Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) rất có sức hút với các doanh nghiệp (DN) ngành dệt may và giày dép, bởi bước vào sân chơi này, khi xuất khẩu hàng đến các nước tham gia TPP DN được hưởng ngay mức thuế ưu đãi, tạo cơ hội cạnh tranh tốt.
Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) rất có sức hút với các doanh nghiệp (DN) ngành dệt may và giày dép, bởi bước vào sân chơi này, khi xuất khẩu hàng đến các nước tham gia TPP DN được hưởng ngay mức thuế ưu đãi, tạo cơ hội cạnh tranh tốt. Cửa thì mở nhưng điều kiện để vào lại không hề dễ, nhất là với DN nhỏ và vừa.
Công nhân đang sản xuất Công ty cổ phần Đồng Tiến. |
Đến nay, đàm phán TPP đã trải qua 19 phiên chính thức và nhiều phiên giữa kỳ. Từ Bộ Công thương đến các tỉnh, các ngành đã tổ chức khá nhiều hội nghị, hội thảo để giúp các DN hiểu rõ những cơ hội và thách thức để chuẩn bị cho một sân chơi mới.
* Bài toán nguyên liệu
Từ năm 2011, Tổng công ty may Đồng Nai - Donagamex đã đưa ra phương án tăng dần tỷ lệ nội địa các nguyên phụ liệu trong sản phẩm của mình để gia tăng giá trị, và đã chủ động đầu tư các nhà máy sản xuất phụ liệu cho mình. Do có chuẩn bị trước nên DN khá tự tin trong việc hội nhập vào TPP thời gian tới. Tuy nhiên, không phải DN nào trong ngành may mặc xuất khẩu cũng chủ động trước và làm được như Donagamex, bởi nguồn nguyên phụ liệu của ngành may mặc đang phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu từ Trung Quốc, Hong Kong và Hàn Quốc. Trong khi đó, để được hưởng thuế suất ưu đãi 0% khi xuất khẩu, các DN phải sử dụng nguyên phụ liệu sản xuất có nguồn gốc trong nước hoặc sản xuất tại các quốc gia thành viên của TPP, đây là một rào cản lớn cho may mặc xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, 2 lĩnh vực may mặc và da giày thời gian gần đây đã được nhiều DN nước ngoài tìm hiểu thị trường để đầu tư nhằm hưởng lợi ích từ TPP. Nhiều ý kiến mong đợi, mặc dù TPP trước mắt sẽ có nhiều thách thức đặc biệt cho các DN nhỏ và vừa, nhưng về lâu dài môi trường sản xuất và xuất khẩu sẽ được cải thiện do có các nhà đầu tư nước ngoài tham gia ở các công đoạn sản xuất nguyên phụ liệu để bán lại cho DN Việt Nam. |
Bà Nguyễn Thị Bích Liên, Phó giám đốc Xí nghiệp may công nghiệp Đồng Nai (Donamay), thừa nhận nguồn nguyên liệu trong nước hiện không đáp ứng được về số lượng và chất lượng ở một số mẫu hàng như yêu cầu của khách. Mỗi năm Việt Nam phải sử dụng hơn 7 tỷ mét vải, nhưng trong nước chỉ đáp ứng được hơn 1 tỷ mét, số còn lại là nhập khẩu.
Không chỉ ngành may mặc mà cả lĩnh vực giày dép xuất khẩu cũng vướng rào cản này. Ông Tạ Quốc Bình, Phó giám đốc Công ty sản xuất giày dép xuất khẩu Vĩnh Bình (huyện Trảng Bom), cho biết da giày hiện đang phải nhập khẩu nguyên liệu phần lớn từ Trung Quốc, Ấn Độ, hai nước này đều không phải là thành viên TPP. Nếu chuyển sang nhập khẩu từ các nước thành viên TPP như Mexico hay Brazil thì giá thành sản xuất lại quá cao, không cạnh tranh được. “Da nguyên liệu nhập khẩu hiện nay thấp nhất vẫn từ Trung Quốc rồi đến Ấn Độ và Hàn Quốc. Do Trung Quốc ở gần, chi phí vận chuyển thấp nên giá luôn cạnh tranh” - ông Bình nói.
* Gia công cũng “đứng” nhìn
Theo Hiệp hội Da giày Việt Nam, có đến gần 80% giá trị xuất khẩu giày dép thuộc về các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), còn lại hơn 20% là của DN trong nước. Trong số đó, DN trực tiếp xuất khẩu không nhiều mà phần lớn là làm hàng gia công. Cũng theo ông Tạ Quốc Bình, các DN nhỏ thường chọn phương án gia công vì vốn ít và giảm rủi ro. Hiện DN của ông đang sản xuất hàng cho một công ty ở Hong Kong, sau đó công ty này mới xuất sang thị trường châu Âu và Nhật Bản.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, ngay cả các DN FDI không có sản phẩm xuất khẩu riêng mà chỉ gia công cho các hãng giày lớn thì việc hưởng lợi từ TPP cũng không đáng kể, có chăng cũng chỉ là việc cải thiện được đơn hàng sản xuất.
Vân Nam