Báo Đồng Nai điện tử
En

Những bất thường của thời tiết: Biện pháp phòng chống

10:08, 19/08/2013

Khoảng 5-6 năm gần đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) làm cho thời tiết ở Đồng Nai cũng như cả nước trở nên phức tạp, không còn tuân theo quy luật. Cụ thể là bão đến sớm và khó dự báo. Để giảm bớt thiệt hại do thời tiết, nhiều địa phương đang xây dựng kế hoạch phòng chống thiệt hại do thiên tai.

 

Khoảng 5-6 năm gần đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) làm cho thời tiết ở Đồng Nai cũng như cả nước trở nên phức tạp, không còn tuân theo quy luật. Cụ thể là bão đến sớm và khó dự báo. Để giảm bớt thiệt hại do thời tiết, nhiều địa phương đang xây dựng kế hoạch phòng chống thiệt hại do thiên tai.

Đường Hưng Đạo Vương (TP. Biên Hòa) sau cơn mưa ngày 9-7-2013.
Đường Hưng Đạo Vương (TP. Biên Hòa) sau cơn mưa ngày 9-7-2013.

Nếu năm 2012, cơn bão số 1 xuất hiện sớm vào đầu tháng 4 khiến nhiều địa phương trở tay không kịp thì năm 2013, trong tháng 1 đã xuất hiện bão và áp thấp nhiệt đới. Đến nửa đầu tháng 8 năm nay lại liên tiếp xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông. Các diễn biến thời tiết bất thường trên được các nhà khoa học lý giải do ảnh hưởng của BĐKH. Đặc biệt, trong đầu tháng 8-2013, bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện cùng lúc gây thiệt hại kép cho nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

* Thời tiết ngày càng cực đoan

Theo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, trong 4-5 năm lại đây do ảnh hưởng của BĐKH thời tiết diễn biến cực đoan và khó lường, tình hình tai nạn, sự cố ngày càng phức tạp, song do có sự chỉ đạo trực tiếp, kịp thời từ Chính phủ và sự nghiêm túc, chủ động của các bộ, ngành, địa phương trong công tác ứng phó nên đã hạn chế được nhiều thiệt hại về người. Năm 2012 so với năm 2011, số vụ thiên tai tăng 24%, song số người chết giảm được 17% (tương đương 136 người) và số người được cứu tăng 2 ngàn người.

Tại Đồng Nai, khoảng 5 năm lại đây thời tiết có nhiều thay đổi bất thường. Cụ thể, mưa lớn thường xuất hiện nhiều ở khu vực TP. Biên Hòa, huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch và một nửa huyện Long Thành - khu vực giáp với TP.Biên Hòa. Lượng mưa phân bố không đều dẫn đến tình trạng nơi thì mưa ngập đường gây lụt lội, nơi vẫn thiếu nước để sản xuất. Vùng có mưa ít là các huyện Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán. Chỉ từ cuối tháng 7-2013 đến nay, các vùng này mới có một số cơn mưa lớn, còn trước đây mưa rất ít gây tình trạng thiếu nước cho sản xuất ở một vài khu vực. Trong các cơn mưa thường xuất hiện dông, lốc xoáy làm tốc mái sập nhiều căn nhà của người dân.

Tuy mới vào giữa mùa mưa nhưng tỉnh đã có kế hoạch cho phòng chống hạn hán trong mùa khô 2013-2014. Vì theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Nai, mưa lớn chỉ tập trung nửa đầu mùa mưa, nửa cuối mùa mưa lượng mưa sẽ giảm. Năm nay, nhiệt độ trung bình cao hơn so với cùng kỳ năm 2012 nên khả năng hạn hán trong mùa khô tới sẽ khốc liệt hơn. Vì thế, tỉnh yêu cầu các huyện, thị xây dựng kế hoạch và dự trù kinh phí phòng chống hạn trong mùa khô, kịp thời xử lý khi xảy ra hạn hán. Ngoài ra, phải tiến hành xây dựng công trình khai thác nước mặt, nước ngầm phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất. Các địa phương cần vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp nhằm tiết kiệm nguồn nước.

Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, năm nay giữa tháng 3 đã xuất hiện dông, lốc làm tốc mái, sập gần 20 căn nhà ở huyện Tân Phú. Điều này trước đây rất ít khi xảy ra vì tháng 3 vẫn đang trong mùa khô, cho thấy diễn biến thời tiết trong tỉnh ngày càng bất thường và cực đoan. Để hạn chế thiệt hại do thời tiết mang lại xuống mức thấp nhất, ngay từ đầu mùa mưa, UBND tỉnh đã có chỉ thị yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động trong công tác phòng chống lụt bão.

Bên cạnh việc đề ra các giải phải phòng chống bão lụt, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương có biện pháp khắc phục hạn hán trong mùa khô. Bởi BĐKH làm cho mùa mưa thì bão, áp thấp nhiệt đới nhiều và khó lường, còn trong mùa khô thì nhiệt độ ngày càng tăng, gây ra hạn hán ở nhiều vùng cao ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của hàng ngàn hộ dân.

* Giải pháp

Nếu cả năm 2012, chỉ có 11 cơn bão vào biển Đông và khoảng 5 cơn ảnh hưởng đến Việt Nam thì năm nay mới giữa tháng 8 đã có 7 cơn bão và 3 cơn áp thấp xuất hiện trên biển Đông, trong đó có 3 cơn vào Việt Nam, còn lại bão gián tiếp gây mưa lũ tại các tỉnh phía Bắc và gây biển động dữ dội.

Nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm tiết kiệm nguồn nước.
Nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm tiết kiệm nguồn nước.

Tại Đồng Nai, chưa có cơn bão, áp thấp nào đổ bộ vào, song có một số cơn bão gây mưa lớn và kèm theo dông lốc, lũ quét gây thiệt hại không nhỏ về tài sản. Theo ông Nguyễn Phước Huy, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Nai, từ nay đến hết mùa mưa khả năng còn xuất hiện khoảng 6 cơn bão trên biển Đông. Lũ chính vụ trên sông Đồng Nai xuất hiện vào tháng 9, tháng 10. Để hạn chế rủi ro do bất thường của thời tiết, tỉnh đã có chỉ thị chỉ đạo Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban thường xuyên trong mùa mưa (1-5-2013 đến 31-12-2013). Các địa phương phải báo cáo kịp thời về tình hình mưa, bão, lốc xoáy, thiên tai trên địa bàn về tỉnh.

Ngoài ra, các địa phương lập kế hoạch, phương án phòng chống lũ bão, thiên tai và tập huấn cho lực lượng cán bộ tham gia công tác phòng chống thiên tai từ cấp tỉnh xuống cấp xã. Đồng thời, chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết để khi xảy ra bất lợi về thời tiết kịp thời ứng phó và cứu hộ, cứu nạn. Trong đó, các địa phương phải chủ động lực lượng ứng phó theo phương châm tại chỗ.

Uyển Nhi

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích