Các doanh nghiệp (DN) làm hàng xuất khẩu hiện đang chịu áp lực khá lớn từ chi phí vận chuyển hàng hóa. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm khả năng cạnh tranh giá sản phẩm so với các nước khác trong khu vực.
Các doanh nghiệp (DN) làm hàng xuất khẩu hiện đang chịu áp lực khá lớn từ chi phí vận chuyển hàng hóa. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm khả năng cạnh tranh giá sản phẩm so với các nước khác trong khu vực.
Phải chịu chi phí cao nhưng độ rủi ro lại lớn, không ít lô hàng nhà sản xuất phải cắn răng chịu phạt hợp đồng do rớt hàng (không kịp lên tàu), nguyên nhân do khâu vận chuyển chậm.
* Chi phí nhiều, rủi ro cao
Chủ một DN chế biến gỗ ở phường Tân Biên (TP.Biên Hòa) cho biết, chi phí cho vận chuyển hàng từ năm 2011 đến nay luôn biến động theo chiều hướng tăng, mặc cho giá xăng dầu tăng hay giảm. Một container hàng chở từ công ty đến cảng Cát Lái, DN phải trả mức phí là 2,3 triệu đồng. Theo ông, mức phí này là quá cao so với thời buổi khó khăn hiện nay, chưa kể lúc hàng gấp các nhà xe còn đề nghị chi thêm.
Công nhân Công ty TNHH Hố Nai (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) đang đóng gói sản phẩm bàn ghế gỗ xuất khẩu. |
Tương tự, anh Nguyễn Văn Hùng, trợ lý Giám đốc Công ty sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Phương Anh, ở phường Long Bình (TP.Biên Hòa), cho hay từ đầu năm đến nay đơn vị vận chuyển đã 2 lần tăng cước. “Đầu tiên thì họ xin hỗ trợ do giá xăng dầu tăng, rồi gần đây lại là phí đường bộ. Những chi phí tưởng chừng rất nhỏ nhưng âm thầm đã làm giá thành sản phẩm tăng” - anh Hùng nói.
Ngoài việc tăng cước phí vận chuyển làm đội giá thành hàng hóa, các DN còn thường xuyên không yên tâm mỗi khi phải xử lý những đơn hàng gấp. Anh Nguyễn Văn Quyến, nhân viên Công ty TNHH Thái Bình A ở TP.Hồ Chí Minh, DN chuyên làm dịch vụ xuất nhập khẩu, chia sẻ vừa qua công ty anh nhận làm thủ tục xuất hàng cho một DN sản xuất giày dép ở huyện Nhơn Trạch. Lô hàng có thời gian giao ngắn, do trong quá trình vận chuyển bị kẹt xe chờ đợi lâu, khi xe tới cảng thì đã hết thời gian tàu nhận hàng, 2 container hàng bị trễ do khâu vận chuyển khiến DN bị phạt hợp đồng hơn 100 triệu đồng. Anh Quyến cho hay, việc các DN bị “rớt” hàng do vận chuyển không kịp khá phổ biến.
* Cần rút ngắn vận chuyển
Theo ông Nguyễn Tiến Chương, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, thì hạ tầng giao thông hiện nay đang bị quá tải, trong khi đó lượng hàng ở nhiều khu công nghiệp lại tập trung về cảng Cát Lái nên việc tắc nghẽn giao thông là đương nhiên. Một thực tế là dù vận chuyển hàng về cảng Đồng Nai gần hơn nhiều so với cảng Cát Lái nhưng DN vẫn không thể thực hiện do nhiều hãng tàu chưa trực tiếp nhận hàng ở đây. “Hiện nay các DN xuất nhập khẩu rất muốn cảng Đồng Nai thiết lập quan hệ được với nhiều hãng tàu hơn, như vậy việc xuất hàng sẽ không phải về TP.Hồ Chí Minh. Cùng với đó là ICD Tân Cảng - Long Bình sau này sẽ là “cánh tay” nối dài của cảng Cát Lái, lúc đó việc làm thủ tục xuất hàng tại cảng này cũng được xem như ở cảng Cát Lái, sẽ giảm về thời gian cũng như chi phí vận chuyển cho DN xuất khẩu rất nhiều” - ông Chương nói.
Phải gánh nhiều loại phí đường bộ khiến giá cước vận chuyển cao gây áp lực cho nhà sản xuất. Trong ảnh: Xe vận chuyển hàng qua trạm thu phí quốc lộ 51, nơi có giá phí vừa được điều chỉnh tăng gấp đôi. |
Nhiều chủ DN khác cũng cho rằng, nếu việc thực hiện giao nhận hàng ở ngay tại cảng Đồng Nai hoặc ICD Tân Cảng - Long Bình dễ dàng như tại cảng Cát Lái thì chi phí vận chuyển sẽ giảm được hơn một nửa so với hiện nay bởi để xuất được một container hàng, ngoài phí vận chuyển chính, còn có gần chục loại cước phí đi kèm. Ngoài ra, nếu có thể giao nhận hàng ở các cảng gần hơn, DN cũng đỡ lo về việc bị rớt hàng do không kịp vận chuyển.
Quốc Khánh