“Hàng Việt Nam chất lượng cao” là danh hiệu do người tiêu dùng tin tưởng bình chọn. Đây là xác tín có giá trị đối với thương hiệu của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, với các cơ sở, DN nhỏ thì việc đạt và giữ được danh hiệu này không phải dễ.
“Hàng Việt Nam chất lượng cao” là danh hiệu do người tiêu dùng tin tưởng bình chọn. Đây là xác tín có giá trị đối với thương hiệu của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, với các cơ sở, DN nhỏ thì việc đạt và giữ được danh hiệu này không phải dễ.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Giám đốc siêu thị Vinatex Biên Hòa 2, người tiêu dùng ngày càng chuộng sản phẩm đã được chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao. Chính vì vậy, những sản phẩm được công nhận danh hiệu trên luôn được siêu thị ưu tiên nhập hàng và có vị trí trưng bày tốt - chỗ mà ít cơ sở, DN nhỏ có cơ hội góp mặt.
* Câu chuyện mất danh hiệu
Chủ một cơ sở sản xuất kẹo uy tín lâu năm tại TP. Biên Hòa - đơn vị vừa mất danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2013 - chia sẻ, kinh tế khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của cơ sở. Doanh thu sụt giảm, sản phẩm của đơn vị chủ yếu chỉ có mặt tại thị trường thành thị và xuất khẩu mà bỏ quên vùng nông thôn. Việc bất ngờ bị rút khỏi danh sách hàng Việt Nam chất lượng cao năm nay do không đầu tư cho hoạt động tiếp thị, quảng bá càng khiến cơ sở điêu đứng. Đơn vị mất chi phí làm bao bì mới vì không thể dùng mẫu cũ có logo hàng Việt chất lượng cao. Nhưng ảnh hưởng nặng nề vẫn là về uy tín thương hiệu, nhất là trong giai đoạn hàng ngoại đang tràn ngập, lấn lướt thị trường. Cơ sở luôn ở thế bị động cả khi được công nhận và khi bị tước danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao.
Cơ sở sản xuất nhỏ lẻ khó đạt danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao. Trong ảnh: Sản xuất kẹo tại một cơ sở ở TP. Biên Hòa. |
Đây cũng là nhược điểm chung của không ít cơ sở nhỏ vì chưa quan tâm đầu tư đúng mức trong xây dựng thương hiệu. Quan sát danh sách DN được công nhận hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2013, chỉ có 17 cơ sở/ 427 đơn vị được công nhận (chiếm chưa đến 5%). “Danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao chủ yếu thuộc về những DN lớn, còn các cơ sở, DN nhỏ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và trong những năm qua, đây cũng là nhóm đối tượng khó giữ được sự liên tục danh hiệu hàng Việt chất lượng cao” - bà Nguyễn Thị Thúy Hằng nhận xét.
* Nhỏ cũng phải làm thương hiệu
Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai (D & F) phân tích: “Rất khó để chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng thương hiệu vì mỗi DN có thế mạnh và điều kiện riêng. Nhưng đây phải là một quá trình lâu dài với một chiến lược rõ ràng, cụ thể”. Theo đó, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao có nhiều chương trình hỗ trợ DN trong xây dựng thương hiệu với nhiều hoạt động tư vấn miễn phí về bán lẻ, chiến lược marketing…DN nhỏ và vừa nên chủ động hơn trong tiếp cận thông tin, tạo sự kết nối với Hội để tăng cơ hội quảng bá, xây dựng thương hiệu một cách hiệu quả, tiết kiệm.
Người tiêu dùng ngày càng chuộng hàng Việt Nam đã được chứng nhận là chất lượng cao. Trong ảnh: Phiên chợ hàng Việt tại Khu công nghiệp Hố Nai. |
Ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty TNHH Minh Hưng Long (TP. Hồ Chí Minh) chuyên sản xuất quần áo trẻ em, chia sẻ các cơ sở nhỏ vẫn có thể vào được danh sách hàng Việt Nam chất lượng cao nếu họ đầu tư đúng hướng cho việc quảng bá, tiếp thị để rộng rãi người tiêu dùng biết đến và tín nhiệm sản phẩm. Trong đó, biết thế mạnh của mình là gì để lên chiến lược phù hợp có tính chất quyết định.
t“Ngay từ khi mới thành lập, tôi đã nghĩ đến việc tạo dựng thương hiệu nhưng phải mất công sức rất nhiều năm DN mới đạt được danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao trong năm nay. Dù trong giai đoạn khó khăn, DN phải chắt chiu từng chút nhưng vẫn cố dành chi phí cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị sản phẩm” - ông Sinh nói.
Bình Nguyên