Báo Đồng Nai điện tử
En

Giám đốc "bất đắc dĩ"

10:01, 05/01/2014

Tiếp quản doanh nghiệp (DN) vào ngay thời điểm kinh tế khó khăn, anh Đỗ Tiến Duy - Giám đốc Công ty TNHH Nam Thiên Bình ở phường Tân Biên (TP.Biên Hòa) đã "chèo chống" khá ngoạn mục để giữ cho DN không bị ngừng hoạt động.

Tiếp quản doanh nghiệp (DN) vào ngay thời điểm kinh tế khó khăn, anh Đỗ Tiến Duy - Giám đốc Công ty TNHH Nam Thiên Bình ở phường Tân Biên (TP.Biên Hòa) đã “chèo chống” khá ngoạn mục để giữ cho DN không bị ngừng hoạt động.

Sản xuất tủ xuất khẩu ở Công ty TNHH Nam Thiên Bình.
Sản xuất tủ xuất khẩu ở Công ty TNHH Nam Thiên Bình.

“Cha tôi làm ở lĩnh vực chế biến gỗ khá lâu nhưng tôi lại không biết chút gì về nghề này. Khi ông bị bệnh, giao lại cho chị tôi điều hành DN, công việc càng lúc càng xấu đi. Thấy vậy năm 2009, ông gọi tôi về và bắt tôi phải làm giám đốc” - anh Duy tâm sự

* Gian nan chuyện nợ nần

Vốn là kỹ sư điện lạnh làm việc cho một công ty ở TP.Hồ Chí Minh, bất thình lình, anh Duy bị “triệu” về để làm giám đốc một lĩnh vực không liên quan gì đến ngành học của mình.

Những ngày đầu điều hành công việc, anh khá lúng túng. Mọi việc rối bời lên khi nợ không thu hồi được, dẫn đến bị hụt vốn sản xuất, chưa kể đơn hàng giảm sút nghiêm trọng, không có việc để giữ chân công nhân. “Có tuần lễ tôi chỉ suy nghĩ cách đi đòi nợ, lúc ấy cũng thấy nản, nhưng nếu không thu hồi được vốn có nguy cơ phải dừng hẳn sản xuất vì không có vốn. Trong khi lúc đó, lãi suất ngân hàng cao ngất ngưởng, lại không dễ vay” - anh Duy kể.

Để thu hồi được số nợ đọng gần 3 tỷ đồng bị đối tác ở tỉnh Bình Dương chiếm dụng, anh Duy đã mất khá nhiều thời gian đi lại. Là DN nhỏ, không tìm được các đơn hàng xuất khẩu trực tiếp nên công ty chỉ làm hàng gia công cho các đơn vị xuất khẩu khác, vì vậy sản xuất hoàn toàn bị phụ thuộc. Năm 2007, khi kinh tế thế giới bước vào suy thoái, sản phẩm tiêu thụ khó khăn, các DN đã nợ đồng lần lẫn nhau, Công ty Nam Thiên Bình cũng bị rơi vào vòng xoáy đó. Hàng giao nhưng tiền không nhận được hết, nợ đọng càng ngày càng gia tăng.

* Đi tìm thị trường riêng

Anh Duy suy nghĩ, nếu muốn tồn tại ở ngành này, chắc chắn phải thay đổi phương án sản xuất, buộc phải đi theo hướng giảm làm hàng gia công cho các DN trong nước mà tìm thị trường để xuất khẩu trực tiếp.

Trong quá trình thu hồi nợ, anh đã giới thiệu khả năng sản xuất với một số khách hàng Hàn Quốc. Hơn một tháng sau thì vị khách hàng Hàn Quốc này liên hệ với anh và ký hợp đồng sản xuất mặt hàng tủ và bàn ghế trong nhà. “Thời gian đầu, phía Hàn Quốc chỉ ký hợp đồng 1 container hàng/tháng, sau đó tăng dần và đến nay được 5 container/tháng. Cũng may lúc đó họ ký hợp đồng nhỏ, nếu ký lớn ngay như bây giờ thì mình cũng không đáp ứng được” - anh Duy chia sẻ.

Ngoài làm hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc, năm 2012 anh Duy cũng đã mở rộng được thêm thị trường Đức. Từ chỗ đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động, suốt hơn một năm đánh vật với thị trường và vốn liếng, đến năm 2011 anh đã đưa công ty ra khỏi vòng xoáy khó khăn. Từ đó tới nay, công ty anh phát triển khá ổn định với doanh thu gần 20 tỷ đồng/năm.  Anh Duy cho hay, kế hoạch trong thời gian tới anh sẽ tập trung đầu tư đổi mới máy móc sản xuất, bởi hiện nay nguồn lao động đang là bài toán khó cho DN. 

Quốc Khánh

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích