Dân số của TP.Biên Hòa tăng khá nhanh khiến cho áp lực về giao thông ngày càng lớn. Nhiều tuyến đường thường xuyên bị tắc nghẽn vào giờ cao điểm. Ngoài ra, còn có những con đường đóng vị trí “độc đạo” khiến việc lưu thông hết sức khó khăn.
Dân số của TP.Biên Hòa tăng khá nhanh khiến cho áp lực về giao thông ngày càng lớn. Nhiều tuyến đường thường xuyên bị tắc nghẽn vào giờ cao điểm. Ngoài ra, còn có những con đường đóng vị trí “độc đạo” khiến việc lưu thông hết sức khó khăn.
Cụ thể, đi lại từ trung tâm TP.Biên Hòa ra các khu công nghiệp (KCN) như Biên Hòa 1, Biên Hòa 2 và Loteco Long Bình ngày càng mất nhiều thời gian hơn, bởi lượng xe tham gia giao thông tăng mạnh, trong khi đó, đường không được mở rộng.
* Oải với đường Phạm Văn Thuận
Anh Nguyễn Thế Triển ở KP2, phường Thống Nhất cho biết, nếu đường thông thoáng, anh đi từ nhà đến công ty (ở KCN Biên Hòa 2) chỉ khoảng 15 phút, nhưng hiện tại mỗi sáng đi làm, anh phải mất hơn nửa giờ mới tới. “Từ ngã tư đường Phạm Văn Thuận giao với đường Võ Thị Sáu kéo dài đến gần vòng xoay Tam Hiệp, đường thì nhỏ, xe đông lại có chợ, trường học nên buổi sáng rất hay kẹt xe. Không đi đường này cũng không còn đường nào để đi, vài năm nữa sẽ còn kẹt xe nhiều hơn”, anh Triển nói.
Đường Phạm Văn Thuận, đoạn qua KP1, phường Tam Hòa (TP.Biên Hòa) hay xảy ra kẹt xe. |
Quả thực, việc đi lại hiện nay từ các phường nội ô của TP.Biên Hòa ra các KCN, siêu thị Big C, ra quốc lộ 51 để đi Vũng Tàu hay qua các phường Long Bình, An Bình… đều dồn về đường Phạm Văn Thuận, trong khi mặt đường rộng chưa đến 10m nên khá hạn chế cho các phương tiện chở hàng hóa lưu thông.
Theo tính toán của UBND TP.Biên Hòa, việc mở rộng đường Phạm Văn Thuận là không khả thi do mật độ dân sinh sống dọc theo trục đường này rất cao, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng quá lớn. Một tuyến đường độc đạo như Phạm Văn Thuận sẽ là cản trở lớn cho việc phát triển của đô thị nên cần thiết phải có tuyến đường để chia sẻ lượng xe lưu thông.
* Sẽ có thêm đường dọc theo sông cái
Theo quy hoạch của UBND TP.Biên Hòa, sắp tới sẽ mở một tuyến đường dọc theo sông Cái (đường Trần Phú) nối từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản (phường An Bình). Tuyến đường này đi qua 5 phường là Quyết Thắng, Thống Nhất, Tân Mai, Tam Hiệp và An Bình. Đường Trần Phú có chiều dài gần 4,6km, lộ giới là 32m. Đường được xây dựng theo loại đường đô thị, đường chính khu vực, cấp kỹ thuật 60 (tốc độ tính toán 60 km/giờ).
Tuyến đường Trần Phú do chạy ven sông qua khá nhiều suối và rạch thoát nước nên phải xây dựng khá nhiều cầu (5 chiếc) là: Rạch Gió, Chìm Tàu, Tân Mai, Bà Bột và Suối Linh. Dự kiến tổng mức đầu tư cho tuyến đường Trần Phú gần 2 ngàn tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 290 tỷ đồng, chi phí bồi thường trên 1.500 tỷ đồng, còn lại là các chi phí khác, như: tư vấn, dự phòng, thiết bị. |
Ông Lê Quang Bình, Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải, cho biết đường mới được xây dựng sẽ giúp giảm bớt lưu lượng giao thông qua đường Phạm Văn Thuận, giảm ùn tắc giao thông và quan trọng hơn là phá được thế độc đạo hiện nay. Kiến trúc sư Đặng Văn Hân, Phó giám đốc Công ty tư vấn - thiết kế và xây dựng A.T.S (phường Long Bình), cho rằng TP.Biên Hòa mở tuyến đường này là hợp lý, bởi ngoài việc đáp ứng nhu cầu đi lại để giảm ùn tắc giao thông thì tuyến đường còn kết hợp chỉnh trang đô thị khu vực ven sông. “Công trình này là nhất cử lưỡng tiện, nếu đường được mở nơi khác không chạy theo ven sông Cái có thể ngắn hơn nhưng rồi tổng chi phí đầu tư vẫn nhiều hơn, vì phải thêm một dự án chỉnh trang lại ven sông, một thành phố như Biên Hòa để bờ sông nhếch nhác như hiện nay là khó chấp nhận được”, ông Hân nói.
Dự án đường Trần Phú đang được nhiều người trông đợi. Dự kiến của TP. Biên Hòa là giai đoạn 1 của dự án sẽ bắt đầu trong khoảng 2013-2015, tuy nhiên do phải sử dụng một lượng vốn quá lớn để đầu tư nên TP.Biên Hòa đang phải tính toán kỹ các phương án huy động vốn và thời điểm thực hiện dự án cụ thể.
Quốc Khánh