Công ty cổ phần vận tải Sonadezi đang triển khai thí điểm mô hình bán vé tự động trên 3 tuyến xe buýt nội thành, gồm các tuyến số 6, 7 và 8. Mục tiêu của đơn vị nhằm chuyên nghiệp hóa việc tổ chức bán vé và hạn chế tiêu cực. Nhưng khi đưa vào thực tế, mô hình này đã bộc lộ nhiều nhược điểm.
Công ty cổ phần vận tải Sonadezi đang triển khai thí điểm mô hình bán vé tự động trên 3 tuyến xe buýt nội thành, gồm các tuyến số 6, 7 và 8. Mục tiêu của đơn vị nhằm chuyên nghiệp hóa việc tổ chức bán vé và hạn chế tiêu cực. Nhưng khi đưa vào thực tế, mô hình này đã bộc lộ nhiều nhược điểm.
Tài xế vừa lái xe vừa đếm tiền thối cho khách tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. |
Do bán vé tự động nên mỗi chuyến chỉ cần một tài xế điều khiển xe, hành khách phải bỏ tiền vào thùng và tự xé vé. Nhưng do khách còn lạ lẫm với hình thức mới này nên tài xế đang phải kiêm nhiều việc: xé vé, thối tiền, điều khiển xe, thông báo trạm dừng cho khách…
* Nhiều rắc rối phát sinh
Để tìm hiểu về mô hình bán vé xe buýt tự động, phóng viên Báo Đồng Nai đã theo suốt hành trình của tuyến xe buýt số 7 (đi từ Bến xe Biên Hòa đến Bến xe Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) - tuyến đầu tiên được chọn làm thí điểm và đã có 6 tháng thử nghiệm. Suốt tuyến, gần 30 khách lên xe nhưng đa số đều cầm tiền đưa thẳng cho tài xế, nhiều người không quan tâm đến việc lấy vé. Điều tương tự cũng xảy ra với các tuyến số 6 và số 8, thậm chí nhiều khách không biết đây là tuyến xe bán vé tự động.
Từ tháng 1-2013, mô hình bán vé xe buýt tự động được Công ty cổ phần vận tải Sonadezi đưa vào thử nghiệm với tuyến xe buýt số 7. Đến tháng 5, 2 tuyến số 6 và 8 cũng được lắp hệ thống máy này. Như vậy, cả 3 tuyến buýt nội ô được trợ giá với tổng số 26 xe đang hoạt động đều được lắp đặt hệ thống máy bán vé tự động. Mỗi tuyến trung bình có khoảng 92 lượt xe đi về/ngày. Tổng lượng hành khách vận tải của cả 3 tuyến đạt 2,7 triệu lượt khách/năm. |
Ông Lê Xuân Trường, ngụ tại phường Bửu Hòa (TP. Biên Hòa) khá bức xúc sau một lần đi xe buýt bán vé tự động. Vị khách này phản ánh: “Đó là một chuyến xe lộn xộn và nguy hiểm. Một mình tài xế phải kiêm nhiệm tất cả công việc xé vé, thu tiền, thối tiền... Do không thể dừng xe tại bến quá lâu, bác tài phải tranh thủ vừa điều khiển bánh lái, vừa đếm tiền thối cho khách. Ở đây, vấn đề đảm bảo lưu thông an toàn chưa được quan tâm đúng mức khi triển khai việc bán vé tự động”.
Một số tài xế xe buýt cũng thừa nhận, họ vất vả, căng thẳng hơn nhiều khi thử nghiệm mô hình mới này vì phải cùng lúc kiêm nhiệm nhiều việc. Những sai sót và áp lực khiến họ có khi tỏ thái độ khó chịu với khách là điều khó tránh khỏi. Nhất là giờ cao điểm, khách tràn lên xe, việc kiểm soát số tiền khách bỏ vào thùng, lượng vé đã xé là điều không dễ.
Ông Trần Phước Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần vận tải Sonadezi, cho biết: “Tình trạng tiêu cực, gian lận về số lượng hành khách ngày càng phổ biến. Mô hình máy bán vé tự động này do DN tự thiết kế với thùng bán vé, hệ thống camera, hệ thống phát thanh để hướng dẫn, tuyên truyền cho khách. Ứng dụng này không chỉ hạn chế nạn gian lận vé mà còn góp phần hình thành văn hóa giao thông của người đi xe buýt”. Theo ông Phước Anh, do trong thời gian thử nghiệm nên vẫn có một số bất cập cần tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh. Trong đó, những sai phạm như hành khách đã phản ánh sẽ bị xử lý nghiêm.
* Hành khách cũng phải… tự động
Mô hình bán vé xe buýt tự động có khá nhiều yêu cầu dành cho hành khách, như: phải chuẩn bị sẵn tiền lẻ, có ý thức chủ động bỏ tiền vào thùng và tự xé vé, tự sắp xếp chỗ ngồi (phải có ý thức ưu tiên cho người già, trẻ em, phụ nữ mang thai)... Với những trường hợp khách trả tiền mệnh giá lớn, tài xế có quyền yêu cầu khách xuống đổi tiền lẻ và bắt chuyến sau.
Máy bán vé tự động bị bỏ quên. |
“Để phát triển dịch vụ vận tải công cộng theo hướng văn minh, hiện đại, không chỉ dựa vào nỗ lực từ phía DN vận tải mà cần sự chung tay của toàn xã hội. Văn hóa giao thông phải được xây dựng từ 2 phía, người phục vụ và người được phục vụ. Chỉ một việc nhỏ như thói quen luôn yêu cầu được nhận vé khi trả tiền xe là khách đang bảo vệ quyền lợi của mình và góp phần không nhỏ chống tiêu cực trong vận tải buýt” - ông Trần Phước Anh nói.
Theo bà Thái Thị Ty, Giám đốc Trung tâm Quản lý, điều hành vận tải hành khách công cộng Đồng Nai, đơn vị đang cho khảo sát, đánh giá lại các tuyến buýt số 6, 7 và 8 vì thời gian qua, số lượng hành khách của các tuyến này có dấu hiệu bị giảm sút. Trung tâm sẽ có đánh giá về hiệu quả của thí điểm mô hình bán vé tự động. Trước đó, mô hình này đã được TP. Hồ Chí Minh triển khai nhưng đến nay vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi vì còn nhiều bất cập. |
Bà Thái Thị Ty, Giám đốc Trung tâm Quản lý, điều hành vận tải hành khách công cộng Đồng Nai cũng cho rằng, đầu tư công nghệ với mục tiêu phát triển dịch vụ hành khách công cộng theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp cần được khuyến khích nhưng cần phải sát với yêu cầu thực tế. Để tăng chất lượng dịch vụ vận tải cần sự phát triển đồng bộ về hạ tầng giao thông, chất lượng phương tiện vận chuyển, chất lượng đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ.
Bình Nguyên