Báo Đồng Nai điện tử
En

Phú Hòa khát nước

10:12, 16/12/2013

Mới đầu mùa khô, về xã Phú Hòa (huyện Định Quán) chúng tôi đã bắt gặp cảnh nhiều nông dân mặt mày hốc hác chực chờ lấy nước để cứu lúa vụ mùa. Nhiều hộ không tìm được nguồn nước đành bỏ ruộng, rẫy hoang.

Mới đầu mùa khô, về xã Phú Hòa (huyện Định Quán) chúng tôi đã bắt gặp cảnh nhiều nông dân mặt mày hốc hác chực chờ lấy nước để cứu lúa vụ mùa. Nhiều hộ không tìm được nguồn nước đành bỏ ruộng, rẫy hoang.

Theo Chủ tịch UBND xã Phú Hòa Nguyễn Thị Liên, toàn xã có khoảng 800 hécta ruộng, rẫy thiếu nước sản xuất nên năng suất cây trồng rất thấp. Riêng cánh đồng Phú Hòa rộng 360 hécta chỉ nhờ nước trời, nông dân làm được 1-2 vụ lúa/năm. Năng suất lúa đạt 3-3,5 tấn/hécta/vụ.

* Chờ nhiều năm

Từ năm 2004 đến nay, mỗi lần tiếp xúc cử tri nông dân xã Phú Hòa (huyện Định Quán) đều kiến nghị huyện, tỉnh đầu tư hệ thống thủy lợi lấy nước từ sông La Ngà về cho 800 hécta ruộng rẫy của xã. Nếu có nước, nông dân trong xã có thể sản xuất 3-4 vụ/năm, đồng thời năng suất cây trồng sẽ tăng 2-3 tấn/hécta/vụ. Như vậy, đời sống của người dân sẽ được cải thiện. 

Ông Nguyễn Công Trứ, ấp 2, xã Phú Hòa đang lấy nước cứu 2 hécta lúa vụ mùa đang trổ bông.
Ông Nguyễn Công Trứ, ấp 2, xã Phú Hòa đang lấy nước cứu 2 hécta lúa vụ mùa đang trổ bông.

Ông Nguyễn Công Trứ, ấp 2 (xã Phú Hòa) chia sẻ: “Tôi có 5 hécta đất trồng lúa, nhưng vụ 2 chỉ dám làm khoảng 2 hécta. Thời điểm này lúa đang làm đòng mà mưa đã dứt, may mà ruộng của tôi gần ao còn canh bơm được nước. Song tôi vẫn lo từ nay đến lúc lúa chín cần thêm 2 đợt nước nữa mà ao đã cạn, nếu không có mưa chắc sẽ mất trắng”.

Mỗi lần bơm nước, nông dân tốn khoảng 300 ngàn đồng tiền dầu/hécta. Từ khi lúa trổ bông đến lúc thu hoạch phải tưới ít nhất 3 lần. Tôi có nước bơm cứu lúa còn may mắn, có những hộ ở khu vực khan hiếm nước quá đành chuyển sang trồng bạch đàn, tràm… hoặc bỏ hoang.

Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phạm Minh Đạo cho biết đã nhận được đề xuất của huyện Định Quán lập dự án làm trạm bơm lấy nước từ sông La Ngà về cho cánh đồng Phú Hòa. Nhưng nguồn vốn của tỉnh có hạn, danh mục các dự án thủy lợi phải sắp xếp thứ tự để ưu tiên nguồn vốn. Dự án trạm bơm lấy nước về cho xã Phú Hòa, Gia Canh được ghi vốn vào năm 2016.

“Tôi đã thử đào giếng sâu hơn 10m nhưng không có nước, đành chuyển sang trồng bạch đàn. Trồng lúa 1 năm được 1 vụ, năng suất khoảng 3 tấn/hécta, trừ chi phí có năm chỉ huề vốn, lấy gì mà sống” - bà Mai Thị Ánh Ngọc, ấp 3, xã Phú Hòa chia sẻ. Hầu hết nông dân xã Phú Hòa đều mong đợi huyện, tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng trạm bơm lấy nước từ sông La Ngà về để họ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tăng vụ.

* Tiếp tục đợi

Chủ tịch UBND huyện Định Quán Nguyễn Thị Thanh Yên cho biết: “Nếu làm được trạm bơm lấy nước từ sông La Ngà về, nông dân sẽ sản xuất thêm 2-3 vụ/năm và năng suất cây trồng được cải thiện”. Bà Yên cho biết thêm, cánh đồng xã Suối Nho trước đây chỉ sản xuất 1-2 vụ/năm, huyện hỗ trợ kéo điện ra đồng và khoan giếng lấy nước sản xuất 3-4 vụ/năm. Đồng thời, nông dân chuyển đổi sang làm 1 vụ lúa 2 vụ bắp/năm hoặc 1 vụ lúa 3 vụ rau/năm, lợi nhuận tăng gấp 2-3 lần, đời sống nông dân khá lên rõ rệt.

Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Nam Biên cho biết:

“Để làm trạm bơm và hệ thống thủy lợi đưa nước từ sông La Ngà về cánh đồng Phú Hòa hết khoảng 200 tỷ đồng. Nhưng ngoài tưới cho 800 hécta cây trồng xã Phú Hòa, còn có thể cung cấp thêm nước tưới cho 300 héc ta cây trồng của xã Gia Canh”.

Một số nông dân xã Phú Hòa cho hay, nếu có nước ổn định sẽ gieo trồng giống mới, áp dụng khoa học - kỹ thuật đẩy năng suất lúa tăng gần gấp đôi. Vụ đông-xuân, nông dân chuyển sang trồng rau, đậu thu nhập có thể cao gấp 2 lần vụ hè - thu, vụ mùa.

“Nếu được tỉnh hỗ trợ làm thủy lợi, 800 hécta đất sản xuất nông nghiệp của xã có đủ nước tưới, năng suất tăng sẽ cho thu nhập thêm vài chục tỷ đồng/năm” - bà Nguyễn Thị Liên khẳng định. Hiện nay, nông nghiệp đang là lĩnh vực được Nhà nước cũng như tỉnh ưu tiên hàng đầu, làm hệ thống thủy lợi khoảng 200 tỷ đồng để nông dân có thêm thu nhập 50-60 tỷ đồng/năm chính là tạo ra bước đột phá cho sản xuất nông nghiệp.

Hương Giang

 

 

 

 

Tin xem nhiều