Làng bánh chưng, miến, hủ tiếu Hố Nai (TP. Biên Hòa); bánh tráng Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu); trà, bánh tráng Phú Hội (huyện Nhơn Trạch)…vẫn hoạt động quanh năm. Nhưng mùa chính của những làng nghề truyền thống trên vẫn là mùa tết, vì nhu cầu thị trường thường tăng gấp nhiều lần.
Làng bánh chưng, miến, hủ tiếu Hố Nai (TP. Biên Hòa); bánh tráng Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu); trà, bánh tráng Phú Hội (huyện Nhơn Trạch)…vẫn hoạt động quanh năm. Nhưng mùa chính của những làng nghề truyền thống trên vẫn là mùa tết, vì nhu cầu thị trường thường tăng gấp nhiều lần.
Làng miến, hủ tiếu Hố Nai (TP.Biên Hòa) vào mùa sản xuất tết. |
Các sản phẩm làng nghề được làm theo cách thủ công truyền thống nên không chỉ người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà cơ hội về thị trường xuất khẩu cũng đang mở rộng.
* Hối hả làm hàng tết
Bà Mười Nhĩ, người có mấy mươi năm làm trà Phú Hội (huyện Nhơn Trạch), cho biết: “Vì trà được làm hoàn toàn theo cách thủ công, chủ yếu do người trong nhà tự làm nên sản lượng không nhiều. Chính vì vậy, từ 3-4 tháng trước tết, chúng tôi đã bắt đầu tích trữ hàng chờ mùa tết. Vì dịp này, không chỉ người Phú Hội mua trà làm quà biếu tết mà nhiều khách từ các tỉnh, thành khác biết tiếng cũng tìm đến tận nơi đặt hàng”.
Theo các chủ lò sản xuất miến, hủ tiếu tại phường Hố Nai (TP.Biên Hòa), nghề này đã gắn với mấy thế hệ trong gia đình. Thời trước, không ít gia đình ở đây khi con cái trưởng thành, ra riêng lập nghiệp là làng nghề có thêm một lò miến đỏ lửa. Bây giờ, phường này vẫn còn hàng chục hộ giữ nghề truyền thống. Tuy vẫn làm đều đặn quanh năm, nhưng cứ đến tháng cận tết là không khí sản xuất ở làng lại nhộn nhịp hơn hẳn vì lò nào cũng tăng ca do nhu cầu thị trường tăng đột biến. Sản phẩm từ làng nghề được đưa về khắp các tỉnh thành, từ Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh đến các tỉnh miền Tây.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, chủ cơ sở bánh chưng Hố Nai (phường Hố Nai, TP. Biên Hòa), cho biết thường cách tết khoảng nửa tháng, làng bánh chưng mới vào mùa cao điểm bánh tết. Mùa sản xuất năm nay không thuận lợi bằng mọi năm, vì thị trường chậm hơn trong khi giá nguyên liệu đầu vào biến động mạnh khiến giá bánh cũng tăng thêm từ 10-20% so với trước. Ông Mạnh cho biết: “Cơ sở vẫn trữ lượng nguyên liệu sản xuất tương đương như mùa tết năm ngoái, dù hiện nay lượng đơn đặt hàng có giảm nhẹ so với cùng kỳ”.
* Cơ hội xuất khẩu
Ông Mạnh cho biết thêm: “Mấy năm gần đây, cơ sở vẫn nhận một số đơn hàng làm bánh chưng xuất khẩu vào dịp tết. Tuy tỷ lệ làm hàng xuất khẩu còn thấp và chưa trở thành hoạt động thường xuyên, nhưng chúng tôi vẫn rất quan tâm và xem đây là cơ hội để phát triển thị trường cho sản phẩm của làng nghề”.
Theo Siêu thị BigC, năm 2013 tổng giá trị hàng Việt xuất khẩu sang các chuỗi siêu thị thuộc Tập đoàn Casino đạt khoảng 20 triệu USD, gồm: hàng dệt may, sản phẩm nội thất bằng tre, thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh, trái cây… Chỉ riêng trong dịp tết năm nay, BigC đã xuất 4 container hàng thực phẩm đặc sản tết sang Pháp, Brazil, Thái Lan. Trong đó, nhiều loại đặc sản địa phương được thị trường nước ngoài ưa chuộng, như: miến, bánh tráng, các loại trà, trái cây sấy, kẹo đậu phộng, mè xửng, rong biển, nấm mèo, chả giò, nước mắm… Chương trình này được BigC Việt Nam triển khai nhiều năm qua, hiện danh mục hàng hóa xuất khẩu đã đạt 700 mặt hàng với hơn 60 nhà cung cấp. |
Theo ông Trần Thanh Toàn, chủ cơ sở bánh chưng Trần Gia (huyện Vĩnh Cửu), mùa tết năm nay, cơ sở xuất khẩu 35 tấn bánh chưng và 4 tấn nguyên liệu làm bánh sang thị trường các nước châu Âu, Úc, Mỹ… “Đến nay, thị trường xuất khẩu của bánh chưng Trần Gia đã mở rộng ra khoảng 20 nước trên thế giới, và cơ hội cho thị trường xuất khẩu vẫn còn rất lớn. Cơ sở rất chú trọng để giữ được nguyên vẹn nét đặc trưng truyền thống của dòng bánh này, vì không chỉ kiều bào mong được thưởng thức nguyên vẹn hương vị món bánh quê, mà đây còn là nét đặc sắc thu hút thực khách nước ngoài. Chính vì vậy, tuy cơ sở đầu tư nhiều thiết bị hiện đại nhưng bánh vẫn được làm thủ công, gói trong lá dong và nấu chín như cách truyền thống. Tuy bánh xuất khẩu phải qua khâu cấp đông để kéo dài thời gian bảo quản, nhưng vẫn giữ được nguyên hương vị khi khách thưởng thức”.
Bà Quách Thị Lan Hương, chuyên nhận gia công các mặt hàng miến, hủ tiếu tại phường Hố Nai, cho biết trước đây gia đình bà cũng có lò sản xuất nhưng giờ chuyển sang nhận làm hàng gia công. Bà lấy miến, hủ tiếu ở dạng sợi thô từ các lò về chia nhỏ, cuốn lọn tùy theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Bà Hương chia sẻ: “Năm nay, thị trường khó khăn hơn nhưng gia đình tôi làm không hết việc nhờ các đơn hàng xuất khẩu của một doanh nghiệp ở Bình Dương. Vì xuất sang thị trường châu Âu nên doanh nghiệp yêu cầu rất khắt khe, nhưng nhiều hộ gia đình ở làng nghề vẫn rất chăm chút cho các đơn hàng xuất khẩu nhờ sự ổn định và giá trị đơn hàng cũng cao hơn”.
Bình Nguyên