Ở xã Phước An, huyện Nhơn Trạch có một chợ cá khá đặc biệt, chỉ họp vào lúc gần sáng và thời gian họp chợ trong vòng 2 tiếng rưỡi đồng hồ (từ 3 - 5 giờ 30 sáng). Toàn bộ thủy sản bán ở đây đều được đánh bắt tự nhiên trên các con sông nước lợ, không có thủy sản nuôi.
Ở xã Phước An, huyện Nhơn Trạch có một chợ cá khá đặc biệt, chỉ họp vào lúc gần sáng và thời gian họp chợ trong vòng 2 tiếng rưỡi đồng hồ (từ 3 - 5 giờ 30 sáng). Toàn bộ thủy sản bán ở đây đều được đánh bắt tự nhiên trên các con sông nước lợ, không có thủy sản nuôi.
Người dân huyện Nhơn Trạch hãnh diện về chợ đầu mối bán cá nước lợ này. Nguồn cá từ các ngư dân đánh bắt ở các sông Thị Vải, Lòng Tàu và Đồng Tranh đưa về bán. Ban ngày nơi đây vắng ngắt, hoàn toàn không ai buôn bán gì, nhưng khi đêm về thì lại tấp nập người mua kẻ bán.
* Hối hả kẻ bán...
4 chiếc đèn compact đủ soi sáng cho khu đất rộng vài trăm mét vuông ven sông Thị Vải để người dân họp chợ. Chưa tới 3 giờ sáng, các đầu mối mua gom thủy sản đã có mặt ở đây chờ ghe cá về. Hơn 3 giờ, bầu không khí tĩnh lặng của một vùng sông nước xung quanh toàn đước với bần bị phá vỡ bởi tiếng ghe máy nhỏ (loại dùng để đi lại và chở cá bán) phành phạch chạy vào, mỗi lúc một đông, khuấy động không gian nơi đây. Trên bờ, các xe máy buôn cá cũng hối hả tới.
Các thương lái đang nhận cá để đưa đi bán. |
Từ dưới ghe, anh Minh khệ nệ bưng lên con cá chẽm nặng đến 11 kg giao cho mối rồi trở lại ghe lỉnh kỉnh xách lên những bọc tôm, cua, cá sau một ngày đánh bắt. Không khí trở nên hối hả hơn khi lượng ghe dồn về nhiều, mọi người đều muốn nhanh chóng bán xong hàng. Những ngày đông, ở đây có đến khoảng 50 chiếc ghe về bán thủy sản. Anh Nguyễn Minh Trí, quê ở huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An), người đã 7 năm nay đi đóng đáy, cho biết tùy theo con nước tốt hay kém mà lượng thủy sản đánh bắt được nhiều hay ít, những ngày nhiều thì có thu nhập từ 700 - 800 ngàn đồng, còn ngày ít thì 200 - 300 ngàn đồng. “Một tháng có 10 ngày nước tốt, hôm nào hên bắt được nhiều loại cá đắt tiền, như: cá bớp, cá ngát, cá nâu hay cá dứa thì được khá tiền. Thời gian đánh bắt từ sáng đến khuya mới đưa vào bờ bán, con nào chết thì ướp đá, còn cá sống thì để riêng. Tôi đóng đáy cách đây khá xa, gần 30 phút đi ghe nên không thể vô ra liên tục được” - anh Trí chia sẻ.
Ông Dương Văn Pháp, Chủ tịch UBND xã Phước An, cho biết chợ cá có diện tích 5 hécta hình thành từ năm 2006. Thời gian trước, khu vực này là bến cảng tập kết cát của một doanh nghiệp, nhưng hiện đã giao lại cho xã UBND xã Phước An quản lý. Đây là chợ tự phát, UBND xã chỉ hỗ trợ về mặt an ninh trật tự. Hiện tại, UBND huyện Nhơn Trạch đang lập đề án xây dựng một chợ nổi tại đây. |
Phần đông các ngư dân khai thác thủy sản trên vùng nước lợ này là người ở huyện Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh); huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) và một số dân địa phương với 4 kiểu đánh bắt chính: đóng đáy, đi te, thả lưới và câu. Anh Võ Công Khanh, một ngư dân ở Cần Giuộc, nói: “Thường 1 ghe đóng đáy là hai vợ chồng cùng đi, ai có con nhỏ chưa đi học cũng cho đi cùng luôn. Nhanh thì 1 tháng về nhà một lần, còn không tới 2 tháng mới về”.
*... Vội vàng người mua
Chợ thủy sản Phước An khá phong phú, có tới hàng chục loại tôm, cua, cá nước lợ được bán. Tại chợ có vài đầu mối chính mua gom toàn bộ thủy sản từ các ghe đánh bắt, sau đó sang lại cho các thương lái đưa đi các nơi khác bán.
Hơn 5 giờ sáng vợ chồng anh Đức vội vã dọn hàng để đến chợ Vĩnh Thanh bán lẻ. |
Anh Nguyễn Ngọc Đức, một đầu mối mua gom cho hay thủy sản ở đây được đưa về TP.Hồ Chí Minh, Biên Hòa và một số chợ ở huyện Long Thành, Nhơn Trạch bán. “Người mua ít thì 20kg, người mua nhiều khoảng 50kg, chở giao cho mối ở các nơi. Ai cũng muốn có cá sớm để nhanh chóng đưa đi cho kịp chợ. Những tháng cuối năm, ghe cá về sớm hơn, khoảng 2 giờ sáng là tôi phải có mặt ở đây để nhận hàng” - anh Đức nói. Vợ chồng anh Đức sau khi giao xong cá cho bạn hàng lại vội chở một số thủy sản đến chợ Vĩnh Thanh (xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch) bán.
Tương tự, vợ chồng chị Võ Thị Thu Nguyệt (ở xã Phước An) cũng là một đầu mối ở đây, sau khi nhận và giao hàng đến hơn 5 giờ sáng lại nhanh chóng chở hàng ra chợ Phước An bán lẻ. “Những ngày nắng không sao, gặp những hôm mưa to gió lớn có khi bay hết cả đồ đựng. Vậy mà mọi người vẫn mặc áo mưa để chờ cá” - chị Nguyệt bộc bạch.
Các thương lái nơi đây cho biết, trung bình mỗi ngày các ghe đưa về chợ khoảng 1 tấn hải sản. Do loại thủy sản nước lợ khá ngon, lại được đánh bắt tại sông với sản lượng không lớn, vì vậy việc tiêu thụ khá nhanh. Nhiều người còn gọi chợ này là cảng cá đặc sản nước lợ Phước An.
Khắc Giới