Nhiều mô hình nuôi đặc sản, như: ba ba, rắn, ếch… mang lại hiệu quả cao và giúp không ít chủ trang trại làm giàu. Hiện nhiều nông dân cũng đang chuyển sang mô hình này, nhất là khi chăn nuôi heo, gà quy mô hộ gia đình đang có xu hướng thu hẹp dần.
Nhiều mô hình nuôi đặc sản, như: ba ba, rắn, ếch… mang lại hiệu quả cao và giúp không ít chủ trang trại làm giàu. Hiện nhiều nông dân cũng đang chuyển sang mô hình này, nhất là khi chăn nuôi heo, gà quy mô hộ gia đình đang có xu hướng thu hẹp dần.
Ếch nuôi đã trở thành món ăn phổ biến ở cả thành thị và nông thôn. Trong ảnh: Vựa cung cấp ếch tại chợ Hóa An (TP. Biên Hòa). |
Theo nhiều người nuôi các loại đặc sản, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này tại thị trường nội địa còn rất lớn. Ngoài ra, một số loài có thể xuất khẩu.
* Thu lãi khá
Ông Nguyễn Chí Tâm, nông dân tại xã Phú Điền (huyện Tân Phú), cho biết: “Khoảng 4 năm nay, tôi đầu tư nuôi cá - ếch - rắn. Hiện trung bình tôi xuất vài ngàn ếch giống mỗi tháng và đã nuôi được khoảng 300 con rắn bố, mẹ. Rắn giống hiện có giá 250 ngàn đồng/con; rắn thịt từ 600-900 ngàn đồng/kg. Với diện tích đất chăn nuôi khoảng 700m2, tôi lãi trên 100 triệu đồng/năm”. Ông Nguyễn Văn Sỹ, một trong những hộ đầu tiên nuôi hươu, nai tại xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu), nói: “Nghề nuôi hươu, nai hình thành ở đây từ năm 1987 chỉ với vài gia đình tham gia. Đến nay, cả làng cùng nuôi với sản lượng cả ngàn con. Đây là nơi cung cấp giống cho rất nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước”. Theo đó, hàng chục năm qua, chưa từng xảy ra dịch bệnh ở loài vật nuôi này, nguồn thức ăn lại tận dụng rau, cỏ tự nhiên nên hiệu quả kinh tế tương đối cao. Nhiều hộ gia đình khá lên, thậm chí làm giàu nhờ nghề nuôi hươu, nai.
“Hiện cá sấu nuôi chủ yếu cung cấp cho thị trường Trung Quốc. Việc thu mua đều do thương lái thao túng. Nông dân hoàn toàn nằm ở thế yếu trong giao dịch mua bán, bị thương lái Trung Quốc ép giá. Ở đây rất cần vai trò quản lý, hỗ trợ của nhà nước trong việc tạo cầu nối giữa cung và cầu, nhất là trên thị trường quốc tế” - ông Phạm Văn Ngữ, chủ một trang trại chăn nuôi ở huyện Thống Nhất đề xuất. |
Chị Lê Oanh, chủ trại nuôi dế tại huyện Trảng Bom, cho biết nhu cầu mua dế thịt làm thức ăn cho các con đặc sản, như: kỳ nhông, tắc kè đang tăng mạnh. Hiện nhiều mối hàng của chị là những hộ nuôi các loại đặc sản trên ở TP.Biên Hòa và TX.Long Khánh...
* Cần tính kỹ đầu ra
Cũng theo chị Lê Oanh thì: “Trước đây, phong trào nuôi dế rộ lên khắp nơi nhưng rồi không mấy ai trụ lại với nghề. Tuy cần vốn ít nhưng mô hình nuôi dế cũng đòi hỏi sự đầu tư bài bản, từ kỹ thuật chăn nuôi đến tìm thị trường tiêu thụ. Những người chạy theo phong trào với cách nghĩ làm chơi ăn thiệt thì khó đạt hiệu quả bền vững”.
Nuôi rắn mang lại thu nhập cao, tuy nhiên, thị trường tiêu thụ còn hạn chế. Ảnh: B. Nguyên |
Ông Phạm Văn Ngữ, chủ trang trại chăn nuôi tại huyện Thống Nhất, chia sẻ ông đầu tư nuôi các loài heo rừng lai, đà điểu, cá sấu… từ cả chục năm nay vì thấy hiệu quả kinh tế cao. Nhiều trang trại khác cũng đua nhau làm. Hiện ngành chăn nuôi đang đối mặt rất nhiều khó khăn, nuôi đặc sản cũng không tránh khỏi nỗi lo đầu ra bất ổn.
Theo ông Trần Dũng, nuôi một số loại con đặc sản như rắn, ếch… đang là một lựa chọn khá phù hợp với những hộ nông dân ít đất sản xuất và không mạnh về nguồn vốn vì những loài này ít xảy ra dịch bệnh, giá trị sản phẩm cao, chi phí chăn nuôi thấp. |
“Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm đặc sản tại thị trường nội địa còn rất lớn. Cụ thể, con ếch hiện đã trở thành món ăn phổ biến trong bữa cơm nhiều gia đình. Sắp tới, công ty tôi sẽ ký hợp đồng cung cấp ếch với số lượng lớn cho một doanh nghiệp trong ngành thực phẩm chế biến”- ông Trần Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Phúc Toàn Đức (huyện Định Quán), doanh nghiệp đang đầu tư cho nông dân chăn nuôi theo mô hình cá - ếch - rắn, nhận xét.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng khuyến cáo, nông dân không nên đua theo phong trào mà cần tìm hiểu kỹ thông tin thị trường để chọn loài nuôi cho phù hợp, vì không phải đặc sản nào cũng dễ dàng tìm được đầu ra.
Bình Nguyên