Về những cơ sở làm mộc mỹ nghệ trong tỉnh lúc này, dễ bắt gặp cảnh náo nhiệt khác hẳn thời gian trước. Gần 3 tuần nay, nhiều cơ sở phải bỏ nghỉ trưa để làm kịp đơn hàng giao cho khách trong và ngoài nước.
Về những cơ sở làm mộc mỹ nghệ trong tỉnh lúc này, dễ bắt gặp cảnh náo nhiệt khác hẳn thời gian trước. Gần 3 tuần nay, nhiều cơ sở phải bỏ nghỉ trưa để làm kịp đơn hàng giao cho khách trong và ngoài nước.
Ở Đồng Nai đã hình thành 2 vùng làm mộc mỹ nghệ lớn tại huyện Trảng Bom và Xuân Lộc. Từ những mẩu gỗ vụn, gốc cây tưởng phải bỏ đi, song qua bàn tay tài hoa của người thợ đã trở thành những sản phẩm trang trí hoặc các vật dụng dùng trong nhà đẹp mắt.
* Chinh phục thị trường khó tính
Vào giữa trưa, anh Nguyễn Thành Nhân, chủ xưởng mộc Thành Nhân (ấp Tân Bắc, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) vẫn tiếp một đoàn khách từ Pháp qua xem và đặt hàng. Khách vào kho chứa hàng mẫu, hàng trăm mặt hàng được trưng bày trên kệ, dưới đất, cái nào cũng tinh xảo. Không cần mất nhiều thời gian, khách chọn ngay gần chục mặt hàng trang trí bằng gỗ và làm hợp đồng đặt hàng.
Khách hàng từ Đức đang xem hàng mẫu tại Cơ sở Thành Nhân ở xã Bình Minh (huyện Trảng Bom) |
Anh Nhân cho biết: “Khách hàng Pháp và Đức tương đối khó tính, nhưng khi đã đến cơ sở của tôi thì ít người bỏ đi được”. Tiếng lành đồn xa, hiện mặt hàng gỗ mỹ nghệ của anh Nhân đã có mặt ở gần 10 nước trên thế giới. Trong đó, thị trường Mỹ, Đức, Pháp tiêu thụ sản phẩm mộc mỹ nghệ khá lớn. Vì thế, mới vào giữa tháng 1 nhưng anh Nhân đã nhận được đơn đặt hàng đến đầu tháng 5-2014. Và anh Nhân không giấu được niềm vui, khoe: “Tôi đang gấp rút cho đóng lượng hàng lớn để xuất khẩu qua Đức. Mới đầu năm tôi đã nhận được một số đơn đặt hàng lớn, lượng hàng tăng khoảng 40% so với cuối năm 2013. Tôi nghĩ thị trường đầu ra năm nay sẽ tốt hơn”.
Anh Nguyễn Đăng Linh, chủ cơ sở gỗ mỹ nghệ Linh Liên (ấp Tân Bắc, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom), chia sẻ: “Khách đến đặt hàng quý I năm 2014 tương đối nhiều, cơ sở của tôi phải tăng công suất thêm 30% mới đáp ứng được. Hàng của cơ sở tôi chủ đạo vẫn là đồng hồ gỗ, vô lăng trang trí trong sân vườn và kệ để rượu”. Ngoài các đơn đặt hàng dịp đầu năm khá dồi dào, thì giá bán các sản phẩm mỹ nghệ cũng tăng thêm khoảng 10-15%.
* Sản phẩm không “đụng hàng”
Thời “tăm tối” nhất của các cơ sở gỗ mỹ nghệ là từ năm 2010 đến nửa đầu năm 2013. Vì thế, những cơ sở gỗ mỹ nghệ còn tồn tại được đều là những người có tâm huyết với nghề truyền thống và sản phẩm họ làm ra luôn đặt chữ tín lên hàng đầu. “Thời hoàng kim, xã Bình Minh có đến gần 50 cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ, nay chỉ còn khoảng 10 cơ sở lớn và 28 hộ sản xuất nhỏ” - ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Bình Minh, cho hay.
Theo các cơ sở mộc mỹ nghệ, hiện sản phẩm của họ đã xuất khẩu đi hơn 10 nước trên thế giới. Song, các thị trường ưa chuộng hàng mộc mỹ nghệ của Đồng Nai và nhập khẩu với số lượng lớn: là Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Úc, Trung Quốc, Đài Loan. |
Trong làng mộc mỹ nghệ của Đồng Nai có luật “bất thành văn” được các nghệ nhân khá xem trọng, là mỗi cơ sở sẽ chọn làm một mặt hàng riêng biệt để sản phẩm không đụng hàng, dễ bán. Khi cơ sở nào có quá nhiều đơn đặt hàng có thể nhờ cơ sở khác hỗ trợ, nhưng những cơ sở chỉ hỗ trợ làm hàng chứ không tự sản xuất mặt hàng đó để giành khách. Anh Nguyễn Định, chủ cơ sở mộc mỹ nghệ ở xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) bày tỏ: “Tuy không nói ra, nhưng các cơ sở đều có nguyên tắc chung là sẽ chọn làm những mặt hàng riêng để không đụng hàng. Điều này giúp mặt hàng gỗ mỹ nghệ của Đồng Nai ngày càng phong phú và chinh phục được nhiều thị trường khó tính”.
“Các sản phẩm mỹ nghệ làm từ gốc, rễ cây tuy chưa trở về thời hoàng kim như khoảng năm 2000-2005, nhưng hiện đầu ra tăng, thuận lợi nhiều hơn so với giữa năm 2013” - ông Nguyễn Đại, chủ cơ sở mộc Đại Dương ở ấp 2, xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) nói.
Hương Giang