Dự án Lifsap (dự án nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm) có tổng vốn đầu tư trên 6 triệu USD với mục tiêu tài trợ vốn nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm thịt an toàn từ trang trại đến bàn ăn.
Dự án Lifsap (dự án nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm) có tổng vốn đầu tư trên 6 triệu USD với mục tiêu tài trợ vốn nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm thịt an toàn từ trang trại đến bàn ăn.
Dự án Lifsap được triển khai tại Đồng Nai từ năm 2010 và dự tính sẽ kết thúc vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, nếu thực hiện tốt dự án có thể được kéo dài và tăng thêm nguồn vốn.
* Chưa mặn mà
Lifsap là dự án về chăn nuôi lớn nhất từ trước đến nay của Đồng Nai. Nguồn vốn chủ yếu của dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Lifsap được triển khai trên địa bàn tỉnh với các hoạt động hỗ trợ chăn nuôi nông hộ, hỗ trợ đầu tư xây dựng và nâng cấp các cơ sở giết mổ theo quy hoạch, nâng cấp khu bán thực phẩm tươi sống tại các chợ và triển khai khu thí điểm chăn nuôi tập trung.
Chợ Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) là một trong 9 chợ được Dự án Lifsap đầu tư hoạt động có hiệu quả. |
Sau hơn 3 năm, dự án đã hỗ trợ xây dựng xong khu thực phẩm tươi sống cho 17 chợ và 3 lò giết mổ. Dự kiến đến cuối kỳ, Lifsap sẽ hỗ trợ nâng cấp khu thực phẩm tươi sống của 34 chợ và 37 lò giết mổ. Cơ sở giết mổ mới được hình thành là điều kiện để sắp xếp hoạt động giết mổ nhằm đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch trên địa bàn. Dù được hỗ trợ nguồn kinh phí lớn, nhưng các địa phương chưa mấy “mặn mà”.
Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, nói: “Dự án đã hỗ trợ làm khu thực phẩm tươi sống của 17 chợ, nhưng chỉ 50% hoạt động đạt yêu cầu. Còn lại do địa phương chưa quản lý tốt, dẫn tới sử dụng kém hiệu quả, như: chợ Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), Bảo Vinh, Xuân Tân (TX. Long Khánh)...”. Ông Báu cũng cho biết thêm, hiện dự án Lifsap đã hỗ trợ xây dựng 3 lò giết mổ. Nhưng do nhiều địa phương chưa quản lý nghiêm việc giết mổ trái phép, dẫn đến mỗi lò chỉ giết mổ được từ 15-40 con/ngày, trong khi công suất các lò lên đến 200-250 con/ngày/lò. Đây chính là tiền lệ xấu để các cơ sở khác không muốn đầu tư xây dựng lò giết mổ, dù được hỗ trợ đến 30 ngàn USD/lò.
* Không nhanh sẽ mất cơ hội
Dự án Lifsap là cơ hội để các huyện, thị, thành tranh thủ nguồn vốn đầu tư, nâng cấp các cơ sở giết mổ, các chợ cho phù hợp với quy hoạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, cần tận dụng cơ hội, vận động người dân sớm hoàn thành hồ sơ để được hưởng hỗ trợ.
Tổng kinh phí của dự án Lifsap là 6,4 triệu USD (tương đương gần 130 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, dự án mới giải ngân được hơn 35 tỷ đồng cho xây dựng 17 chợ, 3 lò giết mổ, một số hộ chăn nuôi làm hầm biogas và tập huấn cho cán bộ thú y, hộ chăn nuôi. |
Ông Huỳnh Thành Vinh, Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, cho biết: “Thời gian qua, huyện mới vận động được 2 hộ đồng ý làm lò giết mổ. Tới đây, khi 2 lò này xây dựng xong, huyện sẽ dẹp hết lò giết mổ lậu trong khu vực để không xảy ra tình trạng các lò chịu thua lỗ như ở Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, TX. Long Khánh”. Cũng theo ông Vinh, nếu dẹp được các lò giết mổ lậu, các lò mổ đạt yêu cầu sử dụng hết công suất thì các hộ khác sẽ mạnh dạn đầu tư làm lò giết mổ hơn. “Trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều lò giết mổ lậu. Có những lò bị bắt xử phạt 4 lần/tháng vẫn không dẹp được. Tới đây, huyện sẽ tăng cường dẹp cơ sở giết mổ lậu và tận dụng nguồn vốn hỗ trợ của Lifsap để làm thêm các lò giết mổ đạt chuẩn” - bà Trương Thị Kim Nương, Phó phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Cẩm Mỹ cho hay. Chính vì các địa phương còn để tồn tại quá nhiều lò giết mổ lậu, nên những hộ có ý định đầu tư lò giết mổ hợp quy hoạch không dám mạnh dạn đầu tư.
Thời gian còn lại của dự án Lifsap là hơn 2 năm. Trong khoảng thời gian này, các địa phương quan tâm vận động các tiểu thương, các chủ lò mổ có thể tận dụng nguồn vốn làm thêm hơn 10 chợ và 34 lò giết mổ đạt tiêu chuẩn. Hoàn thành đúng tiến độ, khả năng dự án có thể nâng thêm nguồn vốn và thời gian đầu tư.
Hương Giang