Để có cơ ngơi nhiều tỷ đồng trong tay, nông dân đều trải qua không ít truân chuyên. Có những lúc tưởng như trắng tay, nhưng nhờ có suy nghĩ “đi trước một bước”, họ đã “thoát hiểm”.
Để có cơ ngơi nhiều tỷ đồng trong tay, nông dân đều trải qua không ít truân chuyên. Có những lúc tưởng như trắng tay, nhưng nhờ có suy nghĩ “đi trước một bước”, họ đã “thoát hiểm”.
Mấy năm lại đây, giá nông sản, thủy sản bấp bênh, nhiều thời điểm xuống dưới giá thành khiến nông dân thua lỗ lớn. Dù vậy, vẫn có người biết tìm cơ hội làm giàu ngay trong khó khăn.
* Đi trước một bước
Chúng tôi tìm đến trại nuôi cá của ông Hoàng Văn Vĩnh ở ấp 4, xã Tân Hạnh (TP. Biên Hòa) vào buổi chiều cuối tháng 5. Khó có thể ngờ người từng được mệnh danh “vua cá rô đồng” ra ngoài đĩnh đạc, chải chuốt, về nhà cũng xoay trần, lội xuống từng ao kiểm tra chăm sóc cá. Tiếp chúng tôi trong căn lều tạm, ông nói: “Trại có thuê người làm, nhưng ngày nào tôi cũng phải lội ao một vài lần để kiểm tra xem cá có khỏe mạnh hay không, coi thức ăn đủ chưa để kịp điều chỉnh”. Nghe nhắc đến danh hiệu “vua cá rô đồng” một thời, ông lắc đầu cho hay, điều đó đã là quá khứ, vì mấy năm nay ông phải chuyển qua nuôi cá lóc mới giữ được gia sản.
Ông Nguyễn Hoàng Vĩnh, xã Tân Hạnh (TP. Biên Hòa) bên ao nuôi cá lóc. Ảnh: H.Giang |
Quê gốc ở Cà Mau, phiêu bạt nhiều nơi để làm ăn, năm 1989, nơi ông chọn dừng chân để an cư là xã Tân Hạnh. Bắt đầu bằng nghề nuôi cá với hai bàn tay trắng, sau gần 10 năm ông đã có được gia sản kha khá. Nhưng rồi một trận lũ về bất ngờ khiến ông trắng tay, căn nhà đang ở cũng đem thế chấp để có vốn tiếp tục làm ăn. Thế nhưng, họa vô đơn chí, các loại cá ông nuôi, như: trắm, chép, trôi… năm đó bỗng tuột giá khiến đồng vốn ít ỏi đi tong. Ông Vĩnh quyết định vực lại gia sản bằng nghề nuôi cá rô đồng. Năm 2000, ông là người đi tiên phong trong việc nuôi cá rô đồng công nghiệp tại Đồng Nai. Lúc đó người nuôi còn ít, thị trường đang chuộng nên đầu ra của ông khá thuận lợi, chỉ sau vài năm, ông đã có trong tay doanh thu cả chục tỷ đồng và lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/năm.
Năm 2005-2008, phong trào nuôi cá rô đồng phát triển ồ ạt tại nhiều tỉnh, thành phía Nam khiến giá bắt đầu giảm mạnh. Biết đã đến giai đoạn cung vượt cầu, năm 2009 ông Vĩnh chuyển sang nuôi cá lóc. Ông Vĩnh chia sẻ: “Tôi chọn cá lóc vì dễ nuôi, thị trường rộng hơn cá rô đồng và có thể xuất khẩu sang Campuchia. Nhờ kịp thời chuyển đổi, tôi tránh được cảnh trắng tay như một số đại gia nuôi cá rô đồng trong và ngoài tỉnh”.
Từ đầu năm đến nay, ông Vĩnh thu được 80 tấn cá lóc. Với giá cá 41-42 ngàn đồng/kg, không cao bằng năm trước, song trừ chi phí ông vẫn lời gần 500 triệu đồng. Theo ông, cá lóc cũng chỉ 2-3 năm nữa lại rơi vào cảnh giá giảm mạnh như cá rô đồng vì hiện khá nhiều người đầu tư nuôi. Đến lúc đó, ông sẽ lại chọn cho mình hướng đi khác.
* Bỏ trái, trồng hoa
Hơn 3 năm trở về trước, anh Lâm Minh Hoàng ở ấp Cẩm Tân, xã Xuân Tân (TX. Long Khánh) khá nổi tiếng với việc trồng trái cây. Anh từng nhiều lần được khen thưởng là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Điều khác biệt là anh thuê đất của người khác để làm giàu. Đất anh thuê hầu hết là những vườn chôm chôm, sầu riêng cằn cỗi, lợi nhuận thấp. Thế nhưng qua tay anh, 1-2 năm sau vườn đã trở nên tươi tốt, cho năng suất cao và lợi nhuận trên 200 triệu đồng/hécta/năm.
Tuy nhiên, 2-3 năm lại đây, giá cả trái cây bấp bênh, đầu ra khó khăn khiến lợi nhuận sụt giảm nhiều. Biết không thể trụ lại với cây ăn trái nên hơn 2 năm nay, anh Hoàng chuyển qua trồng lan. Anh Hoàng cho biết: “Tôi tìm hiểu thấy thị trường gần đây rất chuộng các loại hoa lan, đầu ra loại hoa này khá thuận lợi và luôn hút hàng. Do đó, tôi rút vốn về chuyển qua trồng lan”. Hiện anh Hoàng đã có vườn lan rộng khoảng 5 ngàn m2, lãi hơn 20 triệu đồng/tháng.
Theo tính toán của anh Hoàng, tới đây vườn lan của anh đi vào khai thác đồng loạt, lợi nhuận có thể cao gấp hai, gấp ba. Điểm khác biệt với những người trồng lan theo phong trào là anh Hoàng luôn tìm hiểu nhu cầu thị trường cần loại lan nào để đầu tư, cung ứng kịp thời.
Khi chúng tôi hỏi việc từ bỏ trồng trái cây từng đem lại cho anh nhiều danh lợi có thấy buồn không?, anh nói: “Muốn làm giàu bằng sản xuất nông nghiệp thì chọn những sản phẩm thị trường đang thiếu. Đây cũng chính là bí quyết giúp tôi luôn thoát hiểm, ít bị thua lỗ lớn”.
Nhờ kịp thời nắm bắt thị trường, đi trước một bước mà ở tuổi 36, anh Hoàng đã có gia sản kha khá trong tay.
Hương Giang