Gần 1 tuần nay, giá phân urê Phú Mỹ (sản xuất bởi Nhà máy đạm Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu) liên tục tăng cao và nguồn hàng khan hiếm. Để có urê bón đúng thời điểm, nhiều nông dân chấp nhận mua với giá cao hơn từ 30-50 ngàn đồng/bao so với cách đây 1 tuần.
Gần 1 tuần nay, giá phân urê Phú Mỹ (sản xuất bởi Nhà máy đạm Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu) liên tục tăng cao và nguồn hàng khan hiếm. Để có urê bón đúng thời điểm, nhiều nông dân chấp nhận mua với giá cao hơn từ 30-50 ngàn đồng/bao so với cách đây 1 tuần.
Hiện đang vào vụ hè - thu, nhu cầu phân urê bón cho lúa và các cây trồng khác rất lớn. Giá phân urê cuối vụ đông - xuân 2012-2013 chỉ khoảng 470-480 ngàn đồng/bao (1 bao 50 kg) nay vọt lên 540-550 ngàn đồng/bao, song nhiều nơi cũng không có hàng để mua.
* Nhiều đại lý khan hàng
Đa số nông dân Đồng Nai đang sử dụng urê Phú Mỹ vì loại phân này có ưu điểm hạt nhỏ, khi sử dụng sẽ lợi hơn các loại urê hạt lớn. “Mỗi ngày người dân trong vùng đến hỏi mua cả 100 bao urê Phú Mỹ nhưng đại lý của tôi không còn hàng để bán. Gọi điện cho nhà máy để lấy hàng thì họ nói chưa có. Một vài nông dân cần hàng, chấp nhận mua với giá 520-530 ngàn đồng/bao song tôi đành chịu vì ngay cả đại lý cấp 1 cũng cháy hàng” - ông Nguyễn Văn Sáu, chủ đại lý phân bón ở xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) nói.
Đại lý phân bón của ông Nguyễn Văn Sáu ở xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc). |
Bà Nguyễn Thị Hương, chủ đại lý phân bón Tấn Phát, xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu), nói: “Hàng bán hết, hỏi đại lý cấp 1 thì không còn và giá bán lẻ nhiều nơi lên đến 540-550 ngàn đồng/bao cũng không có để bán”. Theo ông Lê Văn Thịnh, nông dân ấp 3, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) thì hiện nay lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh rất cần bổ sung urê để cây phát triển nhanh, nên dù giá tăng cao cũng phải mua dùng.
Khảo sát thị trường cho thấy, urê Trung Quốc loại hạt nhỏ khá nhiều nhưng ít người dân sử dụng. Ông Sáu, chủ đại lý phân bón xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) nói: “Urê Trung Quốc giá rẻ hơn urê Phú Mỹ hơn 1 ngàn đồng/kg nhưng ít nông dân sử dụng vì nghi ngại chất lượng. Chỉ trường hợp không còn urê khác họ mới mua urê Trung Quốc. Không riêng urê mà các loại phân khác như: DAP, Kali, NPK của các nước khác giá đắt hơn sản phẩm cùng loại của Trung Quốc từ 2-3 ngàn đồng/kg, nông dân vẫn không mua hàng Trung Quốc”. |
Trung bình mỗi hécta lúa nông dân sử dụng khoảng 200kg urê, chủ yếu bón vào thời điểm cây lúa đẻ nhánh và làm đòng. Thời điểm này, lúa đang trong giai đoạn làm đòng, lúa chính vụ đang đẻ nhánh, nhu cầu tiêu thụ phân urê tăng cao đột biến.
* Chỉ sốt tạm thời
Một số đại lý phân bón trong tỉnh khẳng định, hơn một tuần nay, Nhà máy đạm Phú Mỹ đã hạn chế bán hàng và yêu cầu các đại lý muốn mua urê phải mua kèm phân NPK của nhà máy.
Về điều này, đại diện Nhà máy đạm Phú Mỹ cho biết: “Nguồn hàng đưa ra thị trường của nhà máy những ngày qua vẫn ổn định và không có việc ép mua phân NPK. Song vào đầu mùa mưa, nhu cầu sử dụng phân urê của các tỉnh miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên tăng cao gấp nhiều lần ngày thường nên xảy ra tình trạng hút hàng trong 2-3 tuần”.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nguồn cung phân urê trong nước khá dồi dào vì nhu cầu sản xuất nông nghiệp chỉ cần 1,9 triệu tấn/năm trong khi công suất thiết kế của 4 nhà máy sản xuất phân đạm trong nước lên tới 2,34 triệu tấn/năm. Trong đó, 2 nhà máy của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là đạm Ninh Bình và đạm Hà Bắc có công suất lần lượt 560 ngàn tấn/năm và 180 ngàn tấn/năm. Hai nhà máy của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là đạm Phú Mỹ và đạm Cà Mau đều có công suất đều là 800 ngàn tấn/năm. Vì vậy, trong vụ hè-thu, vụ mùa không xảy ra tình trạng thiếu hàng làm giá tăng đột biến. |
Cũng theo đại diện của nhà máy, khi thấy hút hàng các đại lý nhỏ lẻ thường đẩy giá lên cao và nông dân vì cần hàng phải chấp nhận mua cao hơn ngày thường từ 1-2 ngàn đồng/kg. Xảy ra tình trạng khan hàng urê Phú Mỹ, giá tăng cao là do nông dân quen sử dụng loại phân bón này, dù theo phân tích của nhiều chuyên gia, chất lượng của urê Phú Mỹ và Cà Mau cũng tương đương nhau.
Khánh Minh