Báo Đồng Nai điện tử
En

Tượng đá đi Tây

10:06, 23/06/2013

Cũng phải mấy lần hẹn, chúng tôi mới gặp được anh Lê Thế Phát, chủ cơ sở điêu khắc đá Lê Phát ở xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom. Quản lý 2 xưởng đá, lại vừa làm chủ vừa làm thợ nên anh Phát khá bận rộn.

 

Cũng phải mấy lần hẹn, chúng tôi mới gặp được anh Lê Thế Phát, chủ cơ sở điêu khắc đá Lê Phát ở xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom. Quản lý 2 xưởng đá, lại vừa làm chủ vừa làm thợ nên anh Phát khá bận rộn.

Tại nơi trưng bày sản phẩm của anh Phát, từ cách bố trí không gian rất riêng dành cho khách thưởng thức đến những bộ tượng làm ra “thích thì bán không thích thì để chơi” cho thấy, anh là người có tính nghệ sĩ hơn là một ông chủ sản xuất - kinh doanh.

* Tìm “hồn” cho đá

Đáng nhớ nhất với anh Phát đến nay có lẽ là bộ tượng do một đức cha ở Tây Ban Nha đặt cơ sở anh làm để đưa đi triển lãm. Đề bài mà khách đặt hàng nghe qua thấy khá đơn giản nhưng khi thực hiện lại không dễ chút nào, đó là làm kiểu tượng mô phỏng đức Chúa với nhiều chất liệu khác nhau và mỗi tác phẩm phải có sự khác biệt. Sau khi nhận hợp đồng, anh Phát đã chọn 4 chất liệu chính là: đá, gỗ, composite và thạch cao để thực hiện. Anh đã cùng 15 công nhân của mình làm ròng rã 1 năm trời mới xong đơn hàng. Khi giao hàng, nhiều người ngạc nhiên bởi với 4 loại chất liệu và chỉ một kiểu tượng, anh thực hiện được tới 50 tác phẩm có “hồn vía” khác nhau.

Anh Phát đang thực hiện một tác phẩm bằng đá có chiều cao hơn 2m với trên 700 công lao động.
Anh Phát đang thực hiện một tác phẩm bằng đá có chiều cao hơn 2m với trên 700 công lao động.

Có lẽ câu “hữu xạ tự nhiên hương” đúng với cơ sở của anh Phát, bởi anh không quảng cáo, không làm website giới thiệu sản phẩm nhưng khách đến đặt hàng khá đông, trong số đó không ít sản phẩm xuất ngoại. Sản phẩm của cơ sở anh xuất sang các thị trường, như: châu Âu, Hàn Quốc và châu Phi. Mới đây, một khách hàng Hàn Quốc đã đặt cơ sở anh chế tác 1 ngàn sản phẩm tượng bằng đá nhưng anh Phát phải từ chối đơn hàng này. Anh cho hay, với số lượng hàng quá lớn, cơ sở không thể đáp ứng được đúng tiến độ, bởi toàn bộ phải thực hiện bằng tay trên đá, rất kỳ công.

* “Nghiệp” tạc tượng

Chia sẻ về nghề nghiệp của mình, anh Phát nói: “Nghề này rất đặc thù vì phải vừa làm chủ, vừa làm thợ. Cơ sở của tôi chủ yếu là tạc tượng người, nên khi tạc đến khuôn mặt là phải làm và chỉnh sửa cho thật biểu cảm”.

Anh Phát cũng cho biết, nhiều sản phẩm có thời gian thực hiện kéo dài từ 1-2 năm là thường. Đưa chúng tôi đi tham quan xưởng, đến một pho tượng khá đẹp, anh Phát giới thiệu, đó là một tác phẩm mà khách hàng Hàn Quốc đặt, anh phải mất hơn một năm mới thực hiện xong. Tất cả đều ưng ý nhưng lại không xuất khẩu được với lý do tượng có vết nứt. “Lúc bắt đầu làm kiểm tra đá thấy bình thường, khi tạc xong đánh bóng lên thì thấy có vết nứt ngầm, nếu mình “ăn gian” dùng keo chèn vào, khách cũng không biết, nhưng tôi không muốn, đành giữ lại để trưng bày” - anh Phát bộc bạch.

Anh Phát vốn là giảng viên điêu khắc ở Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai, đến nay anh đã gắn bó hơn 20 năm với nghề này. Không ít lần thấy công việc bụi bặm vất vả, anh định chuyển nghề, nhưng rồi vì nhiều lý do lại không thành. Anh Phát tâm niệm rằng, đây là cái nghiệp, tuy vất vả nhưng cũng nhiều niềm vui nên khó dứt.

Khắc Giới

 

Tin xem nhiều