Báo Đồng Nai điện tử
En

Người trẻ với nghề nông

12:10, 14/10/2013

Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ đều giống nhau ở tuổi đời còn khá trẻ, tâm huyết với nghề nông. Với sự nhanh nhạy và chịu khó học hỏi, họ đã trở thành những “nông dân thế hệ F2” với cơ nghiệp nhiều tỷ đồng.

Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ đều giống nhau ở tuổi đời còn khá trẻ, tâm huyết với nghề nông. Với sự nhanh nhạy và chịu khó học hỏi, họ đã trở thành những “nông dân thế hệ F2” với cơ nghiệp nhiều tỷ đồng.

Anh Đỗ Đình Sỹ, ấp Tây Kim, xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) chăm sóc đàn heo.
Anh Đỗ Đình Sỹ, ấp Tây Kim, xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) chăm sóc đàn heo.

Trong số họ, có những người tốt nghiệp đại học xong là về làm nông dân. Song cũng có người vẫn từ bỏ công ty nước ngoài với mức thu nhập trên 1 ngàn USD/tháng vì mê trồng trọt. Dù trải qua không ít thăng trầm, nhưng những người trẻ này đang làm dấy lên kỳ vọng vào một thế hệ nông dân trẻ có kiến thức và hoài bão.

* “Vua” mía

Năm 2000, tốt nghiệp Trường đại học kinh tế, thay vì kiếm một việc làm có thu nhập cao tại các công ty thì anh Đỗ Văn Hải, ở ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) lại quay về làm nông dân. Theo lời anh Hải, quay về làm nông nghiệp là vì muốn giúp gia đình và một số bà con trồng mía trong vùng bớt khổ.

Điều đầu tiên anh làm là gom hết vốn liếng trong gia đình và vay mượn thêm để thuê đất sản xuất. Có diện tích đất lớn liền khoảnh, anh Hải đầu tư máy móc để giảm công lao động, đồng thời đưa giống mới vào sản xuất, áp dụng kỹ thuật mới để tăng năng suất. Kết quả, năng suất mía của gia đình anh Hải luôn cao hơn nhiều hộ trong vùng mà chi phí đầu vào lại thấp hơn. Do đó, lợi nhuận từ trồng mía của gia đình anh luôn cao hơn các hộ khác.

Cách đây 10 năm khi bắt tay lập nghiệp, anh chỉ có 3 hécta đất trồng mía thì nay anh đã có trong tay hàng trăm hécta mía. Anh Hải cho biết: “Hiện tôi có khoảng 300 hécta mía. Trong đó, đất của gia đình hơn 30 hécta, còn lại là thuê. Nhờ có máy móc cơ giới hóa, hạ được giá thành, nên dù giá mía xuống thấp, tôi vẫn có lời”.

Ngoài ra, anh Hải còn bỏ vốn, phân bón ra giúp nhiều hộ thiếu vốn với diện tích gần 200 hécta và ký hợp đồng bao tiêu đầu ra với giá bằng giá nhà máy. Theo anh Hải, nhiều hộ nghèo chỉ có vài sào mía rất khó ký hợp đồng với các nhà máy, vì thế anh hỗ trợ họ để có vốn đầu tư kịp thời, nâng cao năng suất và có đầu ra ổn định.

* Người trồng lan đa tài

Nhắc đến các vườn lan lớn trong tỉnh, đa số người trồng lan đều nghĩ ngay đến vườn lan của anh Trịnh Tuấn Anh, KP.4, thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom). Anh nổi danh trong giới trồng lan không chỉ ở cách chăm cây, mà còn thêm tài thiết kế sắp xếp lan vào các chậu để nâng thêm giá trị. Do đó, khách có ý định mua lan đến vườn anh ít khi ra về tay không.

Anh Tuấn Anh đến với nghề trồng lan bắt đầu từ sự đam mê. Năm 2006, đang làm quản lý trong một công ty may nước ngoài với mức lương 1.500 USD/tháng, anh xin nghỉ để ra ngoài làm nghề trồng lan. Lúc đó với số vốn 300 triệu tích lũy được, anh Tuấn Anh đổ hết vào thiết kế vườn và mua giống. Gần 8 năm trồng lan, có những thời điểm tưởng trắng tay vì thời tiết, sâu bệnh, song nhờ chịu khó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, anh Tuấn Anh đã vượt qua và mở rộng vườn lan lên 3 sào đất. Hiện vườn lan của anh Tuấn Anh mỗi năm thu lời hàng trăm triệu đồng. “Vườn lan của tôi vẫn đang trong giai đoạn kiến thiết mở rộng nên ươm được bao nhiêu giống, tôi đều đem trồng, lợi nhuận chưa cao” - anh Tuấn Anh chia sẻ.

Bước vào vườn lan của anh Tuấn Anh ngoài được chiêm ngưỡng nhiều loại lan đẹp, khách còn được thưởng thức những kiểu trưng lan khá đặc sắc do chính chủ nhân tạo ra. Anh Tuấn Anh, nói: “Muốn khai thác hết vẻ đẹp kiêu sa của hoa lan thì phải biết tạo ra các kiểu chậu độc đáo. Vì thế mỗi năm tôi đều nghiên cứu tạo ra một số loại chậu mới từ những chất liệu đơn giản, như: xơ dừa, gỗ, tre...”. Đây cũng chính là điểm giúp anh Tuấn Anh luôn giữ chân được nhiều khách quen lâu năm và thu hút thêm được nhiều khách mới.

* Tay trắng lập nghiệp

Anh Đỗ Đình Sỹ ở ấp Tây Kim, xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) đến với nghề chăn nuôi như một lẽ đương nhiên, vì vùng này đa số các hộ dân đều sống bằng nghề chăn nuôi. Chỉ khác là khi bắt đầu lập nghiệp, anh chỉ có hai bàn tay trắng, vậy mà trong vài năm, anh đã xây dựng được cơ nghiệp đáng giá nhiều tỷ đồng.

Hiện nay, anh Sỹ đã có trong tay một trang trại heo với tổng đàn khoảng 1 ngàn con và một đại lý thức ăn chăn nuôi lớn, cung cấp cho thị trường hơn 400 tấn/tháng. Anh Sỹ tâm sự: “Nhiều người nói nghề chăn nuôi là dễ nhất, ai cũng làm được. Nhưng thực tế muốn trở thành người chăn nuôi chuyên nghiệp không dễ. Để vượt qua những giai đoạn chăn nuôi gặp khó khăn về giá, dịch bệnh, tôi đã phải lao tâm khổ tứ rất nhiều”.

Anh Sỹ có thể ngồi cả buổi kể say sưa về quy trình chăn nuôi, thời điểm nào tiêm phòng vaccine cho heo nái, heo con và heo thịt; loại thức ăn nào tốt, phối trộn ra sao để hạ giá thành mà heo vẫn nhanh lớn; cách quản lý, phòng ngừa để heo không xảy ra dịch. Anh nói: “Người chăn nuôi chuyên nghiệp có 2 nỗi lo lớn là giá cả và dịch bệnh. Vì thế tôi phải tự mình tìm hiểu, học hỏi và đúc kết kinh nghiệm để chăn nuôi được tốt hơn”. Những năm qua, dịch heo tai xanh nhiều lần xảy ra ở các địa phương trong tỉnh, nhưng trại của anh Sỹ vẫn tránh được. Gần 2 năm qua, giá heo xuống thấp dưới giá thành, anh Sỹ vẫn duy trì được đàn và 2 tháng lại đây, giá heo tăng cao trở lại, anh có sẵn heo thịt cung cấp cho thị trường.

Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều