năm nay cao chứ mấy năm trước có khi xuống gần bằng giá cà phê. Vì thế, tôi phải trồng xen cà phê, tiêu và một số cây khác để thất cây này còn cây kia bù lại”. Nỗi lo của bà Sao cũng chính là nỗi lo của nhiều nông dân Đồng Nai hiện nay. Vì thế, toàn tỉnh có hơn 170 ngàn hécta cây trồng lâu năm, song diện tích chuyên canh không nhiều.

Theo phản ánh của các huyện, TX.Long Khánh, đầu tư một mô hình chuyên canh cây lâu năm bài bản cho thu nhập cao, như: thanh long ruột đỏ, xoài cát Hòa Lộc, xoài xanh, bưởi da xanh, ghép cải tạo vườn cà phê giá cỗi... nông dân mất khoảng 100-300 triệu đồng/hécta. Với số tiền này, chỉ những hộ khá giả mới đủ khả năng đầu tư. Còn muốn vay số vốn lớn như vậy từ ngân hàng để đầu tư, nông dân phải làm dự án, việc này chỉ số ít hộ làm được.

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phan Minh Báu: “Mô hình nông nghiệp hiệu quả tỉnh đã làm nhiều, nhưng chưa nhân rộng được vì thiếu liên kết 4 nhà. Vì thiếu liên kết, nông sản nông dân làm ra bán trôi nổi qua nhiều khâu trung gian, thường rơi vào điệp khúc được mùa rớt giá. Nếu gắn kết được nông dân với doanh nghiệp có đầu ra ổn định thì nhân rộng mô hình không khó”.

Mới đây, trong cuộc họp bàn về việc nhân rộng những mô hình cho thu nhập cao, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đã yêu cầu ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương chọn ra các mô hình hiệu quả phù hợp với điều kiện từng vùng để nhân rộng. Đồng thời, mỗi mô hình cần nhân rộng phải xây dựng kế hoạch chi tiết nhu cầu về vốn, kỹ thuật, giống và kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư. Những gì khó khăn tỉnh sẽ hỗ trợ, song kinh phí chủ yếu vẫn là của người dân.

Hương Giang

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều