Báo Đồng Nai điện tử
En

Chưa dám mạnh tay đầu tư Cảng Gò Dầu

09:08, 26/08/2013

Nằm trong nhóm cảng sôi động, Cảng Gò Dầu (ở xã Phước Thái, huyện Long Thành) đang được Công ty cổ phần cảng Đồng Nai đầu tư mở rộng để đáp ứng nhu cầu thông thương hàng hóa.

Nằm trong nhóm cảng sôi động, Cảng Gò Dầu (ở xã Phước Thái, huyện Long Thành) đang được Công ty cổ phần cảng Đồng Nai đầu tư mở rộng để đáp ứng nhu cầu thông thương hàng hóa. Mặc dù chủ động đầu tư nhưng doanh nghiệp (DN) cũng chưa dám “mạnh tay”, bởi nơi đây vẫn còn hạn chế luồng tàu (đường đi của tàu) do chưa đủ độ sâu.

Tàu vào nhận hàng ở Cảng Gò Dầu A.
Tàu vào nhận hàng ở Cảng Gò Dầu A.

Cảng biển của cả nước được chia thành 9 nhóm, nhóm cảng biển sôi động nhất hiện nay là cảng biển nhóm 5, gồm: TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai.

* Vùng trọng điểm

Trong quy hoạch và phát triển cảng biển, Chính phủ đã đánh giá khu vực cảng biển nhóm 5 giữ vai trò quan trọng trong việc thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu. Đây là nơi tạo động lực phát triển kinh tế cho không chỉ vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ mà còn cả nước. Tuyến vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu của nhóm cảng này đi thẳng sang hai bờ Đông, Tây nước Mỹ và châu Âu. Đây là hai thị trường lớn cho tiêu thụ hàng xuất khẩu của Việt Nam. Nhịp độ tăng trưởng hàng hóa qua trong nhóm cảng này luôn nằm ở mức cao nhất trong cả nước.

Đầu tháng 8-2013, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý nội dung Đề án nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các cảng biển thuộc Nhóm cảng biển Đông Nam bộ (nhóm số 5) và các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải của Bộ Giao thông - vận tải.

Theo quy hoạch, cảng biển nhóm 5 gồm: cụm cảng khu vực TP.Hồ Chí Minh; cụm cảng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và cụm cảng khu vực Đồng Nai. Trong đó, cụm cảng Đồng Nai phần đông là các cảng chuyên dụng phục vụ chủ yếu cho các nhà máy, cơ sở sản xuất và các khu công nghiệp của tỉnh. Cụm cảng này bao gồm: sông Đồng Nai khu cảng Đồng Nai; đoạn sông Đồng Nai và sông Lòng Tàu - Nhà Bè khu cảng Phú Hữu; sông Lòng Tàu và sông Đồng Tranh khu cảng Ông Kèo; sông Thị Vải là khu cảng Gò Dầu A, B và khu cảng Phước An.

* Đắn đo đầu tư

Bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai, cho biết cùng với việc thực hiện mở rộng Cảng Đồng Nai, công ty cũng đang triển khai dự án mở rộng Cảng Gò Dầu B thêm 16 hécta,  xây dựng 1 bến tàu có tải trọng 15 ngàn DWT (đơn vị trọng tải tàu biển) nối dài với bến tàu hiện hữu (15 ngàn DWT); cầu tàu chính dài hơn 200m với số vốn đầu tư  hơn 318 tỷ đồng. Cũng theo bà Mai, băn khoăn của DN hiện nay là luồng tàu hiện vẫn chưa được Bộ Giao thông - vận tải nạo vét để cho tàu có trọng tải 30 ngàn DWT vào được. Bà Mai nói: “Trong vận tải đường thủy hiện nay, thực tế tàu 30 ngàn DWT mới mang lại hiệu quả cao, còn tàu 15 ngàn DWT hiện tại sức cạnh tranh không còn hiệu quả nữa. Chúng tôi rất mong muốn đầu tư cảng cho loại tàu 30 ngàn DWT, nhưng đầu tư xong phải có luồng vào, nếu không sẽ không đạt được hiệu quả nên cũng khá cân nhắc”.

Không chỉ còn “kẹt” luồng tàu mà Cảng Gò Dầu hiện nay có đủ hệ thống phao tiêu, đèn, biển báo, nhưng việc cho tàu chạy đêm vào cảng lại không thực hiện được do hoa tiêu không cho phép, ngại con nước ở đây không đảm bảo. Ông Đỗ Văn Sâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai, cho hay có những loại hàng có thể làm xong trong đêm, nhưng tàu 5 giờ chiều không cho vào cảng nên xem như đêm hôm đó mất luôn một chuyến hàng. Chính vì vậy, việc trông đợi vào dự án nâng cấp luồng tàu ở đây được Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai rất quan tâm.

Vân Nam

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều