Báo Đồng Nai điện tử
En

Chưa tận dụng được cơ hội

06:12, 26/12/2013

Ngày 24-12, Chính phủ tiếp tục họp trực tuyến với các tỉnh, thành để triển khai nhiệm vụ 2014. Những vấn đề được các bộ trưởng nêu ra nhiều trong cuộc họp là chưa tận dụng cơ hội khi tham gia hội nhập, tăng trưởng tín dụng ổn định và thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi.

Ngày 24-12, Chính phủ tiếp tục họp trực tuyến với các tỉnh, thành để triển khai nhiệm vụ 2014. Những vấn đề được các bộ trưởng nêu ra nhiều trong cuộc họp là chưa tận dụng cơ hội khi tham gia hội nhập, tăng trưởng tín dụng ổn định và thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi.

Nông dân xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu dùng máy gặt đập liên hợp giảm thất thoát lúa trong thu hoạch 3%. Ảnh: H.Giang
Nông dân xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu dùng máy gặt đập liên hợp giảm thất thoát lúa trong thu hoạch 3%. Ảnh: H.Giang

Năm 2014, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn. Vì thế mục tiêu trong năm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng hợp lý, đồng thời sử dụng hợp lý có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Bỏ lỡ nhiều cơ hội

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, hiện Việt Nam đã ký kết 8 hiệp định thương mại tự do, nhưng hầu hết các doanh nghiệp trong nước chưa khai thác được lợi thế so với những nước trong khối ASEAN. Nhiều địa phương, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Chính vì thế, các doanh nghiệp trong nước bỏ qua nhiều cơ hội phát triển sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Việt Nam tận dụng cơ hội khi tham gia hội nhập thấp hơn nhiều so với Thái Lan, Singapore, Malaysia. Công tác đối ngoại, xúc tiến thương mại chưa hiệu quả. Năm 2013, Việt Nam đã tổ chức 2.300 đoàn đi xúc tiến thương mại ở nước ngoài. Các đoàn đi nhiều, nhưng chưa chuẩn bị kỹ nội dung cần tìm hiểu nên chưa đem lại yêu cầu như mong muốn”.

 Hiện Việt Nam tiếp tục đàm phán, thương lượng Hiệp định TPP, năm 2015 nhiều mặt hàng nhập khẩu thuế suất sẽ về 0, nếu các bộ, ngành, địa phương không có sự chủ động, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ bị hàng nhập khẩu lấn sân, trong đó có nông sản.

Tín dụng có tín hiệu vui

Trong năm 2013, tín dụng của nước ta tăng trưởng khoảng 9,5%, tương đương với tăng trưởng kinh tế. “Đây là dấu hiệu vui cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh khó khăn, vì điều này chứng tỏ lạm phát đã được kiềm chế” - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho hay.  Theo ông Bình, Chính phủ đang tiếp tục tháo gỡ bớt khó khăn cho các doanh nghiệp bằng giải pháp điều chỉnh tỷ giá ở mức 1% và thị trường điều chỉnh tương đương. Các ngân hàng đang mua đồng đôla Mỹ vào cao hơn thị trường tự do, đây là điều từ trước đến nay hiếm xảy ra. Trong năm 2014, tiếp tục giữ ổn định tỷ giá và giới hạn ở mức tăng không quá 2%. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Nhà nước tiếp tục độc quyền nhập khẩu vàng để ổn định thị trường.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đánh giá, thị trường bất động sản 2 quý cuối năm đã bớt ảm đạm. Giá bất động sản giảm về gần với giá trị thực, trong đó đất ở nhiều dự án đã giảm 50% nên thu hút được nhiều người mua. Tuy nhiên, nhu cầu mua nhà ở của những người có thu nhập thấp vẫn còn nhiều. Để người có nhu cầu thực sự có thể mua nhà, đất để ở, ngân hàng nên có gói tín dụng cho đối tượng này. Một số dự án nhà ở nên chuyển sang nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.

Quyết sách 2014

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Dù khó khăn, nhưng đầu tư toàn xã hội năm 2013 vẫn đạt 30%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Song các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh để năm 2014 đạt tăng trưởng 5,8%, đồng thời đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, nắm bắt cơ hội để xuất khẩu”. Thủ tướng cũng lưu ý, cần đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế; tập trung đầu tư cho hạ tầng thủy lợi, giao thông, thông tin để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế; nghiên cứu thị trường phát huy lợi thế khi tham gia các hiệp định thương mại.

Với các doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng cũng thẳng thắn yêu cầu phải cải cách, nếu không hiệu quả sẽ giải thể. Để tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả, cần đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất, liên kết tạo thành các hợp tác xã, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn và đào tạo nguồn nhân lực.

Hương Giang

Tin xem nhiều