Ngày càng nhiều những nhãn hàng ngoại có mặt tại thị trường nội khiến hàng Việt rất vất vả cạnh tranh ở các khu vực thành thị. Chính vì vậy, thị trường nông thôn lại thành điểm tựa cho các doanh nghiệp (DN) trong giai đoạn khó khăn này.
Ngày càng nhiều những nhãn hàng ngoại có mặt tại thị trường nội khiến hàng Việt rất vất vả cạnh tranh ở các khu vực thành thị. Chính vì vậy, thị trường nông thôn lại thành điểm tựa cho các doanh nghiệp (DN) trong giai đoạn khó khăn này.
Theo nhiều DN có “thâm niên” tham gia các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, đây vẫn là thị trường tiêu thụ quan trọng dù sức mua ở khu vực này cũng giảm sút do ảnh hưởng chung của nền kinh tế. Người tiêu dùng nông thôn đang dần khó tính và sẵn sàng chi nhiều hơn để mua sản phẩm chất lượng.
* Bền bỉ giữ thị trường
Ông Phan Văn Vàng, chủ cơ sở sản xuất kẹo Yến Nhung (TP. Biên Hòa), chia sẻ: “Sự xuất hiện ồ ạt của các nhãn hàng giá rẻ từ Thái Lan, Indonesia… gây khó khăn không nhỏ cho ngành sản xuất bánh kẹo nội. Năm 2012, doanh thu của cơ sở giảm 15% so với năm 2011. Năm nay, áp lực cạnh tranh tìm đầu ra thị trường càng lớn với đơn vị sản xuất”.
Phiên chợ hàng Việt về nông thôn diễn ra ở huyện Cẩm Mỹ. |
Bà Nguyễn Thị Lan, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại (thuộc Sở Công thương), cho biết ảnh hưởng bởi khó khăn chung, doanh thu của nhiều phiên chợ hàng Việt về nông thôn, phiên chợ vui công nhân thấp hơn so với những đợt bán hàng cùng kỳ năm ngoái nhưng nhiều DN vẫn bền bỉ gắn bó. Chính vì vậy, trung tâm không chỉ duy trì tốt hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn mà còn tổ chức thêm chương trình đưa hàng Việt về nhà máy phục vụ công nhân nhằm thu hút DN tích cực tham gia.
Ông Trương Tiến Hưng, chủ Doanh nghiệp tư nhân Trương Tiến Hưng (huyện Trảng Bom), chuyên kinh doanh các mặt hàng bách hóa tổng hợp, chia sẻ: “Hầu như phiên chợ hàng Việt nào DN cũng tham gia và đã gắn bó liên tục nhiều năm liền. DN phải hiểu rõ nhu cầu của thị trường này để đưa sản phẩm cho phù hợp thì luôn được bà con ủng hộ”.
Ông Trần Đình Thiện, Trưởng khu vực miền Đông của Công ty cổ phần hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo (TP. Hồ Chí Minh), khẳng định: “Chúng tôi luôn xác định nông thôn vẫn là thị trường chính quyết định sự thành bại của DN. Chính vì vậy, DN luôn quan tâm đến các hoạt động đưa hàng về nông thôn, đảm bảo các kênh phân phối tại thị trường này để sản phẩm thuận tiện đến tận tay người tiêu dùng”.
* Hiểu nhu cầu nông dân
Bà Nguyễn Thị Lệ Hoa, tiểu thương tại chợ Bắc Hòa (huyện Trảng Bom), nhận xét người tiêu dùng nông thôn hiện quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm chứ không chỉ ưu tiên hàng giá rẻ như trước. Bà Hoa dẫn chứng: “Với mặt hàng quần áo chẳng hạn, hiện loại sản phẩm giá bèo không nguồn gốc, xuất xứ ít được người tiêu dùng lựa chọn. Họ sẵn sàng bỏ đôi ba trăm ngàn để mua được sản phẩm chất lượng”.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Đình Thiện cho rằng, người tiêu dùng ở nông thôn đang khó tính hơn khi chọn mua sản phẩm. Chính vì vậy, về thị trường nông thôn, DN quan tâm hơn đến việc tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng. Đây là cơ sở để DN đầu tư cải tiến về mẫu mã, chất lượng sản phẩm ngày càng phù hợp hơn với nhu cầu người mua.
Ông Trần Lâm, Giám đốc Công ty Lâm Hiếu Sơn (TP. Hồ Chí Minh), chuyên về hàng thời trang jean, chia sẻ: “Từ năm 2008, DN được người tiêu dùng tin tưởng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao. Tuy nhiên, sản phẩm của DN vẫn tiêu thụ chủ yếu qua các kênh siêu thị. Trong giai đoạn khó khăn về thị trường như hiện nay, DN rất quan tâm đến việc đưa sản phẩm vào chợ. Sản phẩm có thương hiệu là một lợi thế, chúng tôi sẽ khai thác thêm các vùng nông thôn khi mở rộng kênh tiêu thụ trên thị trường”.
Bình Nguyên