Báo Đồng Nai điện tử
En

Tam nông chuyển mình

10:08, 28/08/2013

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Hội nghị lần thứ 7 - khóa X) và Kế hoạch 97 của Tỉnh ủy về “tam nông”, Đồng Nai đã gặt hái được một số thành quả không nhỏ.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Hội nghị lần thứ 7 - khóa X) và Kế hoạch 97 của Tỉnh ủy về “tam nông”, Đồng Nai đã gặt hái được một số thành quả không nhỏ.

Nông dân xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) sử dụng máy làm đất trong trồng lúa.
Nông dân xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) sử dụng máy làm đất trong trồng lúa.

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cuối năm 2008, thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn là 14 triệu đồng/người/năm, ước đến cuối năm 2013 sẽ đạt 32 triệu đồng/người/năm. Đồng thời, giá trị sản xuất trên 1 hécta đất nông nghiệp cũng tăng gần 2 lần so với cách đây 5 năm.

Thu nhập cao hơn

Ngay từ khi triển khai Nghị quyết 26 của Trung ương và Kế hoạch 97 của Tỉnh ủy về “tam nông”, tỉnh đã tìm ra bước đột phá để nâng cao đời sống cho người dân nông thôn là bắt đầu từ sản xuất. Do đó, ngay từ đầu, các sở, ngành, địa phương đã tập trung cho công tác vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống mới năng suất cao vào sản xuất và áp dụng khoa học để tăng năng suất, chất lượng. Kết quả, thu nhập trên 1 hécta đất nông nghiệp năm 2008 là 41,5 triệu đồng, đến năm 2013 khoảng 80 triệu đồng. Và từng bước hình thành các vùng chuyên canh cây trồng lớn về xoài, tiêu, sầu riêng, bưởi.

Đến nay, đã có gần 5 ngàn hécta cây trái, cây công nghiệp được nông dân đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm và bón phân qua đường ống. Mô hình này giúp nông dân tiết kiệm 40-50% lượng nước tưới và vào mùa khô giảm được áp lực thiếu nước tưới. Ngoài ra, hệ thống này giúp giảm 10-15% lượng phân bón hóa học, trong khi cây trồng được cung cấp nước, phân bón đầy đủ phát triển tốt, ít sâu bệnh nên chi phí đầu vào giảm, hạn chế công lao động trong khi năng suất cây trồng tăng cao.

Bà Đặng Thị Hiên, ấp 2, xã Suối Nho (huyện Định Quán), nói: “Trước kia, tôi chỉ trồng 2 vụ lúa/năm, năm nào trúng giá, được mùa chỉ lời hơn 20 triệu đồng/hécta/năm. Nhưng 2 năm lại đây, tôi chuyển qua trồng 2 vụ bắp, 1 vụ lúa/năm, lời trên 80 triệu đồng/hécta/năm. Giờ thì gia đình tôi đã có bát ăn bát để”.  Từ những thông tin phía ngành nông nghiệp, bà Hiên đã rời bỏ cách làm nông truyền thống, chuyển sang trồng bắp để phù hợp hơn với điều kiện thổ nhưỡng trong vùng.

Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cho biết: “Hiện nay, ngành nông nghiệp đã phối hợp xây dựng hoàn chỉnh quy trình trồng thâm canh các loại cây trồng chủ lực theo công nghệ cao và chuyển giao rộng rãi đến người sản xuất. Kết quả, một số nông dân áp dụng, đẩy năng suất cây trồng tăng từ 30-80%”. Cá biệt, có những hộ nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật đã đẩy năng suất tăng gấp hơn 2 lần.

“Trước đây, tôi canh tác tiêu theo phương pháp truyền thống, năng suất cao nhất chỉ đạt gần 4 tấn/héc ta/năm. Nhưng từ khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm và áp dụng kỹ thuật mới vào trong chăm sóc, năng suất tiêu của tôi đã tăng gấp 2,5 lần” - ông Trần Hữu Thắng, ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc), nói.

Nhân rộng mô hình tốt

Một trong những mô hình mang lại hiệu quả cao được nông dân trong tỉnh ứng dụng rộng rãi là tưới nước tiết kiệm. “Từ khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, năng suất xoài của tôi tăng thêm gần 10 tấn/hécta/năm. Lắp đặt hệ thống này còn giúp tôi giảm trên 80% công tưới, bón phân hóa học cho cây” - ông Nguyễn Văn Lời, xã Suối Cao (huyện Xuân Lộc) cho hay.

Cơ giới hóa dần các khâu trong sản xuất cũng là điểm mà tỉnh nhắm đến để tạo ra bước đột phá trong sản xuất. Với cây lúa, bắp, mì thì tỷ lệ làm đất bằng máy đạt từ 98-100%. Thông qua Trung tâm Khuyến nông, tỉnh đang hỗ trợ xây dựng các mô hình thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch bằng máy móc để giảm công lao động, bớt thất thoát nông sản và ít lệ thuộc vào thời tiết. Hiện mô hình này đang được chuyển giao nhân rộng. Ông Lê Văn Thịnh, ấp 3, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu), chia sẻ: “ Tôi có 3 hécta lúa, mấy năm trước cứ đến vụ thu hoạch phải chạy đôn chạy đáo tìm thợ. Nhưng giờ thì khỏe re, chỉ cần ngồi một chỗ gọi điện thoại cho chủ máy gặt đập liên hợp, họ đến cắt chừng một ngày là xong”.

Đột phá từ sản xuất giúp thu nhập của nông dân tăng, nên các phong trào khác, như: làm đường, điện, thủy lợi... vận động người dân cũng dễ dàng hơn. Theo ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Đồng Nai đang dẫn đầu các tỉnh Đông Nam bộ về phong trào xây dựng nông thôn mới. Dự kiến đến cuối năm 2013, toàn tỉnh sẽ có 12 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí của quốc gia.

Hương Giang

 

 

 

 

Tin xem nhiều