Dịp này, về các vùng trồng nấm rơm lớn trong tỉnh sẽ bắt gặp không khí vội vã, tất bật của người trồng nấm.
Dịp này, về các vùng trồng nấm rơm lớn trong tỉnh sẽ bắt gặp không khí vội vã, tất bật của người trồng nấm. Trên gương mặt họ mồ hôi đầm đìa, song vẫn tươi roi rói vì nấm thời điểm này vừa được mùa lại trúng giá.
Đồng Nai không chỉ nổi tiếng với nghề làm nấm mèo, bào ngư, nấm sò mà còn nổi tiếng với nghề làm nấm rơm. Giá nấm rơm ngày thường 45-60 ngàn đồng/kg, còn vào ngày rằm, mùng một và dịp Tết Nguyên đán có khi lên đến trên 80 ngàn đồng/kg.
* Không đủ nấm bán
Đồng Nai có các vùng trồng nấm rơm khá nổi tiếng là: xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu), xã Xuân Phú, Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc). Nấm rơm ở Đồng Nai hơn một nửa được vận chuyển về TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận để tiêu thụ.
Anh Nguyễn Văn Phấn, ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) đang chăm sóc ruộng nấm rơm. |
Anh Nguyễn Văn Phấn, ấp Vĩnh Hiệp xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu), cho hay: “Nấm rơm ở Tân Bình được làm hoàn toàn từ rơm nên luôn được thương lái đặt mua với giá rất cao, ngày thường 50-55 ngàn đồng/kg, còn ngày rằm, mùng một tăng thêm khoảng 5-10 ngàn đồng/kg. Đặc biệt, thời điểm cận Tết Nguyên đán giá gần 100 ngàn đồng/kg”. Cũng theo anh Phấn, năm nay giá nấm rơm tăng sớm hơn năm trước. Thời điểm này, thương lái vào tận ruộng mua 65-70 ngàn đồng/kg. Với giá nấm như hiện nay, trừ chi phí anh Phấn còn lời khoảng 25 triệu đồng/sào/lứa.
Theo ông Nguyễn Văn Đăng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc), trước đây trong xã chỉ có vài hộ trồng nấm rơm, nhưng nay đã tăng lên gần 20 hộ và diện tích trồng nấm được mở rộng lên hơn 50 hécta/năm. Hiện xã đang vận động thành lập câu lạc bộ nấm rơm để liên kết các hộ lại, chuyển giao kỹ thuật mới và hỗ trợ vốn nhằm tăng thêm lợi nhuận. Bà Nguyễn Thị Ninh, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Xuân Lộc, cho biết: “Gần 2 năm nay, nấm rơm có giá cao, lời nhiều nên diện tích trồng nấm tăng nhanh. Hiện toàn huyện có hơn 60 hécta trồng nấm rơm và lợi nhuận từ trồng nấm rơm khoảng 200-250 triệu đồng/hécta/vụ”. |
Tương tự, anh Nguyễn Văn Đấu, ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) hào hứng kể: “Nấm rơm ở vùng này làm không đủ hàng để bán và thương lái luôn mua cao hơn nấm rơm các nơi khác khoảng 15 ngàn đồng/kg. Hiện tôi đang làm vụ nấm rơm áp tết, vì đây là thời điểm bán được giá nhất trong năm”. Sở dĩ nấm rơm ở Tân Bình có giá bán cao là vì các hộ dân ở đây dùng nguyên liệu 100% là rơm và quá trình cấy meo, chăm sóc không phun xịt bất cứ một loại thuốc hay hóa chất nào.
Ông Lê Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Tân Bình, cho biết: “ Nấm rơm ở Tân Bình có tiếng nên đầu ra rất thuận lợi, cho thu nhập cao. Tới đây, xã sẽ vận động nhân rộng mô hình trồng nấm rơm ra những hộ khác”.
* Diện tích tăng nhanh
Nếu xã Xuân Định của huyện Xuân Lộc nổi tiếng với nghề trồng nấm mèo, thì các xã Xuân Phú, Bảo Hòa được nhắc đến nhiều bởi nghề trồng nấm rơm. Nấm rơm trồng ở vùng này giá bán không cao bằng nấm rơm trồng tại Vĩnh Cửu nhưng đầu ra tương đối ổn định. Nấm rơm trồng tại đây được nông dân tận dụng mùn cưa từ trồng nấm mèo, bào ngư trộn với rơm để làm. Với nguồn nguyên liệu dồi dào, nhiều hộ dân ở đây trồng nấm rơm quanh năm. Nấm rơm có ưu điểm là từ khi trồng đến khi thu hoạch xong chỉ hết khoảng 1 tháng. Song cũng có nhược điểm là một mảnh đất chỉ trồng nấm rơm được 1 lần nên các hộ trồng nấm phải thường xuyên di chuyển tìm nơi thuê đất để trồng. Tuy nhiên, đất sau khi trồng nấm rơm được bổ sung một lượng lớn rơm, mùn cưa trở nên màu mỡ do vậy nhiều gia đình sẵn sàng cho mượn đất trong một tháng để các hộ trồng.
Ông Nguyễn Văn Nhuận, ấp Bình Xuân 1, xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) là một trong những người có công đưa nghề trồng nấm rơm về vùng này, chia sẻ: “ Nghề trồng nấm rơm vất vả nhưng cho thu nhập cao, nếu chăm sóc tốt có thể lời gần 30 triệu đồng/sào/tháng”.
Hương Giang