Là cháu ngoại của một trong những tên tuổi lớn của ngành gốm mỹ nghệ Biên Hòa - ông Đặng Văn Qưới (ông Quản Quới - giáo sư của Trường mỹ nghệ thực hành Biên Hòa (tên cũ của Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai), nghệ nhân Nguyễn Văn Trí (Năm Trí) là một trong những nghệ nhân gốm Biên Hòa hiếm hoi của Biên Hòa.
Là cháu ngoại của một trong những tên tuổi lớn của ngành gốm mỹ nghệ Biên Hòa - ông Đặng Văn Qưới (ông Quản Quới - giáo sư của Trường mỹ nghệ thực hành Biên Hòa (tên cũ của Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai), nghệ nhân Nguyễn Văn Trí (Năm Trí) là một trong những nghệ nhân gốm Biên Hòa hiếm hoi của Biên Hòa. Với những thăng trầm thời cuộc, sinh ra trong gia đình 3 đời làm gốm và có hơn 60 năm theo nghề gốm, cố gắng giữ lại từng đường nét và cách làm đặc trưng của gốm Biên Hòa đến tận ngày nay, nghệ nhân Năm Trí nói, điều ông tiếc nuối và sợ nhất là liệu có còn kịp để người ta giữ lại được ngọn lửa của những lò gốm Biên Hòa một thời vang danh gần xa nữa hay không.
* Điều gì đã giữ chân ông với nghề làm gốm trong suốt hơn 60 năm thăng trầm của gốm Biên Hòa?
- Không chỉ có ông ngoại là một trong những giáo sư đầu tiên của Trường mỹ nghệ thực hành Biên Hòa, cha dượng tôi là ông Trần Văn Ơn cũng là một trong những hiệu trưởng của trường thời Pháp thuộc. Từ năm 14 tuổi, tôi đã vào học làm gốm ở trường. Đến năm 17 tuổi, tôi tốt nghiệp loại ưu, được cấp bằng giáo sư ngành gốm ngay. Nhưng tôi không theo nghề giáo mà ra ngoài mở lò, mở xưởng rồi lăn lộn với nghề từ bấy đến nay.
Điều lớn nhất giữ tôi lại với gốm Biên Hòa, trên hết vẫn là sự say mê với gốm. Làm gốm thủ công mỹ nghệ là một nghề đòi hỏi lao động nghiêm túc, tỉ mỉ, vất vả, nhưng cảm giác hạnh phúc khi tự tay mình hoàn thành một tác phẩm gốm là điều không thứ gì thay thế được đối với tôi. Vậy nên đến tận bây giờ tôi vẫn làm, vẫn nặng lòng với gốm.
* Được học hành bài bản về gốm từ những người thầy giỏi nhất về gốm, theo ông vì sao gốm Biên Hòa một thời lại đặc sắc và vang danh đến thế?
- Về khởi nguồn, theo tôi biết gốm Biên Hòa có từ rất lâu, trước cả gốm sứ Bình Dương và một số vùng gốm sứ khác ở phía Nam. Nét đặc sắc của gốm Biên Hòa, đặc biệt là gốm cổ thì rất nhiều, nhưng những ai từng gắn bó và có nghiên cứu bài bản về gốm Biên Hòa sẽ thấy, gốm vùng này đặc biệt có tính mỹ thuật cao, một phần là do có trường dạy nghề làm gốm rất bài bản với các họa sĩ, nhà điều khắc, tạo hình… nổi tiếng thời Pháp thuộc. Một thời, gốm Biên Hòa nổi tiếng với những người thợ lành nghề, độ tinh xảo làm ra gốm không vùng nào theo được. Ngoài ra, gốm Biên Hòa xưa thường lấy đất từ vùng Vĩnh Cửu, khi nung nóng chuyển thành màu hơi cổ rất đẹp, bên cạnh đó là những màu men đặc biệt được chế tác với kỹ thuật riêng từ nhiều loại đá xanh xứ Biên Hòa. Tất cả những điều này làm cho gốm Biên Hòa vang danh.
* Những hoài niệm nào về thời hoàng kim của gốm Biên Hòa mà ông còn giữ?
- Thời Pháp thuộc, gốm Biên Hòa nức tiếng, làm không kịp bán do tính mỹ thuật rất cao. Thời đó, những người có tiền mới dám “chơi” gốm Biên Hòa vì đều là những sản phẩm được thợ làm thủ công, rất chăm chút. Sau năm 1954, nhiều lò gốm ra đời và gốm Biên Hòa lại nổi danh thêm. Thời đó chưa có xuất khẩu chuyên nghiệp, nhưng nhiều khách nước ngoài tìm đến tận nơi mua, hoặc thông qua thương lái ở Sài Gòn đưa gốm Biên Hòa ra nước ngoài. Sau này, gốm Biên Hòa vẫn còn, nhưng lại tồn tại và phát triển dưới hình thức sản xuất gốm công nghiệp nhiều hơn, “hồn vía” cũng phôi phai ít nhiều. Đến nay thì những nghệ nhân gốm hay thợ gốm có thể chế tác những tác phẩm gốm Biên Hòa một cách đặc sắc như xưa không còn nhiều nữa.
* Và giờ này, tâm trạng ông ra sao khi thời vàng son của gốm Biên Hòa không còn nữa? Cảm nhận của ông khi hàng loạt xưởng gốm thủ công lẫn công nghiệp phải đóng cửa vì không có thị trường?
- Tôi buồn lắm. Sau này ngành gốm phát triển, mở rộng theo hướng sản xuất công nghiệp. Nhiều lò gốm mở ra làm gốm xuất khẩu, thợ giỏi mai một vì hàng thủ công cạnh tranh không lại gốm công nghiệp, nghệ nhân bỏ lò đi làm thuê. Bản thân tôi cũng ngưng làm gốm tại Biên Hòa một thời gian, sang Bình Dương làm thuê cho lò Thành Lễ. Hồn gốm Biên Hòa lúc này phát triển theo một hướng khác, rộng rãi hơn nhưng nhạt nhòa hơn.
Rồi sau này, ngay cả gốm công nghiệp cũng không cạnh tranh nổi với thị trường đầy biến động, đặc biệt là gốm giá rẻ từ Trung Quốc sang. Không chỉ gốm Biên Hòa mà tại Việt Nam, xét về quy mô sản xuất, giá cả và phân phối, khó có dòng gốm nào “chịu” nổi gốm Trung Quốc, dù thật sự với những người sành về gốm, gốm Trung Quốc thiếu tính thẩm mỹ và chất lượng không cao.
* Điều gì thật sự khiến nghệ nhân gốm bỏ nghề? Do “cơm, áo, gạo, tiền” hay họ thiếu đi sự say mê?
- Trải qua nhiều thăng trầm trong nghề gốm, tôi thấy cốt lõi vấn đề chính là không đủ say mê. Thiếu đam mê nên những khó khăn thách thức trong cuộc sống, trong nghề mau chóng khiến họ bỏ nghề. Gần 100 năm nay, trường mỹ nghệ đào tạo ra rất nhiều thợ gốm, nhưng hầu hết đều không tồn tại được. Người thật sự giỏi nghề khó lòng chọn lò gốm công nghiệp để mưu sinh, nhưng mở xưởng thủ công thì lại khó tồn tại nổi. Làm gốm cũng như làm nghệ thuật, giỏi thì kiếm được rất nhiều, dở thì cuộc sống bấp bênh. Do đó thợ gốm ra trường rất nhiều, nhưng số tồn tại nổi thì quá ít.
* Theo ông, gốm Biên Hòa rồi sẽ đi về đâu, và liệu có cách nào để hồn gốm Biên Hòa được gìn giữ lâu dài hơn, vì rất có thể nó sẽ lụi tàn và biến mất?
Nghệ nhân Nguyễn Văn Trí sinh năm 1936 tại Biên Hòa, trong gia đình có truyền thống làm gốm, đúc đồng. Ông là cựu học viên Trường mỹ nghệ thực hành Biên Hòa. Ông là một trong những người thổi hồn làm nên nét đặc trưng của gốm Biên Hòa. Nhiều năm liền ông được UBND tỉnh Đồng Nai khen tặng danh hiệu thợ giỏi và năm 2010, ông được Ban tổ chức Festival gốm sứ Việt Nam - Bình Dương tôn vinh nghệ nhân làng gốm Biên Hòa. Những tác phẩm của ông hiện được Bảo tàng Đồng Nai lưu giữ như một nỗ lực gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc. |
- Không gì diễn tả được sự khát khao của tôi và cả những nghệ nhân khác tâm huyết với nghề gốm trong việc giữ gìn hồn gốm Biên Hòa. Nhưng tự mỗi người và cách làm nhỏ lẻ, manh mún thì không làm được. Chúng tôi mong muốn có những chính sách chung, rộng lớn hơn để ngọn lửa gốm Biên Hòa không tàn lụi và biến mất.
Từ những trải nghiệm với nghề, tôi thấy có thể có 2 hướng đi. Một là vẫn tiếp tục phát triển gốm công nghiệp, gốm xuất khẩu bằng cách nâng cao tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, nên giữ gìn dòng gốm Biên Hòa thủ công, vì đây chính là cái hồn của gốm, thông qua việc chọn lựa, đào tạo bài bản từ những người nghệ nhân, những người thợ giỏi để họ giúp giữ lửa cho nghề, truyền đạt lại cách làm.
Nhưng tôi biết điều này không dễ. Tôi rất lo một ngày nào đó, gốm Biên Hòa thật sự chỉ còn trong ký ức và sách vở.
* Ông có truyền nghề cho những thế hệ học trò sau không? Và giới trẻ liệu có còn ai say mê nghề gốm khi họ có quá nhiều cơ hội học hành, thành đạt và tìm kiếm công danh?
- Đáng buồn là rất ít người trẻ thích nghề gốm. Học làm gốm thật sự rất vất vả. Chúng tôi mất 4 năm để học từng cách nhóm lò, chọn đất, chụm củi, đo lửa, chế men… và phải rất kỳ công mới ra được một sản phẩm ưng ý. Những kỹ thuật làm gốm xưa ấy đã thuộc về quá khứ. Nhiều doanh nghiệp mời tôi đến dạy làm gốm cho thợ, nhưng họ thật sự chỉ là những người thợ, chứ không phải những nghệ nhân, họ thiếu đi lòng say mê và tự hào với nghề làm gốm. Nếu có thể phục hồi nghề gốm Biên Hòa, tôi nghĩ có lẽ phải bắt đầu bằng chính con người.
Xin cảm ơn ông!
Kim Ngân (thực hiện)