Báo Đồng Nai điện tử
En

Lại lo lừa đảo thương mại

10:07, 31/07/2013

Nếu như trước đây từng rộ lên tình trạng các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hàng sang thị trường châu Phi dễ gặp nạn lừa đảo, thì nay Bộ Công thương đã phải liên tục cảnh báo vấn đề này đã xuất hiện ở cả thị trường châu Á.

Nếu như trước đây từng rộ lên tình trạng các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hàng sang thị trường châu Phi dễ gặp nạn lừa đảo, thì nay Bộ Công thương đã phải liên tục cảnh báo vấn đề này đã xuất hiện ở cả thị trường châu Á.

Đánh vào áp lực tiêu thụ hàng để duy trì sản xuất của các DN, nên các đối tượng lừa đảo thường tung ra các chiêu, như: tiêu thụ lượng hàng lớn, giá hấp dẫn để “câu” khách.

* Dấu hiệu bất thường

Tháng 6 vừa qua, anh Phạm Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thế Linh (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) đã khăn gói đem hàng (drap, gối, nệm) tham gia đợt xúc tiến thương mại tại Myanmar. Tại đây, anh và một chủ DN khác ở Bình Dương gặp giám đốc điều hành một công ty xuất nhập khẩu ở TP. Yangon - Myanmar tới tìm hiểu. Hai bên trao đổi với nhau khá cởi mở và vị giám đốc này đã hứa hẹn sẽ nhập từ 4-5 container/tháng của Công ty Thế Linh.

Sản xuất nệm ở Công ty TNHH một thành viên Thế Linh (TP.Biên Hòa).
Sản xuất nệm ở Công ty TNHH một thành viên Thế Linh (TP.Biên Hòa).

Để tạo niềm tin, ông giám đốc này còn đưa ra tấm hình Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc để khoe là đã từng có dịp tiếp xúc. Sau những bữa cơm mà phía đối tác tương lai của Thế Linh yêu cầu chiêu đãi thì vị giám đốc này  xin một bộ hàng mẫu (trị giá 5 triệu đồng). Bước vào đàm phán hợp đồng, vị giám đốc này yêu cầu ông Linh đóng 300 USD cho một trại trẻ mồ côi mà ông là thành viên sáng lập. “Thực ra số tiền không lớn, nhưng tôi thấy DN này không được bình thường. Khi tìm đến, công ty chỉ có một phòng nhỏ khoảng 25m2, ở đây có một chiếc điện thoại bàn và một máy fax, ngoài ra không có gì và không thấy ai, mặc dù ông ấy đã giới thiệu công ty mình có tới 60 nhân viên” - ông Linh nói.

Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã đưa ra một số hành vi lừa đảo phổ biến trong những năm gần đây. Phổ biến nhất là dạng lừa đảo đánh vào lòng tham của DN thiếu thông tin về thị trường, giá cả, pháp luật, thông qua việc chào bán hàng. Chẳng hạn, không ít DN vẫn nhận được giá chào bán nguyên liệu rất rẻ so với thị trường nhưng khi trả tiền xong, chưa chắc đã có hàng và khi tìm người bán thì không thấy nữa.

Với Công ty TNHH Khánh Duy Phương, chuyên sản xuất gỗ (phường Long Bình, TP.Biên Hòa), thời điểm đầu năm 2013, DN được một khách hàng Trung Quốc mời chào mua một lượng gỗ nguyên liệu lớn với giá khá rẻ. Anh Nguyễn Trọng Hoàng, Phó giám đốc công ty, chia sẻ: “Khách hàng này tìm hiểu thấy chúng tôi sản xuất từ các loại gỗ nhập khẩu nên họ chào bán gỗ sồi và thông với giá rất rẻ. Tính ra nếu nhập về đến cảng Đồng Nai sẽ thấp hơn 20% so với mua ở trong nước. Thế nhưng, họ lại yêu cầu chuyển một phần tiền trước mà các thủ tục xuất nhập khẩu lại khá bất thường nên công ty không nhập nữa”. 

* Không nóng vội

Ông Nguyễn Hải Tịnh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hà Lan, Trưởng đoàn Tham tán thương mại của Bộ Công thương khi làm việc với các DN xuất nhập khẩu của Đồng Nai vào giữa tháng 7-2013, đã cho biết, thường một số DN bị lừa do chủ quan, xuất phát từ khó khăn về thị trường nên nóng vội. Vì thế, việc  ký kết hợp đồng rất đơn giản, đối với khách hàng mới đôi khi chưa thẩm định kỹ đã ký ngay hợp đồng.

Một dạng lừa đảo khác là chào bán hàng tốt nhưng lại đánh tráo hàng. Trường hợp này đã từng xảy ra với DN Việt Nam khi mua thức ăn  gia súc, khách Malaysia chào mẫu 90% protein nhưng chỉ giao trấu, cám, trộn với đất cát. Dạng lừa đảo tiếp theo liên quan đến vốn là những nguồn vốn “rỉ tai” chỉ có ít người biết đến. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từng cảnh báo có hàng ngàn nhóm đi lừa đảo DN dưới hình thức cho vay vốn từ nhiều nguồn vốn, như: nước ngoài, vốn của tổ chức này, tổ chức kia... song thực tế không hề có.

V.Lâm (tổng hợp)

Theo đó, “mánh” phổ biến của các DN nước ngoài có ý định lừa đảo thương mại là ban đầu đưa ra các mức giá hết sức hấp dẫn và kéo dần đối phương vào ma trận của họ. Nếu chủ DN không tỉnh táo, rất dễ “sụp hố”. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, cho rằng hiện tại tình trạng lừa đảo thương mại xảy ra ở nhiều thị trường, nhất là những thị trường mới. Để tránh rủi ro, theo ông Tuấn, DN nên chủ động liên hệ với các thương vụ của đại sứ quán Việt Nam tại các nước sở tại và nhờ kiểm tra thông tin, đó là phương án an toàn nhất.

Tuy vậy, nhiều tham tán thương mại cho biết, việc xác minh một DN lừa đảo ở những nước phát triển không quá phức tạp, nhưng đối với những quốc gia đang phát triển phải mất nhiều thời gian.

Vân Nam

 

 

 

Tin xem nhiều