Cánh đồng Vũng Gấm của xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) lâu nay sản xuất 3 vụ lúa/năm, song nông dân hiện phải bỏ hoang vì nước thải của Khu công nghiệp (KCN) Nhơn Trạch 5 xả xuống.
Cánh đồng Vũng Gấm của xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) lâu nay sản xuất 3 vụ lúa/năm, song nông dân hiện phải bỏ hoang vì nước thải của Khu công nghiệp (KCN) Nhơn Trạch 5 xả xuống.
Vụ đông - xuân 2012-2013, đúng thời điểm lúa trổ bông, bắp ra trái non thì bị cháy khô hàng loạt làm 30 hộ nông dân ở cánh đồng Vũng Gấm trắng tay.
* Mất trắng
Ông Nguyễn Văn Giáo, ấp Vũng Gấm, bức xúc: “Hơn 1 hécta lúa của tôi đang trổ bông mơn mởn, vậy mà lấy nước từ rạch Vũng Gấm vào chỉ sau 2-3 ngày, lúa vàng úa và chết khô. Sang vụ hè - thu tôi lấy thử nước vào ruộng, sau 2 ngày tháo ra thấy đóng một lớp cặn vàng, cỏ cũng chết nên không dám xuống giống tiếp”. Ông Giáo lo lắng bày tỏ, ruộng thì có song ô nhiễm không sản xuất được, bản thân ông đã cao tuổi nên không thể xin làm công nhân, rồi đây gia đình chưa biết sinh sống bằng nghề gì.
Ông Nguyễn Việt Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước An trước rạch Vũng Gấm bị ô nhiễm. |
Anh Nguyễn Văn Cường cũng ở ấp Vũng Gấm kể: “Gần 1 hécta lúa với 3 vụ/năm, tuy không khá giả nhưng cũng giúp vợ chồng tôi có cuộc sống tạm ổn. Giờ không thể trồng được vì ô nhiễm, vợ chồng tôi chia nhau người thì đi làm công nhân, người đi làm thuê bên ngoài kiếm sống”.
Rạch Vũng Gấm là rạch thủy lợi được xã Phước An dùng trữ nước để sản xuất lúa 3 vụ/năm cho cách đồng Vũng Gấm rộng hơn 50 hécta. Nước thải từ KCN Nhơn Trạch 5 sau khi xả ra rạch Vũng Gấm sẽ chảy ra sông Thị Vải. |
Nhiều hộ khác có ruộng tại Vũng Gấm rất bức xúc, bởi cánh đồng lúa quanh năm đang tươi tốt cho năng suất cao, nay bị ô nhiễm không sản xuất được khiến nhiều hộ rơi vào cảnh chật vật vì chưa tìm ra việc làm khác. “Cánh đồng Vũng Gấm rộng hơn 50 hécta, có đến 20 hécta lúa đông - xuân bị mất trắng do nước thải từ KCN Nhơn Trạch 5 xả xuống. Diện tích còn lại người dân cứu được là nhờ kịp thời đào giếng lấy nước ngầm để tưới. Vụ hè-thu này vì sợ nguồn nước ô nhiễm nên nhiều nông dân không xuống giống” - ông Võ Hồng Tư, Phó chủ tịch UBND xã Phước An khẳng định.
* Tiếp tục gây ô nhiễm
Sau khi lúa chết hàng loạt do nguồn nước ô nhiễm, Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Nhơn Trạch đã phối hợp với xã Phước An và người dân bị thiệt hại tiến hành lấy 5 mẫu nước tại điểm xả thải của KCN Nhơn Trạch 5 để kiểm tra. Theo ông Nguyễn Việt Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước An, vào thời điểm lấy mẫu nước trên rạch Vũng Gấm đang dâng cao nhưng cả 5 mẫu đều vượt quy chuẩn cho phép. Trong đó, có các thông số, như: COD, BOD, sắt… vượt từ 2-6 lần. Riêng hai thông số NO2 vượt 53,35-82,6 lần và NH4 vượt 12,6-18,24 lần. Hai thông số này vượt tiêu chuẩn nhiều lần gây ảnh hưởng lớn đến cây trồng và nuôi trồng thủy sản. Nhận được kết quả lúa chết do nguồn nước bị ô nhiễm, đầu tháng 3-2013, các hộ dân bị thiệt hại đồng loạt gửi đơn yêu cầu xã xác minh thiệt hại và đơn vị xả thải gây ô nhiễm phải khắc phục hậu quả.
Ông Hoàng Văn Thống, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường, cho biết sau khi kiểm tra phát hiện nước thải của KCN Nhơn Trạch 5 vượt chuẩn, tỉnh đã yêu cầu đơn vị kinh doanh hạ tầng khẩn trương nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu trước khi xả ra môi trường. Và thời hạn cuối để DN hoàn thành là trước ngày 30-7-2013. |
Ngày 8-5-2013, UBND tỉnh đã xử phạt hành chính 50 triệu đồng đối với đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN Nhơn Trạch 5 vì xả nước thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép gây ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, đến cuối tháng 5-2013, Sở Tài nguyên - môi trường lấy mẫu kiểm tra nước thải sau xử lý của KCN Nhơn Trạch 5 phát hiện vẫn còn 2 thông số là Amonia vượt 2,44 lần; sắt vượt 1,94 lần. Được biết, đơn vị kinh doanh hạ tầng và chịu trách nhiệm về việc xử lý nước thải KCN Nhơn Trạch 5 là Chi nhánh Tổng công ty đầu tư phát triển đô thị và KCN Việt Nam - TNHH một thành viên miền Đông.
Hương Giang