Báo Đồng Nai điện tử
En

"Ngợp" với thuốc bảo vệ thực vật

10:12, 30/12/2013

Trên thị trường Việt Nam hiện có hơn 5 ngàn loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Cơ quan chức năng quản lý không xuể, nông dân thì như rơi vào "mê trận" nên hầu hết đều mua thuốc theo quảng cáo của nhà sản xuất và các đại lý.

Trên thị trường Việt Nam hiện có hơn 5 ngàn loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Cơ quan chức năng quản lý không xuể, nông dân thì như rơi vào “mê trận” nên hầu hết đều mua thuốc theo quảng cáo của nhà sản xuất và các đại lý.

Ông Lê Công Khanh, ấp 18 Gia Đình, xã Bảo Quang (TX.Long Khánh) phải thử loại thuốc thứ 4 mới trị được bệnh cho cây mít.
Ông Lê Công Khanh, ấp 18 Gia Đình, xã Bảo Quang (TX.Long Khánh) phải thử loại thuốc thứ 4 mới trị được bệnh cho cây mít.

Vì không có thông tin chính thống từ một cơ quan quản lý chất lượng nào về thuốc BVTV nên đa số nông dân đều sử dụng thuốc theo giới thiệu của doanh nghiệp sản xuất và các đại lý. Việc này gây nhiều tốn kém, do nhiều loại thuốc sử dụng không hiệu quả, nông dân lại tốn thêm tiền mua thuốc khác để dùng.

* Không biết chọn loại nào

Một loại bệnh trên cây trồng hiện có đến hàng trăm loại thuốc BVTV. Loại nào cũng được doanh nghiệp sản xuất quảng cáo rất hay và có thể phòng trị bệnh hiệu quả tức thì. Song chỉ khi sử dụng rồi mới biết thực hư loại thuốc này ra sao. Cây trồng bị bệnh có không ít nông dân phải phun tới 3-4 loại thuốc BVTV mới tìm ra được thuốc trị hiệu quả. Đây chính là lãng phí lớn nông dân đang gánh chịu, khi ngành nông nghiệp chưa có một kênh chính thống cung cấp thông tin.

Với trên 5 ngàn loại thuốc BVTV đang lưu hành trên thị trường, ngay các chủ đại lý có thâm niên hơn chục năm trong nghề cũng không nhớ hết tên, công dụng loại thuốc mình đang bán. Giám đốc Công ty phát triển công nghệ sinh học Nguyễn Phú Cường (TX. Long Khánh) nhận xét: “Các nước có nền nông nghiệp phát triển, quản lý rất chặt thuốc BVTV. Mỗi loại bệnh chỉ có vài loại thuốc đặc dụng và có một cơ quan chính thống cung cấp thông tin cho nông dân. Ở Việt Nam, thuốc BVTV tràn lan”.

Ông Lê Công Khanh, ấp 18 Gia Đình, xã Bảo Quang (TX.Long Khánh), nói: “Tôi thường xuyên phải dùng thuốc hóa học để trị bệnh xì mủ và rụng lá ở cây mít. Nhưng phải dùng thử đến loại thuốc thứ 4 mới trị được bệnh cho cây. Thuốc BVTV khá đắt đỏ và năm nào cũng tăng giá nên dùng thử để chọn loại thuốc phù hợp khá tốn kém”. Cũng theo ông Khanh, việc dùng thử thuốc khiến nông dân mất thêm 2-4 triệu đồng/hécta/năm.

Ông Nguyễn Văn Sinh, ấp Gia Ui, xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc), chia sẻ: “Tôi đã trồng nhiều loại cây trồng từ cà phê, tiêu, điều, sầu riêng... Loại nào cũng phải dùng thuốc BVTV mới trị được bệnh và cho thu hoạch. Khi cây bị bệnh, muốn tìm loại thuốc thích hợp để chữa trị cũng khó, phải thử mới biết, vì nơi nào cũng quảng cáo thuốc cực tốt”.

* Cứ kiểm tra là có vi phạm

Trên địa bàn Đồng Nai hiện có trên 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV. Mỗi năm ngành nông nghiệp chỉ tổ chức kiểm tra được 3 đợt, 2 đợt định kỳ và 1 đợt đột xuất. Năm nào kiểm tra nhiều cũng chỉ được khoảng 100 cơ sở và đợt nào kiểm tra cũng có đến trên 20% cơ sở vi phạm, có những cơ sở vi phạm tới 2-3 lỗi.

“Kiểm tra định kỳ đều có báo trước ngày giờ kiểm tra cho chủ cơ sở sản xuất - kinh doanh, nhưng khi kiểm tra vẫn phát hiện ra hàng loạt các vi phạm” - ông Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Đồng Nai cho biết. Theo đó, trên thị trường cho sản xuất, kinh doanh hơn 5 ngàn loại thuốc BVTV, rất khó cho khâu quản lý. Mỗi năm Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn công bố danh sách dài hàng trăm trang tên các đơn vị, loại thuốc BVTV được sử dụng và loại thuốc không được sử dụng. Khi đi kiểm tra, phải đem danh sách công bố tên các loại thuốc của Bộ ra đối chiếu chứ không thể nhớ hết tên các loại thuốc.

TS.Võ Mai, Phó chủ tịch Hiệp hội Làm vườn Việt Nam, người có gần 50 năm gắn bó với nông nghiệp Việt Nam, nhận định: “Sử dụng thuốc BVTV chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài ngành nông nghiệp chú trọng phát triển mô hình sản xuất sạch, ít dùng thuốc. Thái Lan là nước có nông nghiệp rất phát triển, họ chỉ cho lưu hành 3-4 loại thuốc cho một thứ bệnh, vừa dễ quản lý và nông dân không lo mua phải thuốc kém chất lượng”.

Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích