Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ lửa cho lò gạch

09:06, 02/06/2013

Trong khi ngành sản xuất vật liệu xây dựng gặp khá nhiều khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng thì sản phẩm gạch của Doanh nghiệp (DN) tư nhân Tín Cần ở xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu vẫn tiêu thụ đều. Hai chiếc lò Hopman hầu như chưa khi nào phải giảm lửa.

Trong khi ngành sản xuất vật liệu xây dựng gặp khá nhiều khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng thì sản phẩm gạch của Doanh nghiệp (DN) tư nhân Tín Cần ở xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu vẫn tiêu thụ đều. Hai chiếc lò Hopman hầu như chưa khi nào phải giảm lửa.

“Trong thời điểm khó khăn này, nếu DN nào quản trị tốt thì vẫn trụ được. Muốn vậy, sản phẩm phải chăm chút hơn, cố gắng không để hao hụt nguyên liệu, tiết kiệm tối đa chi phí…” - anh Lâm Hữu Thiện, chủ DN tư nhân Tín Cần chia sẻ.

* Chăm chút chất lượng

Hiện tại mỗi ngày Tín Cần cung cấp cho thị trường 60 ngàn viên gạch. Từ đầu năm đến nay, gạch ra lò đến đâu khách lấy hết đến đó. Giá gạch bán ra vẫn cao hơn so với nhiều lò khác 20-30 đồng/viên.

Anh Lâm Hữu Thiện bên chiếc máy ép đùn chân không của dây chuyền sản xuất gạch do anh tự thiết kế sản xuất.
Anh Lâm Hữu Thiện bên chiếc máy ép đùn chân không của dây chuyền sản xuất gạch do anh tự thiết kế sản xuất.

Để có mức giá trên, sản phẩm phải có chất lượng cao. Kể từ khi thị trường vật liệu xây dựng giảm sút, anh Thiện càng tập trung hơn cho sản xuất. Anh tâm sự: “Nhiều người mua gạch xây nhà hiện không quá quan tâm vào việc giá mắc hơn một chút, mà lại quan tâm nhiều đến việc gạch có đẹp hay không? Chất lượng có đều hay không? Là nhà sản xuất, đáp ứng đúng nhu cầu sẽ bán được hàng” .

Theo anh Thiện, để có gạch chất lượng tốt, người chủ phải giám sát kỹ bởi nếu không quan tâm đến từng công đoạn thì sản phẩm sau cùng rất dễ bị lỗi. Cụ thể, khi gạch vừa được máy tạo ra còn ướt, công nhân chỉ cần mạnh tay lúc vận chuyển sẽ làm gạch méo, vì vậy phải cẩn thận ở tất cả các công đoạn.  Giảm chi phí sản xuất, hạn chế mức hao hụt nguyên vật liệu tối đa là phương án anh Thiện áp dụng trong suốt những năm qua. Đơn cử, đất nguyên liệu phải được mua đúng chất lượng và đảm bảo số lượng, sản xuất không làm vương vãi nguyên liệu.

Chia sẻ về thị trường, anh Thiện cho hay, khoảng 5 năm trước, thời điểm thị trường bất động sản còn sôi động, DN tiêu thụ sản phẩm thông qua các công trình, nhưng sau đó bất động sản có dấu hiệu đi xuống thì anh ngưng lại và tập trung vào cung cấp cho đại lý, nhờ vậy anh tránh được tình trạng “sa lầy” vốn ở các dự án.

* Đầu tư chế tạo máy

Đưa chúng tôi đi xem dàn máy đang trong giai đoạn hoàn thiện để giao cho một DN sản xuất gạch ở Bình Thuận, anh Thiện giới thiệu: “Chiếc máy này có công suất tới 20 ngàn viên gạch/giờ, phải có 10 người bốc gạch mới kịp. Nó được tôi cải tiến thêm một bước nữa so với loại máy trước đây. Nếu nhập khẩu từ Ukraine, một dây chuyền làm gạch có công suất thấp hơn có giá tới 10 tỷ đồng, nhưng mình có thể sản xuất được dây chuyền với giá 3 tỷ đồng”.

Phải mất 5 năm nghiên cứu, anh Thiện mới bắt tay vào sản xuất máy làm gạch. Máy do anh thiết kế nhỏ gọn để bớt chiếm không gian nhà xưởng, bên cạnh đó người vận hành cũng dễ dàng hơn. Có lẽ cải tiến khiến anh ưng ý nhất là việc máy cắt định hình gạch liên tục mà không cần phải cắt bỏ phần đầu viên gạch. Chi tiết này ngay cả các máy nhập khẩu cũng chưa thực hiện được. Anh Thiện cho hay, sở dĩ có cải tiến này là do “gốc gác” là dân chế tạo máy, lại là người gắn bó lâu năm với nghề làm gạch nên anh hiểu được ngóc ngách từng chiếc máy để nghiên cứu cải tiến cho phù hợp.

Vân Nam

 

Tin xem nhiều