Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các nước trong liên minh châu Âu (EU) đang trong vòng đàm phán, dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2016. Từ đây đến lúc đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU vẫn có thể tận dụng các ưu đãi về thuế quan thông qua Quy chế GSP (quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập mới của EU).
Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các nước trong liên minh châu Âu (EU) đang trong vòng đàm phán, dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2016. Từ đây đến lúc đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU vẫn có thể tận dụng các ưu đãi về thuế quan thông qua Quy chế GSP (quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập mới của EU). Phóng viên Báo Đồng Nai đã trao đổi với ông Claudio Dordi, Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn dự án EU-MUTRAP (dự án Hỗ trợ thương mại đa biên) về GSP và những cơ hội tại thị trường châu Âu.
Phóng viên: Những thông tin mới nào mà doanh nghiệp (DN) cần tiếp cận, thưa ông?
- Ông Claudio Dordi: Quy chế GSP (quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập mới của EU) sửa đổi đã được công bố chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2014, tạo thuận lợi cho hàng hóa của các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam nhằm tiếp cận thị trường EU. Theo đó, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách được hưởng ưu đãi GSP của EU với số lượng các dòng thuế được hưởng ưu đãi tăng lên. Thông tin mới thứ 2 là từ năm 2017, có thể một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, như: giày da, dệt may, cà phê… sẽ đạt trình độ “trưởng thành” (thị phần xuất khẩu một mặt hàng của một nước vượt qua mức 17,5% so với tổng thị phần của tất cả các nước được hưởng GSP xuất khẩu sang EU trong cùng ngành hàng) và không còn được hưởng ưu đãi thuế.
Như vậy, vào năm 2017 những ngành chủ lực của Việt Nam đã “trưởng thành” sẽ không còn được hưởng ưu đãi thuế ở thị trường EU. Theo ông, điều này có bất lợi cho xuất khẩu của Việt Nam?
- Theo tôi mối lo là không lớn, vì đơn cử như ngành giày da đã đạt trạng thái “trưởng thành”, nhưng vẫn tiếp tục gia tăng về xuất khẩu. Mặt khác, nếu Hiệp định FTA Việt Nam - EU kết thúc đàm phán đúng như dự kiến, thì khi GSP hết hiệu lực cũng là lúc FTA chính thức áp dụng và Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng các ưu đãi thuế quan mới.
Điểm mấu chốt DN cần quan tâm là thủ tục xác định, kiểm soát xuất xứ hàng hóa sẽ thay đổi từ năm 2017. DN xuất khẩu phải có trách nhiệm tự khai báo, đưa chứng nhận xuất xứ hàng hóa và phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo từ EU. DN phải nhận thức rõ điều này để chuẩn bị cho những thay đổi đó.
Những quy định mới của EU mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu Việt Nam sang thị trường này. Trong ảnh: Sản xuất giày dép tại Công ty TNHH Bình Tiên (TP. Biên Hòa). |
EU có những yêu cầu rất khắt khe về chất lượng và tiêu chuẩn hàng hóa, ông có lời khuyên gì cho DN Việt trong vấn đề này?
Theo ông Claudio Dordi, kinh tế thế giới là bức tranh động, DN phải lưu ý liên tục cập nhật để nắm tình hình và luôn thay đổi, sẵn sàng thích ứng. DN phải tích cực lên tiếng, gởi thư đề xuất, chuyển tải nhu cầu của mình thật cụ thể đến Chính phủ, để tiếng nói của DN được lắng nghe và đưa vào nội dung đàm phán ký kết ở các hiệp định quan trọng, chẳng hạn FTA. |
- Liên minh EU đề ra hàng rào kỹ thuật cũng như những tiêu chuẩn là để bảo vệ người tiêu dùng và nền sản xuất của họ. Thực tế, nhiều sản phẩm của Việt Nam, như: giày da, dệt may… xuất khẩu sang EU với tỷ trọng ngày càng tăng cho thấy DN Việt đã có trình độ, năng lực nhất định để đáp ứng quy định này. Tuy nhiên, chúng ta phải tiếp tục cải thiện năng lực và môi trường sản xuất trong những ngành chủ lực. Điều đó không chỉ giúp hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU thuận lợi hơn mà còn cải thiện nền sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Ông có góp ý gì cho DN Việt trong việc nắm bắt cơ hội từ những quy định mới của EU?
- EU đã nhập khẩu quá đủ hàng từ Trung Quốc. Và việc quốc gia này không còn được hưởng ưu đãi thuế là lợi thế cho Việt Nam. Đối thủ cạnh tranh với Việt Nam hiện nay chính là các nước kém phát triển, như: Lào, Campuchia, Myanmar… vì họ được hưởng ưu đãi nhiều hơn, quy định xuất xứ lỏng lẻo hơn. Ví dụ với ngành dệt may, quy tắc xuất xứ với Việt Nam áp dụng ngay từ khâu sợi, trong khi các quốc gia kém phát triển hơn thì được nhập vải để sản xuất. Họ được nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài với tỷ lệ 70% và vẫn được cho là sản xuất nội địa, trong khi Việt Nam chỉ ở mức 50%. Tuy nhiên, Việt Nam có thể tận dụng quy định mới về cộng gộp xuất xứ để có thể hưởng ưu đãi trong quy định này.
Xin cảm ơn ông!
Bình Nguyên (thực hiện)