Năm 2014 tình hình kinh tế thế giới có sự phục hồi và có thể tăng trưởng ở mức tăng cao hơn năm 2013, nhưng vẫn chậm và yếu, chính vì thế các bộ, ngành cùng các địa phương sẽ phải nỗ lực khá nhiều.
Theo báo cáo đánh giá của Chính phủ tại hội nghị trực tuyến ngày 23-12 của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước, năm 2014 tình hình kinh tế thế giới có sự phục hồi và có thể tăng trưởng ở mức tăng cao hơn năm 2013, nhưng vẫn chậm và yếu, chính vì thế các bộ, ngành cùng các địa phương sẽ phải nỗ lực khá nhiều.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành và Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái tham dự hội nghị trực tuyến tại đầu cầu Đồng Nai. Ảnh: K.Giới |
Chính phủ cũng đưa ra 9 nhóm giải pháp để thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.
Hết sức tiết kiệm
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu ra 3 vấn đề lớn cần phải khắc phục là: tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) còn rất khó khăn, mức độ tăng nợ xấu cao làm ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và sự tiếp cận vốn của các DN và chi ngân sách Nhà nước. Trong đó, về chi ngân sách Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả cụ thể từng dự án và hết sức tiết kiệm. Song song đó, các bộ, ngành chức năng cần tích cực cho vay trong các lĩnh vực sản xuất xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp; kiểm soát chặt chẽ những mặt hàng xuất nhập khẩu không khuyến khích và chống buôn lậu, gian lận thương mại tốt, chủ động trong việc tham gia đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA với EU… “Chúng ta tham gia vào đây có rất nhiều những lợi thế nhưng cũng đầy thách thức, vì vậy các bộ, ngành và địa phương kể cả DN cũng cần chủ động”, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, năm 2014 Quốc hội đã phê chuẩn mức vốn ngân sách cho đầu tư hạ tầng thấp hơn năm 2013, vì vậy sẽ chỉ tập trung những dự án sớm hoàn tất đưa vào sử dụng, hạn chế việc khởi công các dự án mới không thật cần thiết. Vốn trái phiếu Chính phủ (kế hoạch 2011-2015) với 2 dự án cải tạo quốc lộ 1 và quốc lộ 14 đã sẵn sàng, các địa phương cần thực hiện giải phóng mặt bằng kịp thời, không để vì những thủ tục hay chậm giải phóng mặt bằng mà vốn phải nằm chờ gây thiệt hại. Vốn ODA đang được kỳ vọng nhiều vào khả năng hấp thụ của các dự án. Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo: “Trong điều kiện vốn trong nước hạn hẹp thấp hơn năm 2013, thì nguồn vốn ODA hết sức quan trọng. Giai đoạn 2006-2010, vốn ODA cam kết là 31,7 tỷ USD, vốn đã ký là 20,6 tỷ USD, hiện nay mới giải ngân được 13,8 tỷ USD, so với vốn ký kết vẫn còn gần 7 tỷ USD. Vốn cam kết cho giai đoạn 2011-2013 là 20,8 tỷ USD, ký kết là 19,7 tỷ USD tới nay cũng mới giải ngân được 11,8 tỷ USD, như vậy vẫn còn gần 8 tỷ USD nữa. Như thế vốn thì đã sẵn sàng, nhưng làm thế nào để giải ngân được kịp thời là việc trong năm 2014 phải có các giải pháp quyết liệt để hấp thụ được”.
Sân bay Long Thành không thể chờ mãi
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân đã kiến nghị Chính phủ và Bộ Giao thông - vận tải sớm có phương án triển khai xây dựng sân bay qốc tế Long Thành bởi Sân bay Tân Sơn Nhất đang tiến dần đến ngưỡng quá tải. Ông Lê Hoàng Quân cho biết hiện sân bay đã đạt 20 triệu lượt khách/năm, vượt xa so với dự kiến. “Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất dự kiến đến năm 2015 sẽ đón khoảng 13 triệu lượt khách quốc tế, nhưng đến nay đã đón 20 triệu lượt khách. Nếu không tập trung chuẩn bị để đầu tư xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành thì chừng 2 năm nữa Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ quá tải” - ông Quân báo cáo.
Kiến nghị với Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cũng đồng tình với ý kiến của ông Lê Hoàng Quân là cần phải thực hiện sớm dự án sân bay quốc tế Long Thành, vì đây là chiến lược phát triển của ngành hàng không. Để thực hiện được dự án này thì 2 khu tái định cư với kinh phí xây dựng lên đến 7 ngàn tỷ đồng cần phải được triển khai sớm, nếu không sẽ không kịp thời gian.
Vân Nam