Làm ăn thua lỗ, nhiều chủ doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã lẳng lặng xách vali về nước. Chuyến hồi hương “một đi không trở lại” của các ông chủ này đã gây ra không ít khó khăn cho cơ quan quản lý và người ở lại.
Làm ăn thua lỗ, nhiều chủ doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã lẳng lặng xách vali về nước. Chuyến hồi hương “một đi không trở lại” của các ông chủ này đã gây ra không ít khó khăn cho cơ quan quản lý và người ở lại.
Chủ Công ty I.S.A ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 đã vắng mặt đúng 1 năm nay nhưng chưa có hướng xử lý. |
Chỉ còn vài tháng nữa là tròn 10 năm, ông chủ Công ty TNHH xây dựng Koravina ở Khu công nghiệp (KCN) Sông Mây, huyện Trảng Bom “mất tích”. DN này là một trong các DN tại Đồng Nai đã “chết” khá lâu nhưng vẫn không “chôn” được.
* Đi không hẹn ngày về
Tình trạng vắng chủ như Công ty TNHH xây dựng Koravina không phải là cá biệt. Năm 1997, dự án Công ty kỹ nghệ Haileck chuyên thiết kế, chế tạo, lắp đặt hệ thống bồn chứa hóa chất, hóa dầu và đường ống được đầu tư tại KCN Nhơn Trạch 1 với số vốn đăng ký 2 triệu USD, đến năm 2010 thì chủ đầu tư mất tích.
Tương tự, năm 2006, Công ty TNHH nhựa Richway, chuyên sản xuất các loại bao bì từ nhựa vào KCN Nhơn Trạch 3 đầu tư với số vốn đăng ký là 3 triệu USD, tới năm 2010 thì chủ DN cũng về nước, đến nay vẫn không thể liên lạc được. Có những công ty chỉ hoạt động được 1 năm thì chủ DN cũng bặt vô âm tín, điển hình như Công ty TNHH Eag Vina, năm 2011 đầu tư vào KCN Agtex Long Bình, nhưng đến năm 2012 chủ DN cũng lặng lẽ về nước khiến cơ quan quản lý “mất dấu”.
Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho biết, tính đến 31-7-2013, các KCN của tỉnh có 30 dự án FDI rơi vào tình trạng vắng chủ với tổng vốn đầu tư 91 triệu USD, số lao động bị ảnh hưởng trên 2 ngàn người. Trong đó, 27 dự án ngừng hoạt động không thông báo hoặc có thông báo nhưng sau đó chủ đầu tư bỏ về nước. Trong số này có dự án thanh lý dở dang, có dự án không còn tài sản; dự án vắng chủ đã bị xử lý toàn bộ tài sản nhưng còn các khoản nợ khác chưa thanh toán và dự án kinh doanh thua lỗ, chủ động đề nghị tuyên bố phá sản nhưng tòa án từ chối thụ lý do không cung cấp đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu và chủ đầu tư đã bỏ về nước.
* “Chết” mà không thể “chôn”
Vướng mắc chung hiện nay là luật pháp chưa có quy định về xử lý dự án vắng chủ. Vấn đề này, Ban Quản lý các KCN tỉnh và UBND tỉnh đã nhiều lần kiến nghị Bộ Kế hoạch - đầu tư sớm có hướng dẫn, nhưng do liên quan đến Luật Phá sản, Luật Dân sự nên vẫn chưa có hướng xử lý.
Tháng 10-2012, Bộ Kế hoạch - đầu tư có văn bản trả lời UBND tỉnh. Theo đó, với những dự án FDI vắng chủ, đã xử lý về đất đai và tài sản thông qua các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án và cơ quan thi hành án, đã tổ chức bán đấu giá tài sản thì đối chiếu với giấy chứng nhận đầu tư và cam kết của nhà đầu tư để xem xét chấm dứt dự án theo quy định của Luật Đầu tư.
Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, tính chung cả nước, đến hết tháng 5 đã có 518 DN FDI “vắng chủ”. Tổng số vốn đầu tư đăng ký tại các DN, dự án này là khoảng 903 triệu USD. Trong đó, hai địa phương “đầu tàu” là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh dẫn đầu số DN FDI bỏ trốn với lần lượt là 105 và 166 DN. Phần lớn các DN này đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc có quy mô nhỏ dưới 500 ngàn USD và thuê lại nhà xưởng của các nhà đầu tư khác mà không có hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản. |
Tuy nhiên, các trường hợp này ở tỉnh lại không nhiều, bởi đa số các dự án vắng chủ không xử lý được do chủ đầu tư bỏ về nước khi DN chưa được xử lý về tài sản, pháp nhân nên việc đăng ký cho dự án khác vào vị trí đó không thực hiện được. Nếu áp dụng thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do không hoạt động liên tục trong 12 tháng theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì lại không thực hiện được thủ tục thanh lý bắt buộc, vì không gửi được quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư cho chủ dự án. Các dự án vắng chủ đã bị xử lý toàn bộ tài sản thông qua tòa án nhưng còn các khoản nợ khác đối với người lao động, cơ quan Nhà nước, khách hàng có trị giá lớn lại không thể xử lý nên cũng không yêu cầu DN giải thể được.
Bên cạnh đó, có những DN chủ động đề nghị tuyên bố phá sản nhưng tòa án lại từ chối thụ lý với lý do các báo cáo kiểm toán chưa hợp lệ, vì không có bằng chứng đầy đủ về hàng tồn kho, nguyên vật liệu, nợ phải đòi tại thời điểm kiểm toán. Bị từ chối tiếp nhận hồ sơ theo thủ tục phá sản, DN không biết phải xử lý như thế nào, chủ đầu tư bỏ về nước, không thực hiện chấm dứt dự án. Một lãnh đạo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, cho biết hiện Ban Quản lý các KCN tỉnh cũng đã đưa ra một số đề xuất gửi Bộ Kế hoạch - đầu tư để xem xét phương án xử lý...
Vân Nam