Báo Đồng Nai điện tử
En

Thực phẩm ngoại lấn lướt

10:05, 20/05/2013

Thị trường thực phẩm  ngoại đang chứng kiến sự tăng nhanh của hàng ngoại cả ở phân khúc sản phẩm cao cấp lẫn bình dân. Sự lấn lướt của thực phẩm ngoại là nỗi lo không nhỏ cho doanh nghiệp (DN) nội.

Thị trường thực phẩm  ngoại đang chứng kiến sự tăng nhanh của hàng ngoại cả ở phân khúc sản phẩm cao cấp lẫn bình dân. Sự lấn lướt của thực phẩm ngoại là nỗi lo không nhỏ cho doanh nghiệp (DN) nội.

Theo tiểu thương và các nhà kinh doanh thực phẩm, hàng ngoại hiện nay đa dạng hơn nhiều so với vài năm trước. Ngay cả những sản phẩm nhỏ như gói mì, hộp bánh cũng có nhiều dòng hàng nhập khẩu cho khách lựa chọn. Dòng thực phẩm cao cấp cũng dần trở nên phổ thông hơn với người tiêu dùng.

* Câu chuyện bò Úc giá rẻ

Từ cuối năm ngoái đến nay, Công ty TNHH Trung Đồng (TP. Biên Hòa) đã nhập khoảng 7.500 con bò thịt từ Úc về Việt Nam. Công ty này vừa mở thêm trang trại 2 và sắp nhập thêm 5 ngàn con nữa. Theo bà Trương Thị Đồng, Giám đốc Công ty Trung Đồng là đơn vị đi tiên phong trong việc nhập khẩu mặt hàng thịt bò dưới dạng nguyên con. Với cách làm này, giá bò Úc do Trung Đồng phân phối ra thị trường khá mềm, chỉ trên dưới 300 ngàn đồng/kg bò loại 1, tương đương với giá thịt bò trong nước.

Thực phẩm ngoại ngày càng quen thuộc với người tiêu dùng Việt. Trong ảnh: Khách mua hàng tại siêu thị.
Thực phẩm ngoại ngày càng quen thuộc với người tiêu dùng Việt. Trong ảnh: Khách mua hàng tại siêu thị.

“Hiện thịt bò Úc đang tiêu thụ rất tốt tại nhiều hệ thống siêu thị lớn, như: Metro, BigC, Co.opMart… Tôi cũng đang tìm kiếm đối tác để cung cấp hàng vào các bếp ăn tập thể vì với giá bán trên, người lao động cũng có thể sử dụng thịt bò Úc. Thị trường Việt Nam ngày càng được nhiều nước trên thế giới quan tâm, đã tạo cơ hội tốt cho DN trong lĩnh vực nhập khẩu” - bà Đồng nói.

Ông Willem Westra Van Hothe, Bộ trưởng về Công nghiệp cơ bản và thủy sản của bang Bắc Úc, cho biết: “Một trong những nguyên nhân tôi đến Đồng Nai lần này là vì ở đây có doanh nghiệp đã nhập khẩu bò Úc. Trước đó, phía Úc đã cử nhiều chuyên gia  đến Đồng Nai hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu huấn luyện cho lao động, từ kỹ thuật chăn nuôi đến khâu giết mổ với mục tiêu tăng xuất khẩu bò đến Việt Nam. Chúng tôi đánh giá cao tiềm năng thị trường Việt Nam không chỉ với sản phẩm thịt bò mà cả với ngành hàng nông sản. Đây sẽ là một trong những mục tiêu trọng tâm trong hợp tác kinh tế giữa Bắc Úc và Đồng Nai”.

Theo một lãnh đạo của Sở Kế hoạch - đầu tư, hiện đã có thêm DN trên địa bàn tỉnh nộp hồ sơ xin phép nhập khẩu bò nguyên con. Việc DN nhập khẩu bò Úc chỉ là một dẫn chứng về tốc độ tăng trưởng nhanh và sự thay đổi về đặc điểm của thực phẩm ngoại trên thị trường hiện nay. Thực tế, nhiều dòng thực phẩm ngoại cao cấp đang trở thành mặt hàng phổ thông với người tiêu dùng trong nước. Quan sát các kệ hàng đầy thực phẩm ngoại từ chợ đến siêu thị với đủ chủng loại, như: rau, quả, thịt, cá, sữa đến gia vị, thực phẩm chế biến… có thể thấy mức độ phổ biến của hàng nhập tại thị trường nội địa.

* Doanh nghiệp nội lo yếu thế

Bà Hoa, tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại chợ Biên Hòa, nhận xét bây giờ thực phẩm ngoại giá bình dân từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia… ngày càng được thị trường ưa chuộng. “Tuy thị trường bánh kẹo hàng nội đang chiếm lĩnh nhưng dần bộc lộ những nhược điểm khi cạnh tranh với hàng ngoại về sự đa dạng, chất lượng và giá cả.”

Từ cuối năm 2012 đến nay, Công ty TNHH Trung Đồng đã nhập 7.500 con bò Úc.
Từ cuối năm 2012 đến nay, Công ty TNHH Trung Đồng đã nhập 7.500 con bò Úc.

Điều lo lắng nhất đối với giới DN chính là lộ trình giảm thuế đã cam kết khi gia nhập WTO đang rõ dần với hàng loạt mặt hàng nhập được giảm thuế. Bên cạnh đó là giảm thuế theo các hiệp định kinh tế song phương và đa phương khác mà Việt Nam đã ký. Ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Linh Như (TP. Hồ Chí Minh), chuyên sản xuất các mặt hàng nước chấm, dầu ăn lo lắng: “Hiện ngành hàng dầu ăn của Việt Nam đang dần bị dầu ngoại lấn sân vì các thương hiệu ngoại ồ ạt tràn về, trong khi DN nội chưa tự chủ được ở khâu sản xuất do nguyên liệu chủ yếu đều nhập khẩu”. Theo đó, rất nhiều thương hiệu ngoại được người tiêu dùng quen thuộc vì mạnh về quảng cáo, trong khi sản phẩm của DN nhỏ và vừa trong nước khá lặng lẽ khi ra thị trường.

Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai nhận xét, trước đây, thực phẩm ngoại chủ yếu tập trung ở phân khúc thị trường cao cấp nên ít tạo sức ép trực tiếp lên hàng nội như bây giờ. Quy mô chăn nuôi công nghiệp của Việt Nam chưa phát triển mạnh nên khó cạnh tranh về giá so với DN nước ngoài. Trừ một số ngành thực phẩm truyền thống, thực phẩm nội, nhất là ở lĩnh vực thức ăn nhanh, bữa ăn công nghiệp, Việt Nam chỉ mới tiếp cận trong khi các nước khác đã rất phát triển. Hiện thị trường trong nước đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của những thương hiệu ngoại trong ngành thức ăn nhanh, như: KFC, Lotteria, Pizza Hut…

Theo ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai, áp lực cạnh tranh về thị trường của ngành thực phẩm đang ngày càng nóng, nhưng không nên chỉ thấy DN nước ngoài là đối thủ cạnh tranh. DN có thể chọn liên kết, liên doanh với các đối tác nước ngoài để khai thác được thế mạnh của họ về công nghệ, kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực tiếp thị sản phẩm và phân phối hàng hóa.

Bình Nguyên

 

 

 

Tin xem nhiều