Thời gian qua, việc áp dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học vào sản xuất rau sạch đã mang lại hiệu quả khả quan.
Thời gian qua, việc áp dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học vào sản xuất rau sạch đã mang lại hiệu quả khả quan. Theo đánh giá nhanh của Chi cục BVTV (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn), tỷ lệ rau quả đạt tiêu chí an toàn trên 95% với những nơi dùng thuốc sinh học.
* Thay thế thuốc hóa học
Trong tỉnh hiện có nhiều vùng rau an toàn trọng điểm, như: Trảng Dài (TP.Biên Hòa); Xuân Phú (huyện Xuân Lộc); Gia Kiệm, Quang Trung (huyện Thống Nhất); Phú Lâm, Phú Thanh (huyện Tân Phú). Để đảm bảo tiêu chí rau an toàn, những hộ dân canh tác rau tại các vùng trọng điểm trên đã áp dụng thuốc BVTV sinh học vào sản xuất, thay thế sử dụng thuốc BVTV hóa học.
Ông Nguyễn Huy, nông dân trồng rau tại huyện Thống Nhất đang phun thuốc bảo vệ thực vật sinh học để chống sâu bệnh. |
Anh Vũ Chu Nam, người trồng rau ở ấp Lê Lợi, xã Quang Trung (huyện Thống Nhất), cho biết: “Nếu phải dùng thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây thì chúng tôi ưu tiên dùng thuốc sinh học, bởi loại thuốc này ít gây độc hại đối với người làm vườn, không gây độc hại đối với người tiêu thụ các sản phẩm rau. Hơn nữa, thuốc sinh học giúp chúng tôi rút ngắn thời gian cách ly nên tiện lợi trong việc thu hoạch”. Anh Nam cho biết thêm, thuốc sinh học không gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả diệt trừ sâu cao, trong khi chi phí thuốc phù hợp túi tiền nên rất được nông dân quan tâm.
Bà Trương Thị Thành, Phó phòng Kỹ thuật Chi cục BVTV, cho biết: “Hướng dẫn sản xuất và quản lý rau an toàn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Để đảm bảo các tiêu chí vệ sinh, chúng tôi luôn vận động người dân sử dụng thuốc BVTV sinh học thay cho các loại thuốc hóa học độc hại. Đây là một trong những tiêu chí mà chúng tôi đề ra và triển khai nhiều năm qua”. |
Hiện nay, thuốc BVTV sinh học được áp dụng phổ biến và đang dần thay thế các loại thuốc hóa học độc hại. Một số loại nông dân đã thay thế thuốc hóa học có độc tính cao bằng thuốc trừ sâu sinh học Rotenone (chiết xuất từ cây thuốc cá), Bacillus Thuringiensis hay dung dịch tỏi ớt… “Tôi canh tác hơn 3 sào rau xà lách gai Riboca và luôn phải sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sâu. Trước đây sử dụng các loại thuốc hóa học, nhưng bây giờ chỉ những loại thuốc hóa học nào không có thuốc sinh học thay thế thì chúng tôi mới phải sử dụng” - ông Nguyễn Huy, một nông dân trồng rau sạch ở huyện Thống Nhất, cho biết.
* Vẫn còn hạn chế
Mang lại hiệu quả cao về vệ sinh an toàn thực phẩm và được nông dân hưởng ứng, tuy nhiên thuốc BVTV sinh học vẫn còn những hạn chế nhất định. Một số nông hộ canh tác rau quả cho biết, thuốc sinh học chỉ phòng trừ được các nhóm sâu ăn lá, rầy rệp, sâu đục quả. Đối với các bệnh thường gặp ở cây, như: thối thân, cháy lá, đốm lá, nấm… thì thuốc sinh học lại ít hoặc không có để đặc trị. Ông Nguyễn Huy cho hay: “Hiện nay, tôi vẫn phải sử dụng thuốc hóa học Nithan để trị nấm cho cây. Tôi đã tìm đến các trạm vật tư nông nghiệp để tìm mua thuốc sinh học trị các bệnh nấm, thối thân nhưng không có”.
Nhờ áp dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay thế cho thuốc hóa học nên tỷ lệ an toàn thực phẩm đạt trên 95%. |
Thuốc BVTV sinh học đã được nông dân quan tâm và thực tế sản xuất cũng đạt hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều hộ trồng rau vẫn còn sử dụng các loại thuốc hóa học vào sản xuất và bảo quản sản phẩm. Theo kiểm tra mới đây của Chi cục BVTV, thời gian qua chi cục đã phát hiện 5 hộ dân trồng rau có chỉ số an toàn vượt mức cho phép. Bà Trương Thị Thành, Phó phòng Kỹ thuật Chi cục BVTV, cho hay: “Hiện nay, một số hộ dân trồng rau vẫn còn tập quán canh tác tiêu cực. Họ vẫn sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng, chất bảo quản để sản xuất rau làm phá vỡ tiêu chí an toàn thực phẩm”.
Minh Anh