Chưa khi nào các dự án đường cao tốc lại được lên kế hoạch triển khai rầm rộ như hiện nay.
Chưa khi nào các dự án đường cao tốc lại được lên kế hoạch triển khai rầm rộ như hiện nay. Các tuyến đường này với vốn đầu tư có dự án lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, đều thuộc vào dạng siêu dự án. Chính vì vậy, kêu gọi vốn đầu tư cho các dự án này không hề dễ.
Công nhân đang thi công đường cao tốc Sài Gòn - Long Thành - Dầu Giây, đoạn dẫn vào cầu bắc qua sông Đồng Nai. |
Chỉ tính riêng 3 dự án đường cao tốc chờ khởi công qua Đồng Nai là: Bến Lức - Long Thành; Phan Thiết - Dầu Giây và Dầu Giây - Liên Khương, tổng số vốn đầu tư cũng lên đến trên 78 ngàn tỷ đồng, một khoản vốn không nhỏ.
* Mong khởi công sớm
Chủ đầu tư dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Tổng công ty đầu tư, phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết sẽ khởi công dự án vào cuối năm nay. Tuyến đường có chiều dài gần 58km đi qua địa phận các tỉnh, thành là: Đồng Nai (28,7km), TP.Hồ Chí Minh (26,4km) và Long An (2,7km). Đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, với tốc độ thiết kế 120 km/giờ, gồm 8 làn xe (giai đoạn 1 triển khai 4 làn xe). Theo chủ đầu tư thì dự án này phải sử dụng nguồn vốn lớn do thi công nhiều trên vùng đất yếu, ngoài ra còn xây dựng 2 cầu dây văng khá lớn là Bình Khánh (bắc qua sông Soài Rạp) và Phước Khánh (qua sông Lòng Tàu). Do hai sông này thường xuyên có tàu lớn ra vào chở hàng nên cầu phải bắc cao dẫn đến tốn kém. VEC dự kiến gói thầu đầu tiên của dự án này được khởi công là cầu Phước Khánh, nối hai bờ thuộc huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) và Nhà Bè (TP.Hồ Chí Minh).
Một dự án đường cao tốc đang được dư luận quan tâm hiện nay là tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Tuyến đường này có chiều dài 100km với 4 làn xe, điểm đầu từ huyện Thống Nhất (Đồng Nai) và điểm cuối là Ba Bàu (tỉnh Bình Thuận), dự kiến hoàn thành vào năm 2018. Tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương cũng đang được phấn đấu khởi công vào năm 2015. Đây là phần còn lại của tuyến cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt có chiều dài gần 210km, trong đó hơn 19km từ Liên Khương đến chân đèo Prenn đã được đầu tư.
* Chờ vốn
Trong 3 tuyến cao tốc này, hiện mới chỉ có tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành thu xếp được nguồn vốn với tổng mức đầu tư của dự án lên đến 1,6 tỷ USD, tương đương 32 ngàn tỷ đồng. Vốn được VEC vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Riêng hai dự án cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt và Dầu Giây - Phan Thiết hiện đang trong quá trình kêu gọi vốn. Trong đó, dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, tổng mức vốn khoảng 757 ngàn USD được triển khai thí điểm đầu tư theo hình thức công - tư kết hợp (PPP). Dự án hiện đang được Bộ Giao thông - vận tải đưa đi các nước, như: Ấn Độ, Hàn Quốc và Singapore để kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp. Hiện tại, Tập đoàn Bitexco là nhà đầu tư cấp 1 của dự án với mức vốn góp 60%. Dự án này dự kiến được thực hiện trong vòng 4 năm (từ năm 2014 đến năm 2018). Sở dĩ dự án được quan tâm nhiều bởi đây là tuyến đường chiến lược để rút ngắn khoảng cách giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh miền Trung đang được ưu tiên.
Cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt cần tổng số vốn đầu tư trên 32 ngàn tỷ đồng. Hiện tại, đoạn từ Dầu Giây đến Liên Khương đang kêu gọi vốn. Bộ Giao thông - vận tải cũng xác định dự án này khó thực hiện theo hình thức BOT, vì số vốn bỏ ra đầu tư là quá lớn và khả năng thu phí bù lại trên tuyến đường này không cao. Trong tình hình nguồn vốn đầu tư khó khăn như hiện nay thì việc bố trí vốn cho dự án Dầu Giây - Liên Khương không phải dễ dàng, chính vì vậy dự án này được giới đầu tư nhận định sẽ khó có thể thực hiện theo đúng tiến độ như mong muốn.
Vân Nam