Những món rau dại mọc tự nhiên (gọi chung là rau rừng) vốn quen thuộc với người dân quê đang trở thành đặc sản thu hút thực khách thị thành. Ngày nay, người ta xem rau rừng như loại thực phẩm sạch giàu dinh dưỡng nên rất được ưa chuộng.
Những món rau dại mọc tự nhiên (gọi chung là rau rừng) vốn quen thuộc với người dân quê đang trở thành đặc sản thu hút thực khách thị thành. Ngày nay, người ta xem rau rừng như loại thực phẩm sạch giàu dinh dưỡng nên rất được ưa chuộng.
Dạo khắp các khu chợ lớn, nhỏ trong TP. Biên Hòa, dễ dàng bắt gặp những điểm chuyên bán các loại rau rừng, như: khổ qua rừng, lá chùm bao, rau bình bát, ớt rừng, đọt cóc, lá sung… Người bán thường từ các xã, huyện vùng sâu tự đi thu hái rồi chở lên bán cho người ở phố.
* Mùa rau rừng
Theo những người nhiều có kinh nghiệm trong nghề kinh doanh rau rừng, hiện nhiều loại rau mọc tự nhiên được bán quanh năm. Nhưng các loại rau này phong phú và tươi ngon nhất trong mùa mưa. Đa số rau rừng chỉ ăn lá hoặc ngọn, riêng giống khổ qua rừng ngoài lá và trái dùng để chế biến món ăn, thân và gốc cũng được tận dụng phơi khô, thành một loại trà đắng tốt cho sức khỏe người dùng. Tuy đây là những thứ rau có sẵn trong tự nhiên, người bán chỉ bỏ công thu hái, nhưng giá bán khá cao vì là loại rau không sản xuất đại trà mà thực khách thì ngày càng ưa chuộng.
Điểm bán các loại rau rừng của chị Phạm Thị Thúy tại chợ Tân Phong. |
Gian hàng bán các loại rau rừng của chị Nguyễn Thị Lý chỉ nằm gọn trong góc nhỏ trên tuyến đường chính vào chợ Tam Hòa (TP.Biên Hòa), bán các loại: măng rừng, khổ qua rừng, môn nước muối chua… nhưng luôn thu hút đông khách ghé thăm. Chị là tiểu thương chuyên bán các loại rau, hoa quả chở từ chợ quê ở huyện Cẩm Mỹ lên Biên Hòa. Khoảng 3 năm nay, mùa mưa nào chị cũng lặn lội lên chợ thành phố bán các loại rau rừng. Theo chị thì: “Ở quê các loại rau này rất sẵn, chẳng mấy ai mua, nhưng người thành phố lại rất chuộng nên mình bán được giá cao”. Mỗi chuyến hàng, chị Lý chở lên thành phố vài chục bó khổ qua rừng, vài ký lô dưa môn nước và trên chục ký lô măng tươi. Chị thường bán hết trong phiên chợ sáng để chiều kịp về hái đợt rau mới cho buổi chợ sau. “Nhờ những món rau mọc tự nhiên này, tôi có đủ tiền trang trải cho cuộc sống gia đình” - chị Lý chia sẻ.
Ông Huỳnh Đức Huệ, chủ Khu du lịch sinh thái Làng Bưởi (huyện Vĩnh Cửu), cho biết: “Thực đơn ở đây có nhiều món ăn sử dụng các loại rau, lá mọc tự nhiên. Món bánh tráng tép sông có cả chục loại rau rừng, như: lá điều, lá xoài, lá dừng, bằng lăng, lộc vừng, đinh lăng... Nhiều món phục vụ quanh năm, như: lẩu khổ qua rừng - cá thác lác, bông lục bình nấu lẩu đồng quê, canh tập tàng, rau rừng luộc thập cẩm… Một số món khách phải đặt trước mới có. Các loại rau này rất quen thuộc với người nông thôn, nhưng là đặc sản góp phần không nhỏ thu hút khách từ các đô thị lớn về đây thưởng thức”. |
Chị Phạm Thị Thúy, tiểu thương chuyên bán các loại rau rừng tại chợ Tân Phong (TP.Biên Hòa), giới thiệu: “Đang rộ mùa nên dây khổ qua rừng giá chỉ 15 ngàn đồng/kg, trái thì 35 ngàn đồng/kg; rau càng cua 10 ngàn đồng/kg; các loại rau bình bát, lá chùm bao giá 30 ngàn đồng/kg… Những thời điểm khan hàng, giá rau có thể cao hơn nhiều. Tuy bán giá cao hơn hẳn rau trồng nhưng người mua ngày càng chuộng các sản phẩm mọc tự nhiên này.” Chị cho biết thêm, 3 chị em gái trong gia đình đều theo nghề kinh doanh rau rừng. 2 người chị mười mấy năm nay chuyên bán ở chợ Biên Hòa. Họ không chỉ bán lẻ mà còn bỏ mối rau tươi cho các quán ăn, nhà hàng trong thành phố.
* Đặc sản quê
Ngày nay, nhiều loại rau rừng đã thành món đặc sản thu hút khách ở nhiều nhà hàng, quán ăn. Khách thành thị về các miệt Long Khánh, Cẩm Mỹ… thường được mời thưởng thức các món đặc sản, như: nấm mối, lẩu lá khổ qua rừng hoặc gỏi trái khổ qua rừng mà chỉ riêng xứ này mới có. Vài năm trở lại đây, thực đơn của nhiều quán ăn, nhà hàng ngay trong thành phố cũng không thiếu những món đặc sản rau rừng này. Và các loài rau lạ thường là điểm nhấn thu hút thực khách. Có quán còn bán những loại rau đặt hàng từ Tây Ninh, Bình Phước, như: đọt lụa, rau xá xị, tai voi, đọt báng... ăn kèm với thịt bò nhúng tái hoặc cuốn bánh tráng phơi sương.
Rau rừng được sử dụng phổ biến trong món bánh tráng cuốn phơi sương tại một quán ở TP. Biên Hòa |
Bà Thanh Trang, chủ nhà hàng Cây Dừa (TP. Biên Hòa), cho biết: “Nhà hàng sử dụng nhiều loại rau rừng làm gia vị hay chế biến thành món ăn chính, như: rau choại, lẩu khổ qua rừng. Nhiều loại rau rừng được ăn kèm trong món bò, bánh tráng cuốn, như: lá cóc, sao nhái, lộc vừng... Hiện nguồn cung cấp các loại rau rừng khá dồi dào, vừa khai thác ngay tại địa phương, vừa nhập về từ nhiều tỉnh, thành khác do chợ đầu mối ở TP.Hồ Chí Minh cung cấp”.
Bình Nguyên