Thời gian qua, trời mưa lớn khiến nhiều nơi ở huyện Tân Phú bị nước ngập. Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện đã có 554 căn nhà bị ngập nền, có nơi sâu khoảng 1m, gần 119 hécta cây trồng bị ngập, 19 hécta ao cá bị tràn bờ.
Thời gian qua, trời mưa lớn khiến nhiều nơi ở huyện Tân Phú bị nước ngập. Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện đã có 554 căn nhà bị ngập nền, có nơi sâu khoảng 1m, gần 119 hécta cây trồng bị ngập, 19 hécta ao cá bị tràn bờ. Trong đó, thiệt hại nhiều nhất là những khu vực vùng trũng thấp, như: Thanh Sơn, Phú Lâm và Phú Thanh. Đây là những nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc tắc nghẽn dòng chảy của suối Đa Tôn.
Nhiều nhà dân ngập sâu hơn 01 mét. |
Chống chọi với ngập úng
Ông Hoàng Minh Khanh ở ấp Cây Dầu (xã Thanh Sơn) phải vất vả bảo vệ bức tường vừa mới xây ngăn nguồn nước tràn vào 2 sào ao nuôi cá trị giá 18 triệu đồng của mình. Trận mưa lớn đầu tiên của mùa mưa kéo dài hơn 2 ngày đêm không những đã cuốn trôi hết đợt cá sắp cho thu hoạch trị giá khoảng 20 triệu đồng của ông, mà còn xô sụp luôn bức tường. Không những thiệt hại về kinh tế, đời sống sinh hoạt của gia đình ông cũng bị đảo lộn do nước tràn cả vào nhà. Ông Khanh cho biết: “Chúng tôi ở đây chủ yếu trồng hoa màu, nên chỉ cần một cơn mưa ngập là thất thu rất nhiều. Hàng năm chúng tôi bị ít nhất 1 - 2 lần ngập, không có năm nào không bị, nguyên nhân do dòng chảy của suối Đa Tôn không được khơi thông. Người dân chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhà nước nạo vét dòng suối này để bà con yên tâm sản xuất, nhưng chờ hoài cũng chẳng thấy làm”.
Ông Trần Bá Đạt, Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn huyện Tân Phú, cho hay: “Việc gây ngập úng hàng năm tại các xã trên là do suối Đa Tôn, hiện lòng suối bị lắng cạn. Thứ hai là các hộ dân sản xuất ở cặp khu vực ven suối lấn dần, khiến dòng suối bị thu hẹp lại. Để khắc phục tình trạng ngập úng, hiện tỉnh đã có chủ trương và giao cho Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai làm chủ đầu tư. Hiện đã hoàn tất hồ sơ thủ tục nhưng còn chờ ghi vốn để tổ chức thực hiện”. |
May mắn hơn ông Khanh, anh Nguyễn Hậu Giang cũng ở ấp Cây Dầu vừa mới thu hoạch xong 6 sào đậu phộng trước khi cơn mưa đầu tiên bắt đầu 1 ngày. Tuy nhiên, những trận mưa tiếp theo cũng đã khiến anh gần như mất trắng cả 4 sào ao nuôi cá vừa mới thả trị giá hơn 5 triệu đồng. Theo anh Giang, cứ mưa lớn là bị tắc. Trong vài tháng còn lại của mùa mưa này, không biết tình hình sẽ như thế nào.
Nghẽn do dòng chảy bị dân lấn chiếm
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện dòng chảy của suối Đa Tôn phía đầu nguồn tại xã Thanh Sơn đang bị tắc nghẽn trầm trọng, một phần là do việc lấn chiếm dòng chảy của một số hộ dân cặp bờ suối để chăn nuôi gia súc, gia cầm, một phần là do sự xâm lấn của cây cối và cỏ dại... Nếu như trước đây, dòng chảy qua khu vực này nơi hẹp nhất cũng phải đến 5m thì nay có nơi chỉ còn chưa tới 1m, nên việc bị tắc nghẽn dòng chảy khi mưa lớn là việc hiển nhiên. Việc ngập úng cục bộ tại xã Phú Lâm những ngày qua cũng bắt nguồn từ dòng chảy này. Nước ngập từ ngoài đường vào cả trong nhà dân, nơi thấp nhất khoảng 30cm, nơi cao nhất cũng hơn 1m, xe cộ chết máy, đồ đạc hư hỏng, gây xáo trộn hoàn toàn đời sống của người dân. Bên cạnh đó, một phần còn do hệ thống mương thoát nước dọc quốc lộ 20, đoạn qua địa bàn các xã Phú Lâm, Phú Thanh đã không còn phát huy hiệu quả.
Ông Lê Văn Thiều, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, nói: “Đối với khu vực xã Thanh Sơn, vừa rồi có hơn 8 hécta ao bị ngập. Khi nước lớn trên thượng nguồn dồn về là gây ngập úng, bà con không kịp trở tay”.
Lê Chương - Phú Lâm