Thanh Sơn là một xã nghèo trên địa bàn huyện Tân Phú. Một trong những nghề thủ công truyền thống của xã là đan bội (sọt) tre.
Thanh Sơn là một xã nghèo trên địa bàn huyện Tân Phú. Một trong những nghề thủ công truyền thống của xã là đan bội (sọt) tre. Những năm trước, nghề này phát triển khá mạnh, từng thành lập tổ hợp tác sản xuất, hàng được bán cả trong nước lẫn xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện nay, các sản phẩm thay thế cho bội tre ngày càng nhiều, nghề đan lát ở Thanh Sơn dần mai một và có nguy cơ mất hẳn.
Nghề đan bội tre ở Thanh Sơn đã có từ rất lâu, từng là nghề thủ công chính mang lại thu nhập ổn định, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo. Nguyên liệu đan bội ở đây là cây lồ ô, cây mum… lấy tại rừng gần khu vực xã Thanh Sơn và một phần từ các đầu mối ở Lâm Đồng.
* Một thời hưng thịnh
Ông Phạm Ngọc Thinh, ấp Đa Tôn, xã Thanh Sơn, người có hơn 40 năm trong nghề đan bội, nói: “Ngày trước, nghề này thịnh lắm, hầu như cả làng ai cũng biết. Nó không chỉ mang lại thu nhập mà còn là nghề truyền thống của địa phương”.
Đan bội tre ở Thanh Sơn. |
Nghề đan bội tre trước đây rất đông người tham gia, sản phẩm làm ra, bao gồm: bội dùng để úp gà, loại đựng trái cây với nhiều kích cỡ khác nhau, loại lớn nhất có thể chứa được cả tạ trái cây, loại nhỏ thì vài ba chục ký. Vào mùa xoài, mùa quýt, mùa nhãn hay mùa chôm chôm, mãng cầu, hàng làm ra không kịp để bán. Không chỉ tiêu thụ ở địa phương, các sản phẩm còn được bán sang các huyện lân cận, như: Định Quán, Long Khánh, Thống Nhất... thậm chí có cả thương lái từ các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận đến đặt hàng.
Tổ hợp tác đan bội tre xã Thanh Sơn được thành lập vào năm 2000. Ngành nghề chính là đan bội tre phục vụ cho việc đóng các loại trái cây để vận chuyển đi xa giúp trái cây tránh bị dập nát. Ngoài ra, tổ hợp tác còn có những sản phẩm phụ, như: bội úp gà và một số sản phẩm khác bằng tre. Do thiếu nguyên liệu và khó cạnh tranh nên tổ hợp tác giải thể năm 2006. Đến nay chỉ còn lại hơn 10 thành viên bám nghề phục vụ cho nhu cầu trong vùng và một số xã lân cận. |
Hưng thịnh nhất của nghề này chính là lúc nơi đây thành lập Tổ hợp tác mây tre đan xã Thanh Sơn, cách nay hơn 10 năm. Ông Lê Công Trứ, một trong ít hộ còn bám nghề này tại ấp Đa Tôn, chia sẻ: “Thời gian trước, các công ty thường đến đặt hàng với số lượng lên đến cả trăm ngàn cái/tháng để xuất khẩu, nhờ vậy cuộc sống của người dân khấm khá hơn hẳn, nhiều khi chúng tôi phải làm cả ngày lẫn đêm mới đủ cho đơn hàng”.
* Thiếu tính toán lâu dài
Ông Thinh cho biết, mỗi ngày một người đan được 5 cái bội úp gà, trung bình mỗi sản phẩm bỏ mối được 30 ngàn đồng, nguyên vật liệu hết 18 ngàn đồng, lãi được 12 ngàn đồng bao gồm cả công đan. Bội trái cây làm nhanh và đơn giản thì lời ít hơn, trừ chi phí còn lời được 600đồng/sản phẩm, người nhanh tay có thể đan được 160 bội/ngày. Nếu sản xuất đều thì thu nhập cũng khá ổn định. Tuy nhiên, sản xuất bội hiện khá bấp bênh, đầu ra của sản phẩm còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào vụ mùa trái cây.
Ông Lê Công Trứ chuẩn bị xuất hàng. |
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Sơn, sự tan rã của tổ hợp tác đan bội tre ở đây có rất nhiều nguyên nhân, như: nguồn nguyên liệu tự nhiên từ rừng đã cạn kiệt do người dân khai thác bừa bãi, giá nguyên liệu cao, sự xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm mới thay thế có độ bền cao (bội sắt, thùng nhựa, thùng gỗ)... thay thế các sản phẩm bội tre.
Giờ đây, làng nghề đan bội tre tại xã Thanh Sơn chỉ còn hơn 10 hộ bám nghề, rải rác ở các ấp Đa Tôn, Thanh Quang. Những người còn gắn bó với nghề này là những gia đình không có ruộng rẫy, người già, phụ nữ. Nhiều người đã bỏ nghề, tìm tới những mô hình kinh tế khác có thu nhập cao hơn.
Phú Lâm - Minh Thùy