Ngã tư Vũng Tàu (giao lộ giữa quốc lộ (QL)1 và QL51, thuộc địa phận TP.Biên Hòa) nhiều năm nay là điểm nóng của tình trạng ùn tắc giao thông với lượng xe hầu như luôn quá tải.
Ngã tư Vũng Tàu (giao lộ giữa quốc lộ (QL)1 và QL51, thuộc địa phận TP.Biên Hòa) nhiều năm nay là điểm nóng của tình trạng ùn tắc giao thông với lượng xe hầu như luôn quá tải. Người dân đang trông đợi hầm chui dọc tuyến QL1 lên cầu Đồng Nai và tuyến đường nhánh rẽ vào QL51 của dự án cầu Đồng Nai mới sớm hoàn thành để hạn chế kẹt xe, song đến nay vẫn dậm chân tại chỗ.
Một góc vòng xoay ngã tư Vũng Tàu. Ảnh: V.NAM |
Mới đây, Tổng công ty xây dựng số 1, chủ đầu tư dự án (BOT) xây dựng cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu là nút giao ngã ba Tân Vạn và ngã tư Vũng Tàu, đã xin điều chỉnh thiết kế nút giao Vũng Tàu bằng cầu vượt tại đây, thay cho phương án cũ.
* Xung đột giao thông
Khu vực ngã tư Vũng Tàu được xem là cửa ngõ của tuyến giao thông từ các tỉnh, thành miền Bắc, miền Trung và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về TP.Hồ Chí Minh. Đây còn là tuyến đường chính vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp của Đồng Nai đến cảng Đồng Nai và cảng Cát Lái (TP.Hồ Chí Minh) để xuất khẩu, vì vậy mật độ phương tiện tham gia giao thông qua ngã tư này rất đông. Ngoài ra, nút giao ngã tư Vũng Tàu còn là cửa ngõ của 2 Khu công nghiệp Biên Hòa 1 và 2.
Theo chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái thì đơn vị tư vấn, thiết kế cần tính toán kỹ lưu lượng xe trên nút giao này và các hướng, tuyến giao thông, bởi sau này khi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 được chuyển đổi công năng sang khu đô thị thì có thể tình hình giao thông sẽ khác. |
Theo nghiên cứu của đơn vị tư vấn, ngã tư Vũng Tàu ngoài lượng xe đông gây ùn tắc giao thông thì còn bị tình trạng xung đột giao thông khá nghiêm trọng. “Chỉ cần một chiếc xe container đi từ QL51 ôm vòng xoay về TP.Hồ Chí Minh thì ngay lập tức buộc các xe đi từ TP.Hồ Chí Minh hướng ra Bắc trên QL1 phải dừng lại, lượng xe qua đây đông nên gây ùn tắc ngay”- ông Lê Đông Hà, Phó giám đốc Công ty cổ phần tư vấn thiết kế cầu lớn - hầm, đơn vị tư vấn nói. Kẹt xe ngày một trầm trọng hơn khi cầu vượt ngã tư Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) đã đi vào hoạt động nên lượng xe thoát từ TP.Hồ Chí Minh về Biên Hòa khá nhanh. Theo ông Hà, phương án làm cầu vượt tại ngã tư này là hữu hiệu nhất, vì sẽ giải quyết được ngay vấn đề ách tắc giao thông.
* Sẽ có cầu trước Tết
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh, Tổng công ty xây dựng số 1 (chủ đầu tư), cho biết việc thi công cầu vượt bằng thép tại nút giao này khá nhanh, chỉ trong vòng 5-6 tháng sẽ hoàn tất và cầu có thể đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán 2014.
Bãi nguyên vật liệu của Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng cầu Đồng Nai (thuộc Tổng công ty xây dựng số 1) đã nằm chờ thi công phần nút giao ngã tư Vũng Tàu nhiều năm nay. |
Theo thiết kế, cầu vượt được xây dựng bằng thép, vượt thẳng qua ngã tư trên QL1, dành cho các xe chạy theo hướng Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh và ngược lại. Cầu có 4 làn xe cơ giới với chiều dài gần 240m. Cầu vượt chỉ dành cho xe ô tô, xe máy sẽ đi bên dưới cầu. Ngoài ra, vòng xoay ngã tư Vũng Tàu được cải tạo lại, việc phân luồng xe sẽ được thực hiện bằng vạch sơn và điều khiển giao thông theo đèn tín hiệu. Đoạn đường QL51 kết nối với QL1 được mở rộng thêm để lượng xe nơi đây có thể thoát nhanh.
Ông Lê Quang Bình, Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải Đồng Nai, cho rằng cầu vượt nút giao Vũng Tàu đi vào hoạt động sẽ dồn lượng xe lên nút giao vòng xoay Tam Hiệp và ngã tư Amata, chắc chắn tình trạng kẹt xe nơi đây sẽ tăng. Vì vậy, Bộ Giao thông - vận tải cũng cần xem xét sớm cho triển khai thi công cầu vượt ở hai điểm này. |
Theo ông Lê Hữu Việt Đức - Phó tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng số 1, việc điều chỉnh sang phương án cầu vượt bằng thép so với phương án cũ xây dựng hầm chui và đường nhánh rẽ ngoài ưu điểm là thời gian nhanh thì chi phí đầu tư còn giảm được trên 130 tỷ đồng.
Theo nhà thiết kế, phương án xây dựng cầu vượt bằng thép ở đây về cơ bản sớm giải quyết được tình trạng kẹt xe tại ngã tư này hiện nay. Nếu 5 năm tới, lượng xe tăng lên lúc đó sẽ được triển khai giai đoạn 2 là xây dựng hầm chui qua đây, như vậy sẽ giải quyết triệt để ùn tắc. Tuy nhiên, theo phân tích của ông Hà, thời gian tới nếu đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành đi vào hoạt động thì lượng xe sẽ giảm khá nhiều nên khó có thể gây thêm áp lực giao thông đòi hỏi phải thêm hầm chui, do đó có thể chỉ cần xây cầu vượt.
Vân Nam